Chương trình nghệ thuật đặc biệt này sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 19/11 trên kênh H1, H2 và trên sóng phát thanh FM 90 cùng các nền tảng số của Đài PT-TH Hà Nội.
Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 19/11 trên kênh H1, H2 và trên sóng phát thanh FM 90 cùng các nền tảng số của Đài PT-TH Hà Nội.
Chương trình sẽ là lời tri ân gửi tới tất cả những Người Giáo viên Nhân dân đã hiến dâng cả đời cho sự nghiệp giáo dục cao cả, vinh quang: dạy chữ, dạy người. Đây cũng là món quà dành tặng cho khán giả để cùng hoài niệm về thời học trò đã đi qua hay những học sinh đã và đang ngồi trên ghế nhà trường lắng nghe, thấu hiểu, kính trọng và biết ơn công lao thầy cô nhiều hơn.
Chương trình được kết nối bằng âm nhạc và những câu chuyện cụ thể xúc động, sâu sắc và đầy sức lan tỏa. Các ca sĩ tham gia chương trình đa số là giảng viên thanh nhạc tại các trường chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội như: Lan Anh, Lê Anh Dũng, Thu Hà, Đỗ Tố Hoa, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Minh Dũng, Phương Thủy…
Bố cục chương trình chia làm 3 phần chính, theo các chủ đề: Cảm xúc tự hào của nghề giáo, lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm; Tôn vinh những người giáo viên vì lòng yêu nghề, trách nhiệm và tình yêu mến trẻ thơ, vượt mọi khó khăn đem con chữ đến mọi miền xa xôi cuả tổ quốc; Nhớ ơn, biết ơn thầy cô… được thể hiện thông qua những ca khúc nổi tiếng viết về thầy cô và mái trường để tri ân, ca ngợi nghề giáo viên chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cùng tìm hiểu về một số ca khúc đặc sắc sẽ có trong chương trình:
Bài hát "Bài ca người giáo viên nhân dân" của nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành bản nhạc nổi tiếng viết về ngành Giáo dục vì nó thực sự gieo vào trái tim hàng triệu thầy, cô giáo suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác bài hát này vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi phong trào về giáo dục của miền Bắc XHCN lên rất cao, cùng với đoàn quân ra trận chống giặc thì người giáo viên nhân dân cũng là chiến sĩ đi diệt giặc dốt, nâng cao văn hóa cho học sinh... Tiết tấu rộn ràng cùng hình ảnh liên tưởng sinh động, bài hát mỗi lúc một cuốn hút. Đặc biệt, câu kết có tính khái quát mẫu mực tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về màu sắc và đường nét: “Tự hào như em, người chiến sĩ văn hóa/ Lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam”. Ca khúc sẽ được biểu diễn mở đầu chương trình bởi hai giọng ca Lan Anh - Lê Anh Dũng.
Các ca sĩ tham gia chương trình đa số là giảng viên thanh nhạc tại các trường chuyên nghiệp.
"Ước mơ xanh" các khúc được sáng tác bởi Lệ Giang - một cô giáo ở Hà Nội, sẽ đem đến cho người nghe sự xúc động trong tình yêu chân thành, đằm thắm và đôn hậu của một người yêu nghề dạy học và yêu âm nhạc. Ca từ của bài hát mượt mà, xúc động, thấm đượm tình yêu với học trò. Hình ảnh người giáo viên trong bài hát thật dịu dàng, yêu nghề, yêu đời và yêu trẻ, càng ý nghĩa hơn khi chính tác giả là người đang đứng trên bục giảng sáng tác. Cùng đón nghe ca khúc này trong chương trình qua giọng ca Đỗ Tố Hoa.
Ca khúc “Nghề giáo tôi yêu” được coi là mối lương duyên về sự giao hòa những cung bậc cảm xúc dâng trào giữa NS Bùi Anh Tú và GS. Đinh Văn Nhã, hai con người cả cuộc đời đều gắn bó với ngành GD-ĐT. Trên nền một bài thơ gần như là thể tự do, NS Bùi Anh Tú đã tìm được giai điệu âm nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng để thổi hồn vào những vần thơ ý hay tứ lạ. Bài hát chính là lời cảm ơn tôn vinh các thầy cô giáo. Đó là một nhành hoa âm nhạc còn tươi mãi với thời gian… Ca khúc sẽ được thể hiện trong chương trình bởi song ca Minh Dũng - Thu Hà.
