Nhạy cảm là gì? Ưu nhược điểm của người nhạy cảm

Đồng cảm với cảm xúc của người khác là biểu hiện của người có tâm tính lương thiện, đây là một tính cách tốt. Tuy nhiên, khi mức độ đồng cảm tăng cao trở thành sự nhạy cảm thì không biết có còn mang lại giá trị tích cực cho người sở hữu tính cách này hay không. Chúng ta hãy cùng quân sư TalentBold khảo nghiệm cặn kẽ nhạy cảm là gì, ưu nhược điểm ra sao khi nhạy cảm hiện diện trong môi trường công sở nhé!

1. Nhạy cảm là gì? Nhạy cảm nơi công sở là gì?

Nhạy cảm là cụm từ phản ánh việc một cá nhân có những phản ứng mạnh mẽ về mặt cảm xúc khi đối mặt với những cảm xuc, hành động xảy ra với họ hoặc với những người xung quanh họ. Người nhạy cảm bắt nhịp cảm xúc rất nhanh, họ rất dễ xúc động, dễ rơi nước mắt, hay đa sầu đa cảm.

Nhạy cảm nơi công sở cũng giống như nhạy cảm trong cuộc sống thường nhật, có điều phạm vi thu hẹp hơn, chủ yếu đề cập đến khả năng đồng cảm, tôn trọng, chia sẻ, đánh giá cao… những quan điểm, thành quả, nhu cầu giữa các đồng nghiệp. Môi trường làm việc nuôi dưỡng sự nhạy cảm là nơi mà người lao động cảm thấy bản thân luôn được lắng nghe, được thấu hiểu, an tâm phấn đấu trong sự hợp tác và yêu thương chan hòa.

2. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự nhạy cảm?

Sự nhạy cảm có thể là tố chất cũng có thể được hình thành trong quá trình phát triển cá nhân, chủ yếu đến từ những nguyên nhân:

2.1. Yếu tố di truyền

Tính cách hoàn toàn có thể di truyền sang nhiều thế hệ một cách tự nhiên thông qua gen di truyền. Vì vậy, việc một gia đình hay một đại gia đình cùng sở hữu tính cách nhạy cảm là điều rất thường xảy ra.

2.2. Áp lực, muộn phiền dồn nén

Quá nhiều vấn đề muộn phiền bị dồn nén trong một thời gian dài khiến mà bản thân không có điều kiện để giải tỏa, cứ thế ngày qua ngày trở thành “một ly nước đã rót đầy”. Đến khi gặp một vấn đề cảm xúc áp lực, mệt mỏi tiếp theo, biểu hiện nhạy cảm sẽ bộc phát như thể đó là “giọt nước tràn ly” trong tâm hồn họ.

2.3. Tâm lý tự ti

Một lời chê trách với người tự tin không khiến họ tụt mood mà còn có thể tạo động lực phấn đấu, nhưng nếu lời chê trách đó đến với người tự ti thì chẳng khác gì đè thêm một tảng đá nặng vào lòng họ. Bởi lẽ họ rất nhạy cảm với những phát sinh tiêu cực xảy đến với họ, lời chê trách chỉ ở cấp độ 1 họ có thể cảm nhận lên đến cấp độ 7.

2.4. Tính cầu toàn

Người cầu toàn luôn muốn đạt 10 điểm ở mọi khía cạnh mà họ tham gia, vì vậy, đồng nghiệp gặp một sự cố mới trong công việc cũng khiến họ nhạy cảm quan tâm, chia sẻ và học hỏi vì biết đâu tương lai họ sẽ gặp lại vấn đề tương tự. Nắm bắt trước sẽ bớt đi rủi ro đánh mất sự cầu toàn.

2.5. Tổn thương tâm lý trong quá khứ

Người càng trải nghiệm nhiều thì sự đồng cảm càng gia tăng, vì hơn ai hết, họ thấu hiểu được nỗi đau, sự tổn thương mà người khác đang trải qua khi đối mặt với cùng sự việc mà họ đã gặp trong quá khứ. Nhìn vào thực tại của người khác, cảm xúc tổn thương năm xưa như ùa về, khiến tâm hồn họ trở nên nhạy cảm một cách sâu sắc.

2.6. Thói quen được nuông chiều

Ở nhà như một ông hoàng, bà chúa, không thích thì không làm, còn làm sai có cha mẹ giải quyết thay. Bước ra ngoài xã hội, gặp phải những sự việc bất như ý dù là nhỏ nhất cũng khiến người quen được nuông chiều cảm thấy tổn thương, không kìm được cảm xúc tủi thân mà bật khóc.

