Giáo viên gợi ý 4 tiêu chí “cứng” để chọn ngữ liệu thiết kế đề kiểm tra Ngữ văn

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện được 3 năm ở cấp trung học phổ thông. Năm nào, đến thời điểm kiểm tra định kỳ, trên mạng cũng xuất hiện nhiều đề “lạ” đến mức chính người trong cuộc cũng không khỏi lo lắng cho đội ngũ và bộ môn đang trên đường thực hiện chương trình mới.

Việc lựa chọn ngữ liệu thiết kế đề kiểm tra đánh giá năng lực (kiến thức, kỹ năng) người học diễn ra trong nhiều đợt tập huấn.

Báo cáo viên chính là tác giả biên soạn sách, chuyên viên của Bộ, giáo viên cốt cán Sở cũng đề cập, triển khai nhưng liệu tất cả giáo viên đã quán triệt tinh thần này theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thì cần có nghiên cứu để kết luận.

Người viết là giáo viên Ngữ văn xin chia sẻ đôi điều cùng đồng nghiệp để việc thiết kế đề kiểm tra an toàn và phù hợp tinh thần đổi mới.

Chọn ngữ liệu để thiết kế đề kiểm tra, đánh giá, đòi hỏi “công phu”

Ngữ liệu là “xương sống” của chương trình, là “hồn cốt” của môn Ngữ văn. Ngữ liệu vừa là phương tiện dùng để dạy kỹ năng đọc hiểu, tạo lập văn bản vừa là phương tiện để kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu, năng lực viết của người học.

Để đánh giá chính xác, công bằng, khách quan thì đề kiểm tra phải sử dụng ngữ liệu hoàn toàn mới, nằm ngoài sách giáo khoa đang dạy; chống ghi nhớ máy móc, chép văn mẫu, vay mượn lời văn của người khác; chống cách dạy học theo lối đọc chép.

Nếu lấy lại ngữ liệu có trong sách giáo khoa để kiểm tra thì kết quả đánh giá năng lực người học sẽ không chính xác; hoặc nếu lựa chọn ngữ liệu mới nhưng không rõ đặc trưng thể loại, kiểu văn bản thì kết quả đánh giá cũng không có cơ sở tin cậy.

Chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thách thức của nhiều giáo viên, bởi đây là chương trình đòi hỏi giáo viên tích cực trước khi yêu cầu học sinh tích cực.

Một ngữ liệu chuẩn, hay, có khả năng đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh phải đạt được 4 tiêu chí “cứng” sau:

Về kiểu, thể loại văn bản: ngữ liệu được chọn phải cùng kiểu văn bản (văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin), thể loại văn bản (thơ, truyện, kịch, ký,…) đã học và tiêu biểu, đặc trưng cho kiểu văn bản, thể loại đó.

Ví dụ, muốn đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản kịch, phải sử dụng ngữ liệu đặc trưng của văn bản kịch làm đối tượng khai thác. Muốn đánh giá năng lực viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ trữ tình, phải có ngữ liệu là một bài thơ đặc trưng của thơ trữ tình.

Một điều quan trọng, khi lựa chọn ngữ liệu, phải quan tâm đến những yếu tố mang tính điển hình của thể loại. Có thế, mới dễ dàng thiết kế hệ thống câu hỏi đánh giá mức độ hoàn thành yêu cầu cần đạt của chương trình.

Về dung lượng: ngữ liệu có độ dài/ ngắn phù hợp với thời gian kiểm tra, đảm bảo học sinh có đủ thời gian đọc, suy nghĩ, làm bài.

Nếu đề kiểm tra có sử dụng hai ngữ liệu riêng biệt cho hai phần đọc và viết thì dung lượng tối đa cho hai ngữ liệu là 1.000 chữ (đối với thi tốt nghiệp tối đa 1.300 chữ).

Nếu chỉ sử dụng một ngữ liệu cho hai phần thì dung lượng khoảng 600 đến 1.000 chữ (tính cả chú thích, nhan đề, lược dẫn, xuất xứ,…).

Ngữ liệu là đoạn trích chứa đựng vừa đủ thông tin để trả lời câu hỏi đọc hiểu (ngữ liệu khoảng 600 chữ) hoặc để viết đoạn/ bài văn (ngữ liệu khoảng 600 chữ).

Về nội dung, nghệ thuật: ngữ liệu phải có nội dung giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất phù hợp với năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh; nghệ thuật đặc sắc, chuẩn mực và sáng tạo về mặt ngôn ngữ.

Ngữ liệu phải bồi dưỡng về những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Không sử dụng những ngữ liệu có các từ ngữ phản cảm hoặc có khả năng gây tổn thương; phân biệt giới; hoặc kích động những tình cảm mang tính cực đoan.

Về nguồn trích dẫn: ngữ liệu phải có xuất xứ rõ ràng, lấy từ nguồn đáng tin cậy như nhà xuất bản uy tín (tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang được trích dẫn); nếu lấy trên các trang mạng thì các trang mạng đó phải được quản lý, kiểm duyệt của ít nhất một cơ quan chức năng (ghi rõ đường link, ngày truy xuất).

Việc lựa chọn ngữ liệu đạt được những yêu cầu trên đòi hỏi giáo viên tốn nhiều thời gian, đọc nhiều văn bản và sàng lọc, lựa chọn. Tuy nhiên, chương trình đang trong bước đầu vừa thực hiện vừa học tập, rút kinh nghiệm.

