Cầu Long Biên
Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp khởi công xây dựng từ 1899-1902, cầu dài 2500m gồm có 19 dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Trong thế kỉ XX, cầu Long Biên là một trong số 4 cây cầu lớn nhất thế giới.
Gắn bó với thủ đô Hà Nội hơn 100 năm, cầu Long Biên đã chứng kiến Hà Nội thay đổi từ những năm tháng kháng chiến cứu nước, đến những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi bắt đầu vươn mình ra thế giới... Đây thực sự là một nhân chứng lịch sử vô cùng ý nghĩa của thủ đô. Không những thế, đây còn là nơi để mọi người cùng ngắm cảnh, ôn lại những kỷ niệm của cuộc sống về một thời tươi đẹp đã đi qua.
Cầu Rồng
Được chính thức đưa vào sử dụng năm 2013, cầu Rồng hiện nay là điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng, thu hút rất nhiều du khách tham quan và chiêm ngưỡng công trình đầy ý nghĩa này.
Cây cầu được thiết kế và xây dựng thành tạo hình con rồng uốn lượn tinh xảo. Cầu Rồng có thể nói là đẹp nhất về đêm, khi tất cả các đèn màu đã bật lên, phản chiếu vào nhau tạo nên bức tranh muôn sắc màu bắc qua sông, sáng cả một vùng trời.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian để đi đến sân bay quốc tế Đà Nẵng và một số địa điểm du lịch khác. Cầu Rồng góp một phần vào sự phát triển và nổi tiếng cho thành phố Đà Nẵng.
Mang nét đẹp mới lạ, độc đáo với hình dáng loài động vật thuộc cõi tiên, cầu Rồng tạo được cảm giác thích thú cho người tham gia giao thông trên cầu. Không dừng lại ở đó, vào khoảng 21h các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, miệng rồng của cầu Rồng còn biểu diễn màn phun lửa, phun nước ấn tượng trong thời gian 5 phút. Điều đặc biệt này đưa cầu Rồng vào bảng danh sách 30 cây cầu ấn tượng nhất hành tinh, và cầu Rồng nằm ở vị trí thứ 19.
Cầu Nhật Tân
Là một trong 7 cây cầu bắc ngang qua sông Hồng, cầu Nhật Tân được xem là một cây cầu có kiến trúc khá độc đáo, với kết cấu chính theo dạng dây văng gồm 5 nhịp, 5 tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.
Bên cạnh đó, nó cũng biểu tượng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân. Mặt cầu rộng, chia làm 4 làn xe cơ giới, với tổng chiều dài từ điểm đầu đến điểm cuối cầu khoảng 9 km. Từ trên cao nhìn xuống, cầu như một dải lụa tạo nên một điểm nhấn cho đồng bằng sông Hồng xanh tươi, trù phú.
Cầu không chỉ phục vụ các phương tiện giao thông mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa ngõ phía bắc thủ đô Hà Nội. Đây còn là một địa điểm ngắm cảnh vô cùng thú vị của người dân thủ đô.
Đặc biệt là buổi tối, cả 5 nhịp tháp đều được chiếu sáng để tạo nên một kiến trúc lung linh vào ban đêm. Rất nhiều bạn trẻ chọn cầu Nhật Tân làm nơi hóng gió, thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Cầu quay sông Hàn
Cầu quay sông Hàn là cây cầu nổi tiếng tại Đà Nẵng, độc nhất vô nhị tại Việt Nam, do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng.
Nhiều du khách tới đây chỉ để được nhìn thấy chiếc cầu tự động quay. Khoảng 1h đêm, phần giữa thân cầu sẽ tách làm đôi, dầm cầu quay 90 độ quanh trục và sau đó nằm dọc theo dòng chảy của sông Hàn để mở đường cho tàu lớn qua. Khoảng 4h sau, cầu sẽ quay lại như cũ để phục vụ giao thông trên cầu. Đây chính là chiếc cầu dây văng đầu tiên và duy nhất của nước ta.
Cầu Thị Nại
Cầu Thị Nại được xây dựng trong 4 năm, hoàn thành năm 2006, có chiều dài là 6960m bao gồm cả hệ thống cầu, nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai, một bán đảo hình vòng cung xinh đẹp và tráng lệ.
Nhìn từ xa, cây cầu trắng vắt vẻo qua biển xanh, nối liền hai đầu một bên là đất liền một bên là đảo tuyệt đẹp. Cây cầu được nổi bật bởi màu xanh biêng biếc của trời, của biển. Những khi chiều về, mặt trời xuống biển thì cây cầu lại càng trở nên lung linh hơn.Hay đêm về, những cột đèn được bật sáng khắp cây cầu dài gần 7km, trong không gian tĩnh mịch, cây cầu càng được tôn lên vẻ đẹp vốn có.
