Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020

Quá trình cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản năm 2020 đã sử dụng các công bố mới nhất của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, kết quả cập nhật nhất của các mô hình khí hậu toàn cầu, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu mực nước biển đo đạc từ vệ tinh và số liệu địa hình. Đặc biệt, Kịch bản đã sử dụng số liệu quan trắc và số liệu mô hình số độ cao cập nhật đến năm 2020, bổ sung 10 phương án mô hình toàn cầu và 6 mô hình khu vực để dự tính các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập do nước biển dâng chi tiết đến các đơn vị hành chính cấp huyện, các đảo và quần đảo của Việt Nam.

Kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 có thể sử dụng phục vụ mục đích tham khảo trong quá trình xây dựng, cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo có liên quan.

2. Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam 2.1. Kịch bản biến đổi khí hậu 1) Nhiệt độ trung bình

Nhiệt độ không khí trung bình năm ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005); mức tăng phụ thuộc vào các kịch bản RCP và vùng khí hậu.

Theo kịch bản RCP4.5: Nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,2÷1,7oC; đến cuối thế kỷ, có mức tăng 1,6÷2,4oC. Nhìn chung, nhiệt độ phía Bắc tăng cao hơn phía Nam.

Theo kịch bản RCP8.5: Nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,7÷2,3oC; đến cuối thế kỷ, có mức tăng 3,2÷4,2oC.

2) Nhiệt độ cực trị

Nhiệt độ cực trị có xu thế tăng ở tất cả các vùng khí hậu. Đến cuối thế kỷ, theo kịch bản RCP4.5, nhiệt độ tối cao trung bình năm tăng phổ biến từ 1,7÷2,6°C, trong đó, mức tăng phổ biến phía Bắc từ 2,0÷2,6°C, phía Nam từ 1,7÷2,9°C. Nhiệt độ tối thấp trung bình năm tăng 1,7÷2,1oC. Theo kịch bản RCP8.5, nhiệt độ tối cao trung bình năm tăng 3,2÷4,7oC, cao nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với mức tăng phổ biến 4,0÷4,7oC. Nhiệt độ tối thấp trung bình tăng phổ biến 3,3÷4,1oC. Nhiệt đố tối thấp trung bình năm tăng nhanh hơn nhiệt độ tối cao.

3) Lượng mưa năm

Lượng mưa năm có xu thế tăng ở tất cả các vùng khí hậu. Lượng mưa mùa mưa, mùa khô có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước. Mưa cực trị có xu thế tăng.

Theo kịch bản RCP4.5: Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng phổ biến 10÷15% vào giữa thế kỷ và 10÷20% vào cuối thế kỷ.

Theo kịch bản RCP8.5: vào giữa thế kỷ 21, lượng mưa năm có xu thế tăng phổ biến từ 10÷15% trên hầu hết cả nước; ở các trạm đảo, ven biển Đông Bắc lượng mưa có thể tăng từ 20÷30%. Đến cuối thế kỷ, lượng mưa năm có xu thế tăng phổ biến từ 10÷25%, đáng lưu ý là một phần diện tích thuộc Đông Bắc lượng mưa có thể tăng trên 40%.

4) Lượng mưa cực trị

Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ, lượng mưa lớn nhất 1 ngày tăng phổ biến 20÷30%, lên đến 30÷40% ở đa phần diện tích của Bắc Bộ.

Theo kịch bản RCP8.5, đến cuối thế kỷ, lượng mưa lớn nhất 1 ngày tăng phổ biến 25÷40%, ở đa phần diện tích Bắc Bộ có thể tăng lên đến 40÷50%.

5) Gió mùa và một số hiện tượng khí hậu cực đoan

Biến đổi khí hậu có khả năng làm thay đổi tần suất, cường độ, quy luật hoạt động của các hiện tượng khí hậu cực đoan. Một số kết quả dự tính có thể được tóm tắt như sau:

- Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam. Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.

