Tsukimi Dango là gì?
“Dango” là tên chung của các loại bánh làm từ bột gạo (mochiko). Nó có hình dạng khá giống mochi và thường được biến tấu về ngoại hình cũng như hương vị. Dango được ăn quanh năm, mỗi mùa lại có một loại Dango khác nhau. “Tsukimi” nghĩa là “ngắm trăng”. Ở Nhật, vào trung thu thường có lễ hội ngắm trăng, khi mà người ta ăn mừng mùa màng thu hoạch bội thu. Vậy nên, có thể hiểu Tsukimi Dango là loại bánh ăn vào rằm Trung thu.
Tương đồng với Trung Quốc và Việt Nam, văn hóa Nhật Bản cũng mang âm hưởng Á Đông. Vì thế, họ có phong tục cúng trăng vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Tsukimi Dango được lựa chọn là món ăn gửi lên các vị thần vào ngày này. Nó có ý nghĩa như lời cảm tạ các vị thần đã ban phát những vụ mùa đã qua, và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong vụ mùa tới.
Tsukimi Dango có nhiều hình dạng khác nhau tùy vào phong tục tập quán mỗi vùng miền như hình tròn, hình chữ nhật,... nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất vẫn là hình tròn.
Bánh thường được xếp thành hình kim tự giác trên một chiếc kệ gỗ, có thể kèm một vài loại hoa quả để cúng. Người ta thường bày 15 chiếc tượng trưng cho ngày rằm âm lịch, cũng có nơi chỉ bày 12 chiếc - tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau khi bày xong, đĩa bánh sẽ được đặt ở hiên nhà hoặc nơi có cửa sổ - những chỗ đón được mặt trăng rõ nhất.
Theo truyền thống, người Nhật bày trí cỏ hoang Nhật Bản (Susuki) và ăn bánh trung thu (Tsukimi dango) như để ca tụng vẻ đẹp của chị Hằng, thức ăn theo mùa được dùng để tế trăng. Trẻ em thì rước đèn cá chép bởi theo quan niệm của người Nhật, cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai. Cũng có quan niệm rằng, sau khi cúng bái xong, bánh để ở hiên. Nếu có trẻ con đi qua và chúng tự lấy bánh ăn thì đó được cho là điều may mắn, bình an đối với gia chủ.
Người Nhật thường thưởng thức Tsukimi Dango với trà. Nhâm nhi một chút trà xanh ấm nóng, thoang thoảng hương thơm, kết hợp cùng vị ngọt đọng lại của bánh trong khoang miệng, tạo nên hương vị hòa quyện vô cùng hài hòa.
Cách làm Tsukimi Dango
*Nguyên liệu:
100 g bột Shiratamako
100 g bột Joushinko
1/3 chén nước ấm (khoảng 90-100 ml)
2 muỗng canh đường (tùy chọn phù hợp với khẩu vị)
Hương liệu khác: bột cà phê, bột dừa, ca cao, matcha và sữa bột có thể được thêm vào bột gạo để tạo ra mùi vị.
*Cách làm:
Bước 1: Cho 2 loại bột Shiratamako và Joushinko vào tô, sau đó cho khoảng 90ml nước ấm cùng đường vào, sau đó dùng tay nhào, trộn đều khi bột mịn và dẻo.
Bước 2: Sau đó chia bột thành khoảng 24 phần, vo tròn, đều và mịn bề mặt thành 24 viên nhỏ như viên bánh trôi nước.
Bước 3: Sau đó bắt nồi nước lên bếp, khi nước sôi thì cho bột vào, khi nào thấy bột nổi lên mặt nước tức là bột đã chín thì vớt ra, cho vào thau nước lạnh cho nguội hẳn và vớt ra để khô nước. Khi trộn bột bạn có thể trộn cùng nước chanh leo, bột trà xanh, cacao, dừa để tạo màu và tạo hương vị.
Bước 4: Bày ra đĩa theo hình tháp bánh để cúng rằm.
Trước khi ăn, đem nướng sơ cho hơi giòn, rồi quết mật đường lên, ăn kèm với bột đậu nành Kinako hoặc bột đậu đỏ, rồi nhấm nháp cùng nước trà xanh hoặc hoa quả.
Các món bánh ngọt thưởng thức cùng trà xanh luôn là một trong những đặc trưng của ẩm thực Nhật Bản những ngày thu. Nổi bật trong số đó chính là Tsukimi Dango. Nếu bạn có cơ hội dừng chân tại xứ sở hoa anh đào vào mùa thu, đừng bỏ qua loại bánh thơm ngon này nhé. Chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho bạn đấy!
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/banh-trung-thu-nhat-ban-a66049.html