Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh ung thư ở nam giới.
Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3-6 tháng.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi có những triệu chứng khả nghi sau, cần đến các cơ sở y tế để tìm hiểu rõ nguyên nhân, bởi đó có thể là hồi chuông cảnh báo ung thư đang ngấm ngầm phát triển bên trong lá phổi của bạn:
Khi khối u phát triển trong hoặc gần với vị trí phế quản, nó sẽ kích thích phế quản gây ho. Tuy nhiên, khi có hiện tượng ho, hầu hết mọi người đều không nghĩ rằng, nguyên nhân có thể do ung thư gây ra.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, nếu cơn ho tiếp diễn trong một thời gian dài và các loại thuốc chữa ho không khiến tình trạng được cải thiện đáng kể, tốt nhất hãy đến các cơ sở y tế để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Trong trường hợp ho ra đờm có lẫn máu, nguy cơ đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi lại càng cao.
Khi bị đau, tức ngực, điều đầu tiên mà hầu hết chúng ta đều nghĩ đến là các vấn đề về tim. Tuy nhiên, đau ngực cũng là một trong những triệu chứng cảnh báo thường thấy nhất của ung thư phổi giai đoạn đầu. Điển hình của đau, tức ngực do ung thư phổi là cảm giác đau thường xuất hiện mỗi khi bệnh nhân hoạt động mạnh, ho hay cười nói.
Ở giai đoạn đoạn muộn, các tế bào ung thư phổi sẽ lan sang các hạch bạch huyết ở khu vực lân cận, khiến các hạch này sưng lên, dẫn đến việc cánh tay của bệnh nhân, đặc biệt là vùng quanh khớp vai sẽ luôn trong tình trạng đau nhức. Do đó, nếu bị đau tay, khớp vai không rõ nguyên do và tình trạng ngày một tăng lên, thì cần hết sức cảnh giác với căn bệnh ung thư phổi.
Khi khối u ung thư phổi lớn dần lên, nó sẽ xâm lấn rộng hơn sang các mô lân cận. Nếu khối u chèn ép lên các dây thần kinh liên quan đến mắt sẽ khiến mắt bị sưng lên, mí mắt sụp xuống. Trong trường hợp khối u chèn ép các tĩnh mạch lớn có thể gây sưng tấy ở vùng lưng, ngực và cổ. Cùng với đó là cảm giác chóng mặt, đau nhức đầu.
Ngón tay dùi trống là một trong những biểu hiện đặc trưng của ung thư phổi. Cụ thể, trong trường hợp này, người bệnh sẽ có đầu ngón tay lớn hơn bình thường, với nguyên nhân được cho là do tích tụ dịch, mặc dù chưa rõ chính xác ung thư gây ra điều này như thế nào. Những người có ngón tay dùi trống có thể không nhìn thấy khoảng trống hình thoi khi áp hai ngón vào nhau (như hình minh họa), bởi vì các ngón tay của họ bị bè ra.
Đương nhiên, không phải tất cả các trường hợp có ngón tay dùi trống đều do ung thư phổi gây ra. Dẫu vậy, bạn vẫn nên đến các cơ sở y tế sớm để phát hiện bệnh lý ẩn đằng sau triệu chứng này.
Minh Nhật
Theo Cancer, Aboluowang
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/hai-ngon-tay-chi-vao-nhau-a49131.html