- Gió mùa mùa hè (GMMH): Theo kịch bản RCP4.5 đến cuối thế kỷ 21, thời điểm bắt đầu có xu thế biến đổi không nhiều, thời điểm kết thúc GMMH có xu thế muộn hơn, độ dài mùa GMMH ở Việt Nam có xu thế gia tăng và cường độ mạnh hơn so với thời kỳ cơ sở. Tương tự, theo kịch bản RCP8.5, đến cuối thế kỷ 21, thời điểm bắt đầu GMMH ở Việt Nam có xu thế ít biến đổi, thời điểm kết thúc có xu thế muộn hơn, độ dài mùa GMMH ở Việt Nam có sự gia tăng và cường độ có xu thế mạnh hơn so với thời kỳ cơ sở.

- Số ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm.

- Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35oC) và nắng nóng gay gắt (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 37oC) có xu thế tăng trên phần lớn cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

- Hạn hán: Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Theo kịch bản RCP8.5, số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích cả nước và có xu thế giảm ở một phần diện tích khu vực Tây Bắc, Trung Bộ và cực Nam của Nam Bộ.

2.2. Kịch bản nước biển dâng và nguy cơ ngập do biến đổi khí hậu

Kịch bản nước biển dâng chỉ xét đến sự thay đổi mực nước biển trung bình do biến đổi khí hậu, mà không xét đến ảnh hưởng của các yếu tố khác gây nên sự dâng cao mực nước biển như: nước dâng do bão, nước dâng do gió mùa, thủy triều, quá trình nâng/hạ địa chất và các quá trình khác.

2.2.1. Kịch bản nước biển dâng trung bình toàn khu vực Biển Đông

Vào cuối thế kỷ, mực nước biển dâng ở khu vực Biển Đông (Bảng 1) được tóm tắt như sau:

- Theo kịch bản RCP2.6, mực nước biển dâng khoảng 46 cm (28 cm ÷ 70 cm);

- Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng khoảng 55 cm (34 cm ÷ 81 cm);

- Theo kịch bản RCP8.5, mực nước biển dâng khoảng 77cm (51 cm ÷ 106 cm).

Phân bố không gian của mực nước biển dâng trên Biển Đông cho thấy, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mực nước biển dâng cao hơn đáng kể so với các khu vực khác. Khu vực có mực nước biển dâng thấp nhất là khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông. Nếu xét riêng dải ven biển Việt Nam, khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có mực nước biển dâng cao hơn so với khu vực phía Bắc. Kết quả này phù hợp với xu thế biến đổi mực nước biển được tính theo số liệu thực đo tại các trạm trong quá khứ.

Bảng 1. Kịch bản nước biển dâng cho toàn khu vực Biển Đông (cm)

2.1.2. Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu

Nếu mực nước biển dâng 100cm, nguy cơ ngập đối với các tỉnh như sau:

- Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (47,29% diện tích) Cà Mau và Kiên Giang là tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (tương ứng 79,62% và 75,68% diện tích). Khoảng 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng; 1,94% diện tích tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ bị ngập. Khoảng 1,53% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế có nguy cơ cao nhất (5,49% diện tích), Bình Thuận là tỉnh có nguy cơ ngập thấp nhất (0,19% diện tích). Khoảng 17,15% diện tích TP. Hồ Chí Minh; khoảng 4,84% diện tích Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ bị ngập.

3. Hướng dẫn khai thác và sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu

3.1. Hướng dẫn khai thác và sử dụng kịch bản

Kịch bản BĐKH và NBD năm 2020 là phiên bản cập nhật mới nhất cho Việt Nam sau Báo cáo AR5 và các công bố mới nhất của IPCC năm 2018 và 2019 về xu thế biến đổi khí hậu và nước biển dâng quy mô toàn cầu. Kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể khai thác và sử dụng cho những mục đích khác nhau, bao gồm: Tra cứu thông tin, nghiên cứu, đánh giá tác động, quản lý rủi ro và lập kế hoạch, quy hoạch trong các hoạt động thích ứng với BĐKH.

