Tây Ba lô hay khách du lịch?
Tây Ba lô hay khách du lịch?

Trên những cung đường của Tây ba lô, bạn có thể thấy vài thứ. Những cuộc trò chuyện không hồi kết, tiếng huyên thiên của vài người, vài tiếng càu nhàu, thái độ và tỏ ra mình là bề trên.

Đúng như vậy.

Tôi sẽ kể bạn nghe những điều mà Tây ba lô nghĩ khi nhắc đến “khách du lịch”.

Dưới góc nhìn của Tây ba lô, du khách không phải là những người đi du lịch. Dưới quan điểm của họ, du khách chỉ là những người đến tham quan với mục đích chụp ảnh và trải nghiệm khách sạn nơi đó. Du khách sẽ đi theo một lộ trình đã được vạch sẵn, bằng xe buýt của tour và không bao giờ bận tâm đến việc tương tác với người dân địa phương.

Mặt khác, Tây ba lô tự cho mình là người du lịch đích thực - họ đi với mục đích trải nghiệm văn hóa, gặp gỡ dân địa phương, đắm mình ở những vùng đất xa lạ. Ít nhất thì đó là những gì họ nghĩ.

Trong từ điển của dân du lịch, Tây ba lô thường là những du khách trẻ tuổi, có những chuyến đi dài. Họ là những người thường nghỉ ở nhà trọ, tự nấu ăn, tiết kiệm và tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Họ đi lại bằng phương tiện thuê tại chỗ, chơi cùng dân bản xứ. Ngược lại, những khách du lịch thường đi theo hướng dẫn từ những cuốn sách của Hành Tinh Cô Độc (Lonely planet), họ ở trong những tòa khách sạn đẹp đẽ, ăn ở những nhà hàng sang trọng, di chuyển bằng xe buýt dành cho du khách, mua những món quà ngốc nghếch, và tạo ra sự khác biệt so với xung quanh. Sau một khoảng thời gian để ý, tôi nhận thấy sự kì thị khách du lịch của Tây ba lô có phần hơi lố bịch khi mà rất nhiều Tây ba lô, trong khi họ đang mỉa mai những người khách du lịch, thì chính bản thân họ cũng mang theo mình những cuốn sách của nhà xuất bản Hành Tinh Cô Độc, cũng tới thăm những thành phố đó, cũng ở những nhà trọ đó, và cũng đi theo con đường mà những người hippy đã bước qua từ khoảng 30 năm trước.

Tôi có thể tự cho rằng mình là một phần của cộng đồng Tây ba lô (mặc dù tôi có phần giống dân du cư hơn), nhưng tôi không ủng hộ cái lối suy nghĩ của họ về những người khách du lịch khác. Mỗi lần tôi gặp phải những cuộc tranh cãi về những vấn đề này, tôi thường lắc đầu và chỉ mặt những con người đạo đức giả cho mấy ông bạn ngây thơ mới chập chững bắt đầu trải nghiệm các chuyến du lịch theo kiểu Tây ba lô thấy.

Khách du lịch đi tour ở khắp mọi nơi
Khách du lịch đi tour ở khắp mọi nơi

Rõ ràng là.

Đúng là có những người “khách du lịch” cố tình gây sự chú ý với những người xung quanh. Họ có thể không như vậy nếu họ chịu suy nghĩ. Rất nhiều người không cố gắng tìm hiểu quy tắc văn hóa, hòa nhập hay tôn trọng đời sống thường nhật của dân địa phương. Đây mới là những du khách mà mọi người nhắc đến. Bản thân tôi cũng không thể chịu đựng được những con người này - đó là những người đến một nơi, không dùng một chút nỗ lực nào của bản thân để tương tác với dân bản xứ và chỉ ở trong khu nghỉ dưỡng suốt chuyến đi. Vậy mục đích của việc đặt chân đến một vùng đất mới là gì nếu họ không thật sự muốn nhìn thấy nó?

Quan điểm của tôi, đấy không phải là du lịch. (Dù vậy thì tôi vẫn đánh giá cao vì ít nhất họ chịu bước chân ra khỏi đất nước của họ. Những bước đầu tiên, tôi nói đúng chứ?)

Nói đi thì cũng nói lại, vậy có gì khác biệt ở mấy anh chị Tây ba lô tiệc tùng sáng tối ở Amsterdam và chỉ ghé thăm bảo tàng Van Gogh? Và có gì khác ở Tây ba lô khi họ cũng ngủ vùi ở nhà trọ giống hệt những du khách kia?