Cầu Thị Nại giờ đây không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là nơi du lịch của rất nhiều du khách khi tới với nơi đây.
Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước cũng là một cây cầu bắc qua sông Hàn và cũng là một trong những chiếc cầu du lịch tuyệt đẹp, nổi tiếng Đà Nẵng và khắp Việt Nam. Cầu được xây dựng từ năm 2003 và mất gần 6 năm để hoàn thành, với tổng giá trị đầu tư là 1.000 tỉ đồng.
Cầu được cho là một trong những cầu treo dây võng dài nhất nước ta, cầu như một dải lụa mềm nối liền đôi bờ sông Hàn, lung linh huyền ảo vào ban đêm, tinh tế sắc sảo vào ban ngày. Ánh sáng trên cầu được thiết kế với ý tưởng hình cánh chim vươn ra biển lớn, làm nổi bật vẻ đẹp của cây cầu này.
Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ. Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa - Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà - Hội An.
Từ đó, một hệ thống giao thông - du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng về du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Thừa Thiên Huế.
Cầu Bãi Cháy
Bãi Cháy là bãi biển tuyệt đẹp của vùng Hạ Long. Trước đây, để đi từ Thăng Long xuống Hạ Long, người dân phải đi bằng phà nên phải chờ đợi rất lâu và mệt mỏi. Đặc biệt là các dịp lễ tết, người dân đi lại đông đúc nên gặp rất nhiều bất tiện. Nhưng từ khi cầu Bãi Cháy được đưa vào sử dụng, người dân ai cũng vô cùng phấn khởi.
Cầu không chỉ có giá trị về mặt giao thông, kinh tế xã hội mà còn mang nét đẹp văn hóa, là một biểu tượng du lịch hấp dẫn của vùng vịnh Hạ Long. Đây là một trong số ít cây cầu dây văng một mặt phẳng có chiều dài nhịp chính lập kỷ lục thế giới.
Vào ban đêm, khi nhìn từ trên cao xuống, du khách sẽ sững sờ trước vẻ đẹp đầy mê hoặc của cây cầu này. Hiện nay, "cây đàn" của Hạ Long còn khoác lên mình bộ áo được tạo ra từ hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, góp phần tô điểm cho Vịnh Hạ Long thêm đẹp, thêm lộng lẫy, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Cầu Phú Mỹ
Ai từng đi qua cầu Phú Mỹ sẽ thấy ngay được vẻ đẹp trù phú, xa hoa tráng lệ của một trong hai thành phố lớn nhất cả nước - thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cây cầu văng lớn nhất thành phố, với tổng giá trị đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2005 và hoàn thành vào năm 2009.
Cây cầu có chiều dài là 2.031m và chính là huyết mạch lưu thông từ miền Trung về miền Nam, là một trong những cây cầu dây văng hiện đại nhất trên thế giới.
Cầu Phú Mỹ góp phần tạo nên nét đẹp cho thành phố Hồ Chí Minh, xứng đáng là một trong những thành phố phát triển nhất Việt Nam. Cầu hiện nay đã được cả nước biết tới với vai trò lớn trong việc lưu thông với 2 miền.
Cầu Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu nằm trên quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền, các bến phà hiện hữu khoảng 1 km về phía thượng lưu. Đây là cây cầu văng lớn thứ ba được xây dựng ở đồng bằng Sông Cửu Long và cũng là cây cầu đầu tiên được chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới, với chiều dài của cây cầu là 8.331m bao gồm hai đầu cầu.
Cầu Rạch Miễu có vẻ đẹp khác nhau nếu nhìn từ những góc độ khác nhau. Từ dưới cầu nhìn lên, cầu mang trên mình hai trụ cột đứng sừng sững giữa trời. Từ trên cao nhìn xuống là vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp, nổi lên bốn cù lao "chụm" lại, tạo thành một bức tranh xinh tươi với những hàng dừa chạy dài, xa tít tắp.
Cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ là cây cầu văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á tại thời điểm hoàn thành, là sự hợp tác và thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Năm 2015, cầu Cần Thơ được lắp dàn đèn nghệ thuật với giá trị khoảng 30 tỉ đồng. Chiếc cầu là niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói riêng và của người Việt Nam nói chung.
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long, Trụ cầu có hình chữ Y ngược và hai chân khép lại để thu hẹp diện tích bệ trụ nên mang nét đẹp thanh thoát. Cầu "gác" với cồn Ấu nên nhìn xa có những đoạn "võng" nhẹ nhàng, ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan, như dệt trên trời xanh.
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/cac-cay-cau-o-viet-nam-a66076.html