Chuyện nuôi thú cưng

Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ dành cho thú cưng tại các cửa hàng. Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ dành cho thú cưng tại các cửa hàng.

Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng và xem chúng là người bạn hay thành viên trong gia đình. Do đó, nhu cầu chăm sóc thú cưng đang tăng lên đáng kể. Bên cạnh các phòng khám thú y truyền thống còn xuất hiện nhiều dịch vụ chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng.

Thú cưng đi… spa

Ngắm nghía “bé mèo” với bộ lông mượt mà, sạch sẽ sau khi đi spa, Nguyễn Thanh Hà (Phường 2, TP Vĩnh Long) cho biết, khoảng 2 tuần thì cho bé đi spa tắm gội một lần và khoe vừa mua một chiếc ba lô mới thời trang hơn để chở bé cùng đi công viên, dạo phố, đi spa hay về quê vào dịp cuối tuần…

Bạn Nguyễn Tấn Tài (SN 1999)- nhân viên chăm sóc thú cưng tại Phòng Khám thú y 9B (Phường 4, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Trung bình cần từ 1-2 giờ để tắm gội và nhiều hơn đối với việc cắt tỉa lông, nhuộm màu… cho thú cưng. Cũng tùy vào kích cỡ, tính cách của thú cưng đó nữa”. Tài cho biết thêm, người nuôi có thể tắm cho thú cưng tại nhà nhưng sẽ hơi vất vả, nếu thao tác không đúng sẽ rất dễ làm chúng bị thương, mắc bệnh về da... Khi đến spa, gặp người lạ, thú cưng sẽ trở nên đề phòng, hung dữ, giãy giụa nên nhân viên ở cửa hàng phải kiên trì, bình tĩnh, từ từ tiếp cận...

Tranh thủ trên đường đi làm, chị Trần Ngọc Như Quỳnh (xã Long Phước, huyện Long Hồ) mang thú cưng của mình đi spa tại trung tâm TP Vĩnh Long. Sử dụng gói dịch vụ tắm gội định kỳ 2 lần/tuần, thỉnh thoảng sẽ cắt tỉa và nhuộm lông cho thú cưng thêm xinh, chị Quỳnh cho biết: “Vì gần nhà của tôi chưa có những dịch vụ chăm sóc, phòng khám dành riêng cho thú cưng nên tôi thường tranh thủ lúc đi làm ở TP Vĩnh Long để đưa “bé cún” đi cùng, cho nhân viên tắm gội, trông giữ đến giờ tan ca thì tôi sẽ đến rước. Chi phí tắm gội là 120.000 đ/lượt, riêng thức ăn thì 50.000 đ/ngày. Chi phí chăm sóc tuy khá tốn kém nhưng bù lại tôi có thêm “một người bạn” khỏe mạnh, chơi đùa, giúp tôi thư giãn sau giờ làm việc”.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc thú cưng hiện nay, nhất là ở khu vực đô thị, ngày càng nhiều cửa hàng cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ như: quần áo, thức ăn, đồ chơi, dịch vụ spa (tắm gội, cắt tỉa lông…), lưu chuồng (giữ thú cưng khi người nuôi gửi lại- PV). Giá tắm gội khoảng 150.000 đ/lần tùy cân nặng; cắt tỉa khoảng 300.000 đ/lần… Bên cạnh đó, các phòng khám thú y cũng ngày càng được đầu tư hiện đại, có tiêm chủng, siêu âm, xét nghiệm, phẫu thuật, cấp cứu 24/24 giờ... đảm bảo cho thú cưng được chăm sóc y tế kịp thời.

Hàng ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Phòng Khám thú y 9B (Phường 4, TP Vĩnh Long) nhộn nhịp khách ra vào để kiểm tra sức khỏe, làm đẹp cho thú cưng. Chị Bạch Ngọc Thủy Tiên- chủ phòng khám cho hay, phong trào nuôi thú cưng hiện nay rất phát triển, nhiều người không chỉ xem chúng là con vật giữ nhà, bắt chuột mà còn yêu quý thú cưng như “người bạn, người thân”, sẵn sàng chi tiền để cho chúng làm đẹp và phòng trị bệnh…

Chị Tiên cho biết thêm, phòng khám được mở cách đây 9 năm, khi đó chủ yếu là dịch vụ khám, điều trị. Vài năm gần đây, các dịch vụ chăm sóc thú cưng phát triển đa dạng, chuyên sâu hơn do số lượng thú cưng tăng cao, nhu cầu chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng cũng phổ biến hơn. Bình quân mỗi ngày, tại đây tiếp nhận hơn 30 ca khám, điều trị, tiêm phòng và làm đẹp, nhiều gấp 3 lần so 9 năm trước.

Kinh doanh siêu thị sản phẩm cho thú cưng, có dịch vụ chụp hình, lưu trú, đưa rước miễn phí đi spa, cấp cứu 24/24… chị Lê Hà Kim Ngân- chủ Dịch vụ thú y Hoàng Bảo (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho biết, ngày thường có 8 nhân viên và bác sĩ, lễ Tết lượng khách đông hơn thì phải thêm người làm.