3. Ưu nhược điểm của người nhạy cảm ở nơi công sở

Người nhạy cảm là người sống thiên về mặt cảm xúc, biết đồng cảm với người khác, là một người thiện lương nhưng cái gì quá cũng không tốt, tính cách nhạy cảm trong môi trường công sở cũng vậy:

3.1. Ưu điểm

Bắt nhịp cảm xúc tốt

Khi trao đổi với khách hàng, đối tác mà có những vấn đề thuộc về cảm xúc, người nhạy cảm bắt nhịp rất nhanh. Họ mang đến cho đối phương cảm giác được chia sẻ một cách ân cần nên người nhạy cảm làm việc rất hiệu quả trong các lĩnh vực thiên về tư vấn, tâm lý, chăm sóc khách hàng…

Làm việc nhóm hiệu quả

Với tính cách ôn hòa, biết lắng nghe, biết chia sẻ, đội nhóm có sự tham gia của những người nhạy cảm luôn biết cách dung hòa không khí hợp tác, biết cách phản hồi một cách hòa nhã, tránh được những tranh luận quá khích, giữ gìn tốt hòa khí mà vẫn đạt hiệu quả công việc chung.

Thuận lợi xây dựng mối quan hệ

Nói chuyện với người nhạy cảm bạn sẽ luôn cảm thấy được an ủi và đồng cảm cao. Nhờ vậy, rất nhiều đồng nghiệp xung quanh thích nói chuyện cùng họ, cả việc công và việc tư. Họ rất ít khi phán xét, thay vào đó là những lời chia sẻ chân thành giúp giải tỏa tâm lý hiệu quả nên rất dễ gắn kết cùng mọi người.

Nhạy bén nhận định đa chiều

Khi tiếp cận những môi trường không gian mới, người nhạy cảm không chỉ cảm nhận cảm xúc mà còn có thể nhạy bén cảm nhận những điểm đặc biệt về bài trí, về hành vi, về âm thanh... Qua đó nhanh chóng đưa ra nhận định sơ bộ khá chuẩn xác, biết được liệu có nguy cơ rủi ro nào có thể gây hại hay không.

3.2. Nhược điểm

Dễ bị tác động tâm lý

Nỗi buồn, sự lo lắng của đồng nghiệp cũng sẽ trở thành sự quan tâm suy nghĩ hoặc trở thành nỗi buồn lo trong lòng người nhạy cảm. Dù không được nhờ vả, họ vẫn có thể dành thời gian tìm kiếm hướng giải quyết thay đồng nghiệp, trong khi bản thân người nhạy cảm cũng có những vấn đề của riêng mình. Vô tình khiến bản thân tự tạo áp lực và sự quá tải tinh thần cho chính mình.

Đa sầu đa cảm

Người ta khuyên nhau phải quẳng gánh lo đi mà sống, còn người nhạy cảm hở chút là lại tiếp nhận sự muộn phiền, lo lắng từ môi trường xung quanh về mình. Tình tiết buồn trong phim có thể đeo bám cảm xúc họ cả ngày, nên từ nét mặt đến cảm xúc luôn thể hiện sự đa sầu, đa cảm. Mặt lúc nào cũng ưu tư, khiến không khí công sở bị chùng xuống.

Sợ sự chỉ trích

Một lời chỉ trích có giá trị xây dựng cũng bị người nhạy cảm cho rằng mang ý niệm “dìm hàng” khiến họ cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp xung quanh, cảm nhận ai cũng thất vọng về mình, rồi ai cũng sẽ ghét mình. Trong khi đồng nghiệp chỉ vô tình nghe rồi cũng như gió thoảng qua tai, bản thân đồng nghiệp không để tâm nhưng trong lòng người nhạy cảm thì luôn canh cánh ghi dấu ấn.

Khó hòa nhập đám đông

Người nhạy cảm rất ít nhận lời tham gia các hoạt động đội nhóm, vì ở đó, họ không thể bắt nhịp với sự sôi động, vui vẻ của mọi người. Họ cảm thấy lạc lõng, lẻ loi, gần giống như người hướng nội, nhưng là nhóm hướng nội đa sầu đa cảm chứ không phải hướng nội biết tìm niềm vui riêng cho mình.

4. Làm việc trong doanh nghiệp sở hữu văn hóa nhạy cảm liệu có phải điều tốt?

Một doanh nghiệp có văn hóa nhạy cảm sẽ là môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động, vì ở đó:

4.1. Nâng cao năng suất

Những nỗi lo về sự ganh tị, đấu đá, hãm hại nhau để thăng tiến… được giảm thiểu tới mức thấp nhất ở những doanh nghiệp văn hóa nhạy cảm. Người lao động an tâm làm việc, nâng cao năng suất, phát triển chuyên môn, gắn bó ổn định lâu dài.