Để bảo đảm tính an toàn, người chọn lựa ngữ liệu cần thận trọng, tránh lặp lại những hạn chế của một số đề Ngữ văn từng bị dư luận phản ứng.

Theo tinh thần tập huấn và tài liệu lưu hành nội bộ của Bộ, trong các kỳ kiểm tra (không phải thi) ngữ liệu có thể chọn trong sách giáo khoa chương trình 2006; có thể chọn trong những bộ sách giáo khoa khác bộ sách đang dạy; hoặc có thể chọn những đoạn trích khác của cùng một tác phẩm có trong chương trình hiện hành (ví dụ, nếu đã dạy đoạn trích “Trao duyên” (Truyện Kiều) thì giáo viên có thể chọn đoạn trích khác trong tác phẩm này để kiểm tra đọc hiểu thể loại truyện thơ Nôm).

Đó là những ngữ liệu an toàn, được xem là phương tiện đánh giá đúng năng lực đọc hiểu của học sinh. Đấy là giải pháp tạm thời trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình 2018.

Còn trong thời gian tới, khi đã có kinh nghiệm chọn ngữ liệu thì chắc chắn thầy cô sẽ chọn được ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, không có trong các bộ sách hiện hành cũng như trong chương trình 2006.

Một số đề kiểm tra được bàn luận là bài học kinh nghiệm

Người viết xin chia sẻ một số đề kiểm tra giữa học kỳ I của một trường trung học phổ thông có một số vấn đề gây băn khoăn.

van2.jpg
Ảnh một đề kiểm tra.

Theo đó, ngữ liệu có nội dung phù hợp với Chương trình môn Ngữ văn lớp 11 hiện hành. Nhưng, nhiều giáo viên cho rằng ngữ liệu quá dài, tràn ra cả hai mặt giấy A4 khiến học sinh choáng khi đọc, sinh ra tâm lý ngán ngẩm.

Theo quan điểm người viết, dung lượng (tính cả nhan đề và chú thích) của ngữ liệu vẫn nằm trong vùng cho phép (dưới 1.000 chữ). Tuy nhiên, đoạn trích quá dài, trong khi câu hỏi không khai thác hết thông tin nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu.

Vì thế, ngữ liệu có thể giảm đi nửa tổng số dòng cũng vẫn đảm bảo đủ thông tin để trả lời hết sáu câu hỏi. Khi trích thơ lục bát, tốt nhất nên bắt đầu từ câu lục và kết thúc từ câu bát; nên ghi nguồn trích dẫn đầy đủ, khi nào có “can thiệp” vào văn bản trích mới ghi chữ “Theo”; nên bỏ cụm “Bối cảnh đoạn trích” hoặc bỏ “Lược trích”.

Tiếp theo là đề của một trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nhiều giáo viên nhận xét, ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện nội dung không phù hợp với tâm - sinh lý của lứa tuổi học sinh lớp 9. Nhận thức của lứa tuổi này không thể cảm nhận được tâm tư, suy nghĩ của những người “có tuổi rồi’ nên có thể lệch lạc trong tư tưởng.

Vì thế, thông điệp của văn bản không có tính giáo dục theo hướng tích cực cho học sinh đang ở tuổi trẻ, hồn nhiên.

Cách ghi nguồn chưa đảm bảo đầy đủ thông tin, cách ghi tên bài thơ chưa đúng chuẩn (sử dụng ngoặc kép hoặc in nghiêng), chưa ghi đúng đường link trang mạng.

Trang mạng chứa văn bản được chọn không thấy công bố giấy phép, được cơ quan nào quản lý nên chưa có độ an toàn, tin cậy.

Cuối cùng là đề kiểm tra của một trường trung học cơ sở - trung học phổ thông tại một tỉnh.

van4.jpg
van6.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Đề thi dài đến tận 3 trang giấy A4. Hình thức có những sai sót nhỏ như đề có 3 trang mà ghi 2 trang; hai câu phần viết đều yêu cầu “viết bài văn”; chưa định dạng văn bản phần chú thích.

Ngữ liệu cho kiểm tra đọc hiểu là Văn bản thông tin; trong khi đó hai bài đầu lớp 11 sách Chân trời sáng tạo dạy thể loại Tùy bút, tản văn và kiểu Văn bản nghị luận; sách Cánh Diều dạy Thơ và truyện thơ, Thơ văn Nguyễn Du; sách Kết nối tri thức và cuộc sống dạy thể loại Truyện và Thơ trữ tình.

Ngữ liệu phần đọc hiểu và phần chú thích quá dài, thừa thông tin quá nhiều so với nội dung trả lời của câu hỏi, làm mất khá nhiều thời gian đọc của học sinh, trong khi thời gian làm bài chỉ có 90 phút. Phần chú thích không cần thiết nên bỏ để học sinh có nhiều thời gian làm bài hơn.

Tóm lại, Chương trình Ngữ văn (2018) đang ở giai đoạn đầu trên con đường thực hiện, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn là không tránh khỏi, người dạy hãy tìm giải pháp vượt qua khó khăn ấy chứ không phải hoài nghi.

Chủ thể thực hiện chương trình là những thầy, cô có niềm đam mê, nhiệt huyết trong sự nghiệp giáo dục là chưa đủ mà còn phải linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/de-chon-a66889.html