Chăm sóc và điều trị viêm phổi đúng cách, kịp thời sẽ giúp hạn chế các tổn thương, giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Vì vậy trẻ bị viêm phổi có nên nằm quạt không? Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ nên lưu ý gì?
Trẻ bị viêm phổi có nên nằm quạt không?
Trẻ bị viêm phổi vẫn có thể nằm quạt được. Tuy nhiên, bố mẹ cần sử dụng quạt đúng cách để tránh làm bệnh trở nên nặng hơn.
Bác sĩ Võ Thị Minh Tuyền cho biết: “Khi trẻ mắc bệnh viêm phổi, nhiều bố mẹ cho trẻ nghỉ ngơi trong không gian kín gió và đặc biệt là không sử dụng quạt hay máy lạnh dù thời tiết đang oi bức. Việc này hoàn toàn không đúng. Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà cần thực hiện một cách hợp lý, khoa học và phối hợp chặt chẽ với chỉ định của bác sĩ điều trị. Trong đó, việc tạo môi trường nghỉ ngơi phù hợp, an toàn, sạch sẽ và đảm bảo sự lưu thông khí sẽ giúp trẻ dễ chịu, thoải mái và góp phần giúp bệnh nhanh khỏi.”
Viêm phổi là bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ em, các triệu chứng khởi phát thường là sốt, ho, sổ mũi… Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh có thể gây sốt hoặc không sốt, kèm theo các triệu chứng như ho, khò khè, bú kém, bỏ bú, thở nhanh… Nghỉ ngơi trong không gian thoáng khí, có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng này, trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Viêm phổi ở trẻ em có cần kiêng gió không?
Thực tế, trẻ bị viêm phổi không nhất thiết phải kiêng gió hoàn toàn. Khi đưa trẻ ra ngoài trời lạnh, bố mẹ cần mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ đúng cách, đặc biệt là vùng mũi, cổ, ngực, bàn tay và bàn chân.
Nếu phòng nghỉ ngơi của trẻ có cửa sổ, bố mẹ có thể mở cửa sổ mở nhẹ để không khí lưu thông. Điều này sẽ giúp làm thoáng khí, giảm sự tích tụ của vi khuẩn, virus gây bệnh.
Hướng dẫn sử dụng quạt đúng cách cho trẻ bị viêm phổi
Dùng quạt cho trẻ bị viêm phổi nhưng thế nào là đúng cách, an toàn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và nhanh khỏi bệnh? Dưới đây là một số lưu ý khi dùng quạt trong chăm sóc trẻ bị viêm phổi:
1. Vị trí đặt quạt hợp lý
Luồng gió mạnh trực tiếp từ quạt có thể làm đường thở của trẻ bị khô lạnh, nhạy cảm. Do đó, vị trí đặt quạt phải xa và không hướng quạt trực tiếp về chỗ trẻ nằm. Bố mẹ có thể hướng quạt về phía tường hoặc cho quạt quay nhẹ để không khí lưu thông trong phòng mà không ảnh hưởng đến trẻ.
2. Chú ý nhiệt độ, độ ẩm trong phòng
Khi dùng quạt, cần lựa chọn chế độ quạt, mức gió phù hợp, không để nhiệt độ và độ ẩm phòng quá thấp.
3. Khi nào không nên sử dụng quạt cho trẻ?
Nếu trẻ gặp phải các tình trạng dưới đây, bố mẹ không nên cho trẻ dùng quạt:
- Trẻ sốt cao, rét run: cho trẻ dùng thuốc hạ sốt, theo dõi thân nhiệt và đưa trẻ đến bệnh viện nếu cơn sốt không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt; có thể kết hợp lau người với nước ấm, cho trẻ uống nước ấm để hỗ trợ điều hòa thân nhiệt.
- Thời tiết, nhiệt độ môi trường quá thấp: Vào mùa đông, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Bắc nước ta, nhiệt độ môi trường sẽ hạ thấp, sử dụng quạt sẽ rất dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
- Trẻ bị hen suyễn, dị ứng, viêm mũi dị ứng: Nếu không khí không sạch sẽ, không vệ sinh quạt thường xuyên, việc sử dụng quạt có thể khiến bụi và các tác dân gây dị ứng đến gần với trẻ hơn, kích thích cơn hen cấp, viêm mũi dị ứng nghiêm trọng hơn.
