Về vùng đất Côn Đảo thiêng liêng, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian suốt 113 năm và nghe kể những câu chuyện linh thiêng về nữ anh hùng Võ Thị Sáu - biểu tượng của người chiến sĩ kiên cường, bất khuất.
Cuộc đời và chiến công của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu
Nữ anh hùng Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thân sinh của cô là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Cha của cô Sáu làm nghề đánh xe ngựa chở khách thuê đi Long Điền, Phước Hải, mẹ buôn bán tại chợ Đất Đỏ. Năm cô lên 4 tuổi, gia đình cô đã thuê một căn nhà thuộc dãy phố chợ do làng xây dựng. Hiện nay, căn nhà đã được phục dựng để làm nhà lưu niệm về nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ- Bà Rịa- Vũng Tàu.
Sinh ra trên một mảnh đất anh hùng, từ nhỏ cô Sáu đã chứng kiến sự tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp và sớm nung nấu ý chí kiên cường mong muốn chống giặc ngoại xâm.
Năm 1947, lúc chỉ mới 14 tuổi nữ anh hùng Võ Thị Sáu vừa làm nhiệm vụ mua hàng, vừa làm nhiệm vụ giao liên để nắm tình hình địch và làm mật hộ viên công an xung phong Đất Đỏ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô Sáu rất mưu trí, lanh lẹ luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Năm 1949, cô Sáu đã trở thành người đội viên công an xung phong Đất Đỏ, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diệt tên cai tổng nổi tiếng ác ôn ở Đất Đỏ vào năm 1949 và dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp thực hiện tại huyện. Vì vậy, bọn thực dân Pháp vô cùng lo sợ và căm tức đối với hoạt động của đội công an xung phong mà tiên phong là Anh hùng Võ Thị Sáu.
Tháng 2/1950, Võ Thị Sáu tiếp tục nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt và Cả Đay rồi không may bị bắt.Trong hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào. Sau đó, bọn chúng đưa cô Sáu về giam giữ ở khám Chí Hòa. Mặc dù bị địch giam giữ nhưng cô Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng, nhưng thực dân Pháp cùng bọn tay sai vẫn kết án tử hình và đày cô Sáu ra Côn Đảo.
Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, Anh hùng Võ Thị Sáu đã được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là Đảng viên chính thức.
Anh hùng Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Trong những giây phút cuối cùng, nữ anh hùng Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang, kiên cường khiến bọn giặc Pháp phải khiếp sợ. Khi biết Võ Thị Sáu chuẩn bị đưa ra pháp trường, các tù nhân, chiến sĩ đồng thanh hô vang: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Tất cả chiến sĩ, tù nhân cùng đứng dậy cùng hát bài Chiến sĩ Việt Nam để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa người nữ anh hùng ra pháp trường. Khi linh mục làm lễ rửa tội, cô Sáu từ chối và trả lời: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội”. Khi vị linh mục nói: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”, cô đã đáp lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Khi đến pháp trường, nữ anh hùng Võ Thị Sáu nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”. Nói xong, Võ Thị Sáu hát bài Tiến quân ca. Khi lính xử bắn lên đạn, cô ngừng hát và hô vang những lời cuối cùng: “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”
Huyền thoại về nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Ngay tối 23 tháng 1, kíp tù nhân làm thợ hồ ở khám 2, banh I đã tìm cách đúc một tấm bia bằng xi măng đề rõ họ tên, quê quán, ngày mất đặt ở nơi chôn cất cô. Sáng hôm sau, khi hay tin, chúa ngục Jarty đích thân dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ. Sáng hôm sau, ngôi mộ lại được đắp cao hơn và một tấm bia bằng xi măng khác lại được dựng lên. Chúa ngục Jarty ra lệnh cho giám thị trưởng Passi chỉ huy 20 lính lôi từng người tù ra đánh bằng roi mây và giam những người bị tình nghi vào xà lim. Tuy nhiên, các tù nhân khổ sai vẫn lén giấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại ngôi mộ. Cứ mỗi lần bị đập bia, thì sau đó bia mộ mới lại được dựng lên. Giữa các tù nhân và những người Việt đang làm cho người Pháp tại Côn Đảo bắt đầu lan truyền những huyền thoại về Võ Thị Sáu, một người con gái chết trẻ, vốn được cho là sẽ hiển linh trong văn hóa tâm linh Á Đông. Những lời đồn đại nhanh chóng lan truyền cho rằng “Cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá được mộ của cô”, và những ai trực tiếp chỉ huy phá mộ thì vài hôm sau đã chết “bất đắc kỳ tử”, hoặc bị tâm thần. Cũng từ đây, người trên đảo khi nhắc tới điều gì đều không thề: “Có trời đất quỷ thần”, mà thề: “Có cô Sáu chứng giám”. Rất nhiều huyền thoại về linh thiêng về nữ Anh hùng Võ Thị Sáu được lưu truyền. Không chỉ có người dân Côn Đảo mà còn có đông đảo người dân thập phương tìm đến mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu để thắp hương, cầu nguyện.
Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6m. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ở khu B được xây lại trang nghiêm, là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất tại nghĩa trang Hàng Dương.
Viếng mộ cô Sáu và dâng lễ trở thành một hoạt động tâm linh nổi tiếng tại Côn Đảo. Thời gian viếng mộ linh thiêng nhất là sau 22h đêm hàng ngày, đây là thời điểm mộ cô Sáu đông người đến dâng lễ nhất. Theo người dân trên đảo, đó là khung giờ linh thiêng, thành tâm đi lễ vào thời điểm đó ước nguyện sẽ dễ thành hiện thực. Trong đêm, mỗi ngôi mộ tại nghĩa trang đều được thắp một ngọn điện nhỏ như một cây nến, trông rất thiêng liêng, huyền ảo. Thời điểm này tại mộ cô Sáu rất đông người, khói hương nghi ngút nhưng ai cũng trang nghiêm, trật tự. Đồ lễ cô Sáu được lưu giữ tại khu nhà lưu niệm. Đây là một ngôi nhà ba gian, bên trong trưng bày nhiều tủ quần áo dài nhiều màu sắc và tủ các đồ trang sức, các đồ kỷ niệm du khách thập phương dâng lễ. Nếu đến vào buổi sáng, du khách nên làm lễ trình cô Sáu và làm lễ thắp hương tưởng niệm mộ các chiến sĩ cách mạng tại nghĩa trang Hàng Dương và đợi đến buổi tối làm lễ chính. Nghĩa trang Hàng Dương còn là nơi an nghỉ của rất nhiều chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu là mộ anh hùng Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh.
Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió. Ở tượng đài Võ Thị Sáu tại thị trấn Đất Đỏ cũng như ở Côn Đảo, người dân quanh năm khói nhang cho cô Sáu.
Bên cạnh những huyền thoại về Anh hùng Võ Thị Sáu với vùng đất Côn Đảo linh thiêng thì du khách còn đến thắp hương tưởng niệm để bày tỏ lòng ơn, sự tôn kính đối với sự hy sinh oanh liệt và lý tưởng sống cao đẹp của người nữ anh hùng.
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/du-lich-con-dao-vo-thi-sau-a65339.html