Tùy thuộc từng mục đích, người sử dụng có thể lựa chọn khai thác những thông tin, dữ liệu khác nhau từ cơ bản đến nâng cao, từ những hiểu biết chung về BĐKH toàn cầu đến những Kịch bản BDKH trong tương lai cho một vùng hoặc địa phương cụ thể, có thể toàn bộ hay chỉ một phần của Kịch bản.

Các dự tính về BĐKH cung cấp thông tin về các rủi ro trong tương lai dựa trên các kịch bản RCP theo mức độ: Cơ bản và nâng cao, có thể khai thác và sử dụng trực tiếp hoặc có thể làm đầu vào cho các mô hình để phân tích, đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cũng như trong việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và địa phương với các tiêu chí: (i) Tính đặc thù; (ii) Tính đa mục tiêu; (iii) Tính hiệu quả nhiều mặt; (iv) Tính bền vững; (v) Tính khả thi.

Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần phải có sự phân kỳ; cần phải xác định được mức độ ưu tiên dựa trên yêu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp và tối ưu nhất.

Sơ đồ chung hướng dẫn khai thác và sử dụng Kịch bản được trình bày trên Hình 1, bao gồm 3 nhóm mục đích sử dụng: (1) Thông tin tham khảo; (2) Đánh giá tác động/ nghiên cứu chuyên sâu; (3) Lập kế hoạch/ quản lý rủi ro.

3.2. Một số khuyến nghị quan trọng khi sử dụng Kịch bản

1) Cần nhấn mạnh rằng, Kịch bản không phải là các dự báo khác nhau, mà là các công cụ để đánh giá nguy cơ, rủi ro dựa trên các kịch bản phát thải cho đến cuối thế kỷ. Khi sử dụng hay đánh giá bất cứ một kịch bản nào, cần xác định đây không phải là dự báo khả năng xảy ra, mà là kịch bản các kết quả dựa trên các mô phỏng khí hậu để mô tả khí hậu tương lai một cách hợp lý nhất để người dùng quyết định.

2) Mặc dù đã có một số tiến bộ gần đây trong việc thay đổi đường cong phát thải, kịch bản RCP8.5, là kịch bản sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất giả định cho các mô hình khí hậu toàn cầu, sẽ tiếp tục là một công cụ hữu ích để định lượng rủi ro khí hậu vật lý, đặc biệt là đối với chính sách đến giữa thế kỷ (2050). Không chỉ đường phát thải RCP8.5 tương đồng chặt chẽ với tổng lượng phát thải CO2 tích lũy trong quá khứ (1%), mà RCP8.5 còn là mức phát thải phù hợp nhất đếngiữa thế kỷ theo các chính sách hiện hành.

3) Không có kịch bản BĐKH tốt nhất mà chỉ là kịch bản phù hợp nhất, nên khi lựa chọn sử dụng kịch bản người dùng cần có thời gian xác định chính xác nhu cầu và thực hiện qua các bước đã hướng dẫn và quá trình có thể lặp lại.

4) Kịch bản BĐKH và NBD luôn tồn tại những điểm không chắc chắn do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chính như sau:

i) Việc xác định các kịch bản phát thải khí nhà kính (phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô toàn cầu, mức tăng dân số và mức độ tiêu dùng của thế giới, tiêu thụ năng lượng và tài nguyên năng lượng toàn cầu, chuyển giao công nghệ giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, thay đổi sử dụng đất) là nguồn lớn nhất cho sự không chắc chắn trong dài hạn;

ii) Những hiểu biết còn hạn chế về hệ thống khí hậu toàn cầu và khu vực;

iii) Các quá trình tan băng;

iv) Hạn chế của các mô hình sử dụng để dự tính khí hậu tương lai trên cơ sở mức độ phản hồi của hệ thống khí hậu với sự thay đổi của nồng độ khí nhà khí và sol khí.