CHÚNG TA ĐỀU LÀ KHÁCH DU LỊCH.

Chúng ta đều có những lúc khác biệt.

Và bạn biết gì không? Chẳng có gì là sai ở đây cả!

Chúng ta đều sẽ được điểm A cho sự nỗ lực. Nực cười nhất là thay vì cố gắng góp phần giúp việc du lịch trở nên tốt hơn - giúp mọi người ở mọi phong cách du lịch khác nhau gặp gỡ và tương tác với dân địa phương nhiều hơn - trong khi rõ ràng thì những du khách ba lô này có lợi thế hơn bởi họ có thể lấy giá thành rẻ hơn, thời gian hướng dẫn dài hơn. Họ có thể thoát ra khỏi lối mòn cũ kĩ và sống như những người dân địa phương.

Trừ khi họ không muốn làm việc đấy.

Trải nghiệm những nền văn hóa mới đồng nghĩa với việc dừng chân trong một khoảng thời gian đủ để hòa nhịp vào cuộc sống nơi đó. Hầu hết những du khách ba lô không làm điều này. Hoạt động của họ chỉ đơn giản là đi đến bữa tiệc mới nhất và gọi đó là thoát khỏi lối mòn chỉ cho đến khi một người nào đó mang theo các cuốn sách của Hành Tinh Cô Độc tới. Họ ăn ở những quầy hàng trên phố và tự nhận rằng họ cũng giống như người địa phương, cho dù chẳng bao giờ đoái hoài đến thứ ngôn ngữ nơi đây và cũng chỉ ăn những thứ đồ ăn trông có vẻ an toàn. Tôi thường được hỏi về những nơi cần phải đến để được thật sự nhìn thấy Thái Lan, và câu trả lời của tôi là không có gì gọi là Thái Lan “thật” cả - tất cả mọi thứ ở trên đất Thái đều thuộc về Thái “thật”.

“Nhưng mà chúng tôi muốn sống như người dân nơi đây,” họ trả lời.

“Mua lấy một căn hộ và kiếm cho mình một việc làm” là câu trả lời của tôi.

Nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu về một nơi nào đó, hãy ở đó lâu hơn vài ngày!

Tôi thích gọi đây là “Hội Chứng Bãi Biển” - suy nghĩ về một chuyến du lịch rẻ tiền tốt hơn và chân thực hơn (bởi vì dân địa phương sẽ rất vui vì bạn đang tiết kiệm tiền của bản thân và không đưa cho họ) và vẫn có những nơi không phải đi theo “lối mòn” mà vẫn khám phá được phần “thật” của đất nước đó. Tây ba lô cũng nghĩ giống hệt nhân vật trong cuốn sách Bãi Biển (The Beach) - rằng vẫn còn có một số điểm đến du lịch mới. Những nơi chân thực, bí ẩn này được cho là tồn tại, nơi mà mọi thứ đều là sự thật, bạn là người lạ duy nhất ở đấy và tất cả mọi người đều thân thiện đến mức bạn ngay lập tức có thể đắm mình trong cuộc sống đó. Thật là một điểm đến tuyệt vời! Nhưng rất tiếc, nó không tồn tại.

Đó là một nơi chỉ có trong tưởng tượng.

Và đó là “Hội Chứng Bãi Biển”

Tôi không phải là một người mua những chuyến du lịch trọn gói, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi tuyệt vời hơn những người này. Không có kiểu du lịch nào tốt hơn kiểu du lịch nào. Điều quan trọng là chúng ta bỏ qua những cuộc tranh luận không hồi kết về du khách và Tây ba lô để nhận ra rằng mục đích quan trọng nhất của tất cả mọi kiểu du khách đều là đi du lịch. Chúng ta không chỉ đi để vui, để chụp hình mà còn để tìm hiểu một nền văn hóa khác, thoát ra khỏi vùng thoải mái của bản thân - kể cả chỉ là một chút.

Đó không phải là lí do mà chúng ta đi sao?

Một đóa hoa hồng, dù được gọi bằng bất kì cái tên nào, vẫn chỉ là một đóa hoa hồng.

Và, cho dù chúng ta tự gọi mình là gì đi chăng nữa, chúng ta thực sự chỉ là khách du lịch.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/tay-balo-la-gi-a52783.html