4.2. Cải thiện phúc lợi

Doanh nghiệp xây dựng văn hóa nhạy cảm hiểu rõ nhân viên chính là tài sản quý giá nhất cho sự phát triển của tổ chức. Do vậy, những khó khăn trong quá trình làm việc thường xuyên được ghi nhận, kèm theo đó là những cải thiện phúc lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

4.3. Nuôi dưỡng môi trường làm việc tích cực

Văn hóa nhạy cảm được xây dựng từ đội ngũ lãnh đạo đến từng nhân viên tại các phòng ban, sự đồng bộ này tạo thuận lợi cho quá trình truyền cảm hứng tích cực cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Vừa giúp doanh nghiệp duy trì đội ngũ nhân sự giỏi ổn định cho mọi chiến lượng cải tiến, vừa giúp người lao động đoàn kết, tin tưởng và đồng lòng hướng về mục tiêu chung.

5. Làm thế nào để bản thân không chạm vào ranh giới “quá nhạy cảm”?

Nhạy cảm là tính cách tốt, có sự đóng góp cao cho con đường sự nghiệp nhưng quá nhạy cảm lại dễ gây phản ứng phụ. Để không vượt quá ranh giới mong manh này, quân sư có vài kinh nghiệm vô cùng hữu ích mà ai ai cũng áp dụng được:

5.1. Đừng quá để tâm đến suy nghĩ của người khác

Bạn luôn để tâm đến hình ảnh của mình trong mắt người khác, nhạy cảm với từng chi tiết nhỏ không được hoàn hảo, sợ bị chê trách, sợ bị la… vì bạn lo những chi tiết này sẽ lưu giữ trong tâm trí của mọi người xung quanh. Đừng quá nặng lòng như vậy, cuộc sống của mỗi người đều có rất nhiều sự kiện phát sinh, việc của bạn rồi sẽ phai dần theo thời gian, thậm chí đồng nghiệp cũng không để tâm ghi dấu vì họ nghĩ những sai sót nhỏ đó bình thường mà, ai đi làm mà chưa từng trải qua.

Dù bạn có suy tư thì cũng không thể thay đổi được suy nghĩ của người khác, vậy nên hãy học cách:

5.2. Xóa bỏ lệ thuộc cảm xúc của người khác

Bạn vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ một mình bạn trải nghiệm, người khác không sống thay cuộc đời của bạn, họ cũng không chịu bớt nỗi muộn phiền dùm bạn. Vậy thì hà cớ gì bạn lại phải để tâm đến cảm xúc của người khác trước khi suy nghĩ và hành động những việc nhỏ nhất cho chính mình. Bạn không có trách nhiệm phải làm hài lòng ai cả, bạn chỉ cần hướng đến những người thương yêu bạn, biết nghĩ cho bạn và hướng đến mục tiêu chung của tập thể trong công việc.

5.3. Ưu tiên cho bản thân trước

Việc ưu tiên này không có nghĩa là sống ích kỷ mà là giảm bớt nỗi lo không phải của mình ra khỏi tâm trí. Hãy dành cho bản thân những khoảng không gian tĩnh lặng để thư giãn, liệt kê những vấn đề của bản thân cần được giải quyết. Chuyên tâm giải quyết cho mình trước, xong hết việc của mình rồi, rảnh rỗi mới để tâm chuyện của người khác. Đừng như người “quá nhạy cảm”, chồng chéo muộn phiền của mình và của nhiều người xung quanh ngay cả khi không được nhờ cậy.

Nhạy cảm là khả năng đồng cảm cảm xúc của người khác một cách nhanh và nhạy. Người nhạy cảm biết cách chia sẻ, tạo cảm giác an toàn và thoải mái khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, người quá nhạy cảm lại dễ đưa bản thân vào trạng thái đa sầu đa cảm, tự tạo áp lực cho chính mình. Áp dụng những kinh nghiệm quân sư TalentBold tập hợp trong bài viết, bạn đọc sẽ tránh được tình trạng nhạy cảm quá mức, phát huy tối đa ưu điểm mà tính cách này mang đến.

Miễn phí đăng tin tuyển dụng

-

Chi tiết liên hệ: Talentbold - We bold your talents Hotline: 077 259 1080 Mail: sales@talentbold.com Add: Tầng 12A.3, Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam

Nguồn ảnh: internet

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/van-de-nhay-cam-a74482.html