- Trẻ mới tắm xong: Khi mới tắm xong, thân nhiệt trẻ sẽ hạ xuống. Lúc này, trẻ cần được lau khô người và giữ ấm đúng cách, tránh gặp gió hay không khí lạnh.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi hiệu quả
Bên cạnh việc cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng cách sẽ góp phần tăng hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhanh khỏi. Một số biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm phổi hiệu quả, bố mẹ có thể áp dụng:
1. Hạ sốt cho trẻ
Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phổi, có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo sức đề kháng của trẻ. Bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ và hạ sốt cho trẻ đúng cách để tránh dẫn đến sốt cao kéo dài, sốt co giật, mất nước, rối loạn điện giải. (1)
- Nếu trẻ sốt nhẹ: cho trẻ nghỉ ngơi ở không gian thoáng khí, mặc quần áo thoải mái, lau người bằng khăn ấm (nhất là vùng nách, bẹn), uống đủ nước.
- Nếu trẻ sốt cao: dùng thuốc hạ sốt với liều lượng được khuyến nghị. Bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol với liều dùng 10-15mg/kg/lần, mỗi liều cách nhau 4-6 giờ và không quá 4 liều/ngày.

2. Vỗ lưng bài tiết đờm
Vỗ đờm đúng cách sẽ giúp trẻ tống đờm ra khỏi đường hô hấp, từ đó dễ thở hơn. Bố mẹ có thể dùng tay vỗ một lực vừa đủ vào phần lưng, giữa 2 xương bả vai để giúp trẻ bài tiết đờm dễ dàng hơn.
3. Hướng dẫn cho trẻ ho đúng cách
Ho là phản xạ của cơ thể để loại bỏ đờm và các dịch tiết bên trong phổi, làm sạch đường thở. Vì vậy, bố mẹ nên nhắc trẻ không nên nhịn ho và ho đúng cách.
4. Vệ sinh đường thở cho trẻ
Bố mẹ nên thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để hỗ trợ loại bỏ dịch nhầy tích tụ bên trong mũi họng, làm sạch đường hô hấp, giúp trẻ dễ thở hơn. Ở trẻ nhỏ, bố mẹ nên lựa chọn dung dịch vệ sinh mũi phù hợp cho trẻ. Có thể dùng dạng dung dịch nhỏ mũi hoặc xịt mũi rồi dùng khăn sạch lau vùng mũi, miệng của trẻ.
5. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Dinh dưỡng hợp lý, khoa học là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Ở trẻ còn bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn, bú nhiều cữ nhỏ, đảm bảo trẻ bú đủ sữa mỗi ngày. Ở trẻ lớn hơn, chế độ dinh dưỡng của trẻ cần được lựa chọn một cách khoa học, cân đối và lành mạnh:
- Ưu tiên những thực phẩm giàu protein.
- Tăng cường rau xanh và các loại trái cây giàu vitamin, khoáng chất.
- Chế biến thức ăn dạng lỏng, thanh đạm, dễ tiêu hóa.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể kết hợp các loại nước ép.
- Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, chất bảo quản.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ phù hợp khi trẻ có các dấu hiệu như:
- Sốt cao liên tục, sốt co giật;
- Trẻ mệt mỏi nhiều, li bì, xu hướng ngủ nhiều hơn;
- Bú kém, bỏ bú, bỏ ăn;
- Đau tức ngực;
- Đau bụng, nôn ói, tiêu chảy;
- Ho có đờm vàng/xanh, đờm lẫn máu;
- Khó thở, thở nhanh;
- Da tái xanh, tím tái;
- Có dấu hiệu mất nước: môi khô, tiểu ít…
Tất cả thuốc dùng cho trẻ viêm phổi cần tuân theo đúng chỉ định của trẻ. Bố mẹ cần theo dõi trẻ sau khi dùng thuốc nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời khi trẻ có bất thường. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc, kết hợp thuốc hoặc điều trị viêm phổi cho trẻ bằng các biện pháp dân gian vì điều này sẽ khiến bệnh trở nặng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, tránh để trẻ áp lực, căng thẳng. Đặc biệt, cần tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, khói thuốc lá và các yếu tố gây kích ứng.
Tóm lại, trẻ bị viêm phổi có nên nằm quạt không? Câu trả lời là có thể. Bố mẹ có thể cho trẻ nằm quạt khi môi trường nóng bức, gây khó chịu cho trẻ. Tuy nhiên, cần sử dụng quạt đúng cách, giữ ấm cho trẻ phù hợp và kết hợp với các biện pháp chăm sóc, điều trị được khuyến nghị để trẻ nhanh khỏi bệnh.