5) Người dùng cần hiểu rõ những hạn chế của kịch bản BĐKH và NBD và đảm bảo thông tin được diễn giải chính xác. Mức độ đóng góp tương đối của các nguyên nhân gây ra sự không chắc chắn trong kịch bản BĐKH thay đổi theo thời gian, do đó có thể tác động đến quá trình ra quyết định khác nhau như sau:

i) Sự thay đổi tự nhiên trong khí hậu là thông tin quan trọng, bao gồm sự thay đổi của thời tiết hàng ngày, của khí hậu mùa và năm (El Niño and La Niña) và dao động thập kỷ, đây là nguồn của sự không chắc chắn trong vòng 1-10 năm.

ii) Sự phản hồi của thời tiết và khí hậu khu vực đối với sự biến động của nồng độ khí nhà kính và sol khí được mô phỏng trong các mô hình được tích luỹ theo thời gian, tức là sẽ gia tăng theo thời gian.

iii) Nồng độ KNK và sol khí có thể thay đổi do sự thay đổi của kinh tế xã hội, phát triển công nghệ, chuyển đổi năng lượng, và thay đổi sử dụng đất, làm thay đổi các kịch bản RCP, đây là nguồn không chắc chắn lớn nhất trong dài hạn.

6) Cả hai hình thức của thông tin BĐKH (“cơ bản” hay “nâng cao”) đều có giá trị như nhau; thông tin cơ bản cũng có thể đủ giúp ra quyết định giống như thông tin nâng cao. Tuy nhiên, việc chọn sản phẩm và định dạng phù hợp để đảm bảo thông tin BĐKH được hiểu rõ và do đó được sử dụng hiệu quả nhất.

7) Người sử dụng không chỉ dựa vào kịch bản tổ hợp (trung bình hay trung vị) mà cần xem xét khoảng dao động (tính không chắc chắn) theo các mốc thời gian được dự tính trong Kịch bản tương ứng với thời gian cần lập kế hoạch, quy hoạch, chiến lược.

8) Trong quá trình khai thác Kịch bản cho các mục đích khác nhau, nếu cần người sử dụng có thể tương tác, liên hệ với đơn vị xây dựng Kịch bản (IMHEN) để được tư vấn, hỗ trợ đảm bảo sử dụng đúng các thông tin liên quan đến kịch bản BĐKH, hoặc để tạo ra các thông tin dẫn suất từ thông tin cơ bản, cũng có thể là những thông tin chi tiết hơn theo không gian, thời gian và khoảng dao động của kịch bản BĐKH.

9) Phiên bản mới nhất của Kịch bản luôn phản ánh đúng hơn với diễn biến khí hậu thông qua số liệu quan trắc được cập nhật và nâng cao tính chắc chắn hơn do bổ sung các số liệu đầu vào, thêm các phiên bản mô hình và quan trọng là sự gia tăng hiểu biết về khí hậu toàn cầu. Do vậy, khuyến nghị sử dụng Kịch bản mới nhất được công bố.

10) Ngày 9 tháng 8 năm 2021, IPCC đã công bố báo cáo đầu tiên AR6-WGI về những kết quả đánh giá mới nhất về khoa học biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng với đó theo Khoản 2 Điều 36 Luật Khí tượng Thủy văn 2015 quy định “Kỳ xây dựng, công bố kịch bản biến đổi khí hậu là 5 năm và có thể được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết”, rõ ràng việc liên tục cập nhật Kịch bản để có những thông tin mới hơn, tin cậy hơn về diễn biến của BĐKH là cần thiết để làm cơ sở, nền tảng cho các hoạt động của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và các lĩnh vực kinh tế xã hội trong việc ứng phó và giảm nhẹ tác động của BĐKH. Trên cơ sở đó Việt Nam cần kế hoạch cho xây dựng Kịch bản chi tiết cho Việt Nam dựa trên những số liệu mới, các mô hình toàn cầu (CMIP6) theo các kịch bản phát thải SSPs mới được chi tiết hóa động lực cho khu vực Việt Nam thông qua các mô hình khu vực và đánh giá hiệu chỉnh bằng phương pháp thống kê. Dự kiến Kịch bản BĐKH và NBD cho Việt Nam phiên bản sau sẽ được công bố vào năm 2024-2025.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/de-giai-thich-su-phan-bo-mua-cua-mot-khu-vuc-can-su-dung-ban-do-khi-hau-va-ban-do-a52545.html