Các ca sĩ cùng dàn nhạc tập luyện chuẩn bị cho Chương trình “Tự hào người giáo viên nhân dân”. Ảnh: Văn Tuyến
“Em đứng giữa giảng đường hôm nay” là một sáng tác về nghề giáo nổi tiếng của nhạc sĩ Tân Huyền. Ca khúc với giai điệu tươi sáng, cao vút, sáng bừng như ước mơ của cô sinh viên trẻ ngày nào, ngập tràn niềm tự hào của một cô giáo trẻ hôm nay. Nhạc sĩ Tân Huyền đã khắc họa hình ảnh người giáo viên thật cao đẹp, tràn đầy ước mơ trong sáng… góp phần động viên tinh thần các thầy cô trên con đường phấn đấu “hết lòng vì đàn em thân yêu”. Cùng thưởng thức ca khúc này qua sự thể hiện của giọng ca Lan Anh.
“Em là cô giáo vùng cao” mang âm hưởng dân gian miền núi sẽ được thể hiện qua giọng ca bay bổng của Sèn Hoàng Mỹ Lam. Đây là ca khúc đánh dấu sự hợp tác giữa nữ ca sĩ và nhạc sĩ Phan Huy Hà sau thành công của “Xáo la đi học”. Nhạc sĩ Phan Huy Hà sinh ra và lớn lên ở vùng cao và cũng từng là giáo viên dạy ở vùng cao, nên một phần hiểu rõ và đồng cảm về những hoàn cảnh những khó khăn mà thầy cô, các em học trò vùng cao đang gặp phải.
Gợi lên ký ức nơi bục giảng, "Bụi phấn" là bài hát quen thuộc nhất về người giáo viên mà bất kỳ ai khi còn đi học cũng đều thuộc lòng. Được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc, "Bụi phấn" nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam. Giống như một bản nhạc thơ, Bụi phấn có lời ca ngắn với những âm điệu nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Mỗi khi những câu hát ấy vang lên, người nghe như sống trong khoảnh khắc của những ký ức xưa cũ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, là một học sinh vô tư, hồn nhiên. Ca khúc sẽ được biểu diễn bởi giọng ca nhí Song Tùng.
Bài hát “Khi tóc thầy bạc trắng” được nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Trần Đức sáng tác vào năm 1994. Ca khúc này là lời cảm ơn của nghệ sĩ đối với thầy gáo Nguyễn Đức Ninh, người đã dạy dỗ, cưu mang mình trong suốt thời gian tiểu học phải di tản vì bom đạn. Hình ảnh người thầy trong bài hát này hiện lên thật vô cùng giản dị và ấm áp. Những ca từ gần gũi và đầy kỷ niệm “Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh/Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi”… được nhạc sĩ Trần Đức sáng tác với tấm lòng đầy chân thành. Bài hát là lời nhắn gửi ghi nhớ công ơn của các thế hệ học sinh với người thầy của mình. Cùng chờ đón và lắng nghe ca khúc qua giọng ca Phương Thủy.
Ngoài những ca khúc trên, còn có nhiều ca khúc đặc sắc khác được thể hiện trong chương trình như: "Cô đi nuôi dạy trẻ", "Cõng chữ lên non", "Đi học xa", "Trái tim người thầy", "Mong ước kỷ niệm xưa", "Ơn Thầy", "Hành khúc người đưa đò"…
Với thiết kế sân khấu theo phong cách tối giản, sử dụng hết toàn bộ không gian, tận dụng chiều sâu của sân khấu nhà hát, âm nhạc được phối khí theo màu bán cổ điển với dàn nhạc, Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Tự hào người giáo viên nhân dân" hứa hẹn sẽ mang đến những giây phút lắng đọng, giàu cảm xúc cho các thế hệ hệ thầy cô và học sinh.
Mời các bạn cùng đón xem chương trình vào lúc 20h ngày 19/11 trên các kênh truyền hình H1, H2, sóng phát thanh FM 90.
Đồng thời trực tuyến trên các nền tảng số của Đài Hà Nội, gồm:
* Youtube HTV - Đài Hà Nội: https://www.youtube.com/c/hanoitvgo;
* Fanpage Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội: https://www.facebook.com/hanoitv.vn/;
* Tiktok HTV - Đài Hà Nội: https://www.tiktok.com/@htv_daihanoi;
* Zalo: HTV - Đài Hà Nội.
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/nhung-bai-hat-ca-ngoi-nghe-giao-vien-a62793.html