Theo chị Ngân, hiện lượng khách đến cửa hàng tăng nhiều lần so vài năm trước. Có người đến mua đồ ăn, xương, hạt, sữa, tinh dầu cá, thuốc bổ máu, vitamin tổng hợp… cho thú cưng mỗi lần cả triệu đồng. Hiện cửa hàng có hotel cho thú cưng với giá 100.000- 150.000 đ/ngày, có sân chơi chung và người nuôi có thể gọi video gặp mặt thú cưng của mình.

Cần tiêm ngừa đầy đủ

Mang theo ba lô đựng chú mèo có bộ lông trắng muốt cùng đi uống cà phê, chị Thụy Vũ (Phường 8, TP Vĩnh Long) vui đùa giới thiệu với người quen đó là “con trai chị”. Chị Vũ cho biết thêm, đây là giống mèo Anh, được khoảng 6 tháng tuổi, được một người quen “tìm người biết thương mèo tặng lại”.

Nhận nuôi khoảng 2 tháng nay, chị đã cho mèo chích ngừa 2 mũi phòng 4 bệnh hiểm nghèo và tiêm phòng bệnh dại. Chị cũng đã chi khoảng 2 triệu đồng mua cát vệ sinh, đồ quào móng, thức ăn… Ngày thường ăn gì thì chị cho mèo ăn nấy, bận thì cho ăn hạt mua sẵn. “Em ấy” thích nhất là ăn cá, tôm và gặm xương… nên đi đâu, chị hay mang một ít thức ăn yêu thích về làm quà cho bạn ấy vui.

Ở trọ đi làm, Thanh Hà (Phường 2, TP Vĩnh Long) cho biết thêm, từ ngày có bé mèo thì vui hơn nhưng khâu chăm sóc hơi vất vả và bận rộn. Theo đó, “đi đâu vắng chừng 2 ngày trở lên thì em phải gửi mèo cho người quen hoặc gửi đi nhà trọ (các cửa hàng chăm sóc thú cưng có nhận lưu trú- PV). Đặc biệt, phải tiêm phòng đầy đủ mới yên tâm”. Hà cũng cho rằng, người muốn nuôi, đặc biệt là các bạn sinh viên ở trọ nên cân nhắc vì nuôi các con vật này khá tốn thời gian và tốn tiền.

Theo chị Thủy Tiên, hiện người nuôi thú cưng sống ở đô thị chủ yếu lựa chọn những giống có kích thước nhỏ, không tốn nhiều diện tích nuôi, dễ chăm sóc. Nếu các giống chó cỡ lớn như husky, alaska, ngao Tây Tạng… chỉ phù hợp với diện tích lớn, cần được tham gia các hoạt động vận động liên tục để đốt năng lượng thì các giống chó poodle, corgi, phóc, sóc… lại có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều, phù hợp với không gian nhà nhỏ.

Mặt khác, một số chủ nuôi hiện nay cũng thích nuôi mèo hơn chó vì mèo ít bám bẩn và ít gây ồn ào hơn. Các giống mèo được nuôi phổ biến là mèo giống nước ngoài như mèo Anh, mèo Ba Tư, mèo chân ngắn… Trung bình chi phí chăm sóc cho mèo sẽ cao hơn so với chó vì điều trị các loại bệnh ở mèo phức tạp hơn, ít vaccine hơn.

Theo chị Thủy Tiên, việc điều trị, chăm sóc cho thú cưng đòi hỏi bác sĩ, nhân viên phải có tình yêu thương, năng lực chuyên môn tốt. Cạnh đó, thú cưng, nhất là chó, mèo có thể gặp những căn bệnh về tiêu hóa, hô hấp, da liễu. Không ít trường hợp, các chú chó, mèo gặp những vấn đề phức tạp, nguy hiểm hơn phải tiến hành phẫu thuật.

Không chỉ vậy, bác sĩ thú y cũng phải trải qua những ca trực đêm, cấp cứu để kịp thời theo dõi tình trạng sức khỏe, tiêm thuốc, điều trị… Về phía người nuôi, theo chị Thủy Tiên, cần lựa chọn địa chỉ uy tín để mua thú cưng, phải tiêm ngừa đầy đủ, xổ giun định kỳ, kiểm tra sức khỏe cho thú cưng thường xuyên để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh.

Đồng ý kiến này, chị Ngân cho rằng, khi đã nuôi thú cưng thì cần tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi, đặc biệt là ngừa dại. Khi dắt vật nuôi ra ngoài cần rọ mõm, đặc biệt đến các khu vực công cộng như công viên thì cần cho vật nuôi mang tã… tránh ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Tăng cường quản lý; nâng cao trách nhiệm người nuôi

Chủ phòng khám thú y- là một bác sĩ thú y nhấn mạnh: Người nuôi cần giữ vệ sinh cho thú cưng, khuôn viên nơi nuôi nhốt, rửa tay sau khi tiếp xúc… Đặc biệt, phải nâng cao trách nhiệm và có tình yêu thương đối với vật nuôi. Bác sĩ này cũng kiến nghị, ngành chức năng cần tăng cường quản lý việc nuôi thú cưng: về số lượng, về phòng chống bệnh truyền nhiễm…

Bài, ảnh: TUYẾN HIỀN- THẢO TIÊN

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/vat-nuoi-thu-cung-hoc-mon-a58032.html