Quy định của pháp luật về xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín

(LSVN) - Thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác là những thông tin thuộc bí mật riêng tư, bí mật cá nhân của người khác được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi người bị xâm phạm có yêu cầu.

Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền bí mật đời tư, như sau:

“...2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.

Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có hành vi: “Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.

Việc xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác gồm các hành vi sau:

+ Hành vi chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào: Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là làm cho thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính không đến với người nhận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lén lút, gian dối, bội tín, công nhiên…

Cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu là lấy đi, nhưng tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ, người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính cho mình, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi, mà không chiếm hữu sử dụng. Thư từ, điện tín có thể là để ngỏ hay dán kín; có thể là ở thùng thư, bưu điện hay ở nhà riêng, đang do mình có trách nhiệm chuyển giao hay lừa người khác nhận chuyển hộ rồi chiếm đoạt.

Hành vi xâm phạm an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác còn thể hiện như tịch thu trái phép thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác... Nếu chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính để dùng vào mục đích khác và hành vi dùng vào mục đích khác của người phạm tội lại cấu thành một tội phạm độc lập thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu hành vi chiếm đoạt chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích.

Ví dụ: chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính dùng vào mục đích gián điệp thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gián điệp”. Nếu chiếm đoạt thư của người khác rồi bóc ra xem thấy có nội dung mà người phạm tội dùng nó để lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm bí mật hoặc thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”, vừa bị truy cứu TNHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các văn bản mà người phạm tội chiếm đoạt không phải là văn bản được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính và không có nội dung, tính chất thư tín, điện tín thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

+ Hành vi cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông: làm hư hỏng là không còn nguyên vẹn hoặc hỏng hoàn toàn thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác.

Hành vi này rất đa dạng về cách thức thực hiện như tiêu hủy, đốt, xé, xóa thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác. Thất lạc thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không hành động theo trình tự, không đưa những đối tượng trên đến địa điểm cần đến. Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không làm hư hỏng, ảnh hưởng đến hành trình, đường đi của thư tín nhưng lại sao chép, ghi lại nội dung của thông tin trong thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác.

+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật: là hành vi lén lút ghi lại nội dung cuộc nói chuyện giữa nhiều người với nhau mà không được sự đồng ý, cho phép của người bị ghi âm. Việc nghe hoặc ghi âm điện thoại liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân về thông tin. Tuy nhiên cần lưu ý đây là trường hợp pháp luật quy định một cách rõ ràng trường hợp nào thì được nghe, trường hợp nào thì không được nghe chứ không tùy tiện áp đặt vào thực tế trong mọi trường hợp việc nghe hoặc ghi âm cuộc đàm thoại vì mọi mục đích đều là trái pháp luật.

+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật: Điều này thể hiện bằng hành vi tự ý lục lọi, xem xét và giữ thư tín, điện tín trong các trường hợp không được pháp luật cho phép.

+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: Hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác qua mạng xã hội, sử dụng các dạng truyền tin bằng chữ, hình ảnh, âm thanh qua: Facebook, Zalo, Viber,...

Các hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện báo,... nêu trên phải là hành vi trái pháp luật. Khi xác định có phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay không cần phải đối chiếu với các quy định về bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của các cơ quan chức năng chuyên ngành như: Tổng cục bưu điện, Tổng công ty viễn thông...

Hậu quả của hành vi này, trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người khác.

Bộ luật Hình sự 2015 không căn cứ vào thiệt hại do hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại,… gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội danh này mà chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm là tội phạm đã hoàn thành, những hậu quả khác do thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm không đáng kể, nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ý thức pháp luật chưa cao, chỉ khi nào do hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín gây ra hậu quả nghiêm trọng khác thì người có hành vi xâm phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

NGUYỄN THỊ YẾN HOA Tòa án quân sự Quân khu 1

Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/viec-kiem-soat-thu-tin-dien-thoai-dien-tin-cua-ca-nhan-duoc-thuc-hien-trong-truong-hop-a50837.html