Liệt ruột là hiện tượng ứ đọng thức ăn, nước uống trong đường tiêu hóa do cơ trơn ruột mất sự co bóp. Tình trạng này thường gặp sau phẫu thuật hoặc những bệnh lý gây rối loạn nhu động ruột. Cùng tìm hiểu về hiện tượng liệt ruột qua bài viết dưới đây nhé!
1Liệt ruột là gì?
Thức ăn được vận chuyển trong đường tiêu hóa là nhờ sự co bóp nhịp nhàng, đều đặn của hệ thống cơ trơn tạo ra các nhu động ruột. Khi hoạt động co bóp này bị dừng lại sẽ dẫn đến liệt ruột hay còn gọi là tắc ruột cơ năng.
Liệt ruột là bệnh lý cấp tính gây ra đau bụng, nôn ói, chướng bụng, khó tiêu, táo bón xuất hiện sau phẫu thuật, viêm nhiễm hoặc tai nạn. Tình trạng này sẽ được cải thiện sau từ 2 - 3 ngày hoặc khi điều trị khỏi nguyên nhân gây bệnh.[1]
Liệt ruột là tình trạng mất hoặc giảm nhu động đường tiêu hóa gây ứ đọng thức ăn
2Nguyên nhân gây liệt ruột
Bất cứ yếu tố nào tác động đến hệ thống cơ trơn, làm giảm hoặc mất nhu động đường tiêu hóa đều có thể dẫn đến liệt ruột. Một số nguyên nhân phổ biến của bệnh gồm:[1]
- Phẫu thuật: là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất. Sau những phẫu thuật tại ổ bụng, các quai ruột có thể ngừng hoạt động co bóp tạm thời trong vài giờ đến vài ngày rồi tự hồi phục trở lại.
- Bệnh nhiễm trùng: các yếu tố gây viêm có thể ức chế hoạt động co bóp của hệ thống cơ trơn dẫn đến liệt ruột. Hiện tượng này thường gặp ở bệnh nhân viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, viêm túi mật hoặc nhiễm khuẩn huyết.
- Bệnh lý cột sống: do thần kinh chi phối hoạt động đường tiêu hóa bị chèn ép hoặc tổn thương khiến cơ trơn ruột không thể co bóp được. Hay gặp nhất ở bệnh nhân chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm.
- Rối loạn điện giải: sự mất cân bằng ion trong cơ thể có thể gây ra rối loạn co cơ khiến bệnh nhân tê bì chân tay, chuột rút hoặc liệt ruột. Tình trạng này có thể xuất hiện nếu người bệnh bị hạ kali máu, hạ canxi máu hoặc hạ đường huyết.
- Các bệnh lý gây ức chế thần kinh: liệt ruột có thể gặp trong một số tình trạng nặng như suy hô hấp, nhiễm toan ceton, suy thận cấp khiến người bệnh suy giảm nhận thức, lơ mơ, thậm chí hôn mê.
- Thuốc: một vài thuốc có tác dụng ức chế dẫn truyền thần kinh làm giãn các cơ trơn đường tiêu hóa cũng có thể gây ra tình trạng liệt ruột như thuốc chẹn giao cảm, thuốc chống trầm cảm hoặc ma túy.
Người bệnh có thể bị liệt ruột sau những phẫu thuật trong ổ bụng
3Triệu chứng liệt ruột
Các triệu chứng của liệt ruột thường rất đa dạng và dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa khác như tắc ruột, táo bón hoặc trào ngược dạ dày thực quản. Một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh là:
- Bụng chướng to, không nghe thấy tiếng sôi ùng ục ở bụng.
- Đầy hơi, khó tiêu hóa thức ăn.
- Buồn nôn hoặc nôn ra thức ăn cũ và dịch tiêu hóa.
- Không thể xì hơi hoặc đại tiện được.
- Xuất hiện các cơn đau khắp bụng mức độ nhẹ, âm ỉ đến vừa và đôi khi đau nhiều.
Buồn nôn hoặc nôn mửa có thể là triệu chứng của bệnh
4Biến chứng nguy hiểm
Liệt ruột cơ năng có thể tự hết trong vài ngày hoặc sau khi điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng liệt ruột kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:[2]
- Mất nước, rối loạn điện giải: do người bệnh thường xuyên nôn mửa nhưng không thể ăn uống dẫn đến khô môi, khô da, khát nhiều và tiểu ít hơn.
- Thủng ruột: khi thức ăn, dịch tiêu hóa bị ứ đọng trong ruột một thời gian dài dẫn đến giãn các quai ruột khiến chúng dễ bị thủng và vỡ hơn.
- Viêm phúc mạc: thường xuất hiện sau thủng ruột hoặc nhiễm trùng trong ổ bụng không được phát hiện do vi khuẩn từ đường tiêu hóa lan rộng khắp ổ bụng.
5Cách chẩn đoán
Để chẩn đoán và phát hiện sớm nguyên nhân gây liệt ruột, bác sĩ sẽ phối hợp giữa kết quả thăm khám và các xét nghiệm phù hợp như:
- Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ quan sát diễn biến triệu chứng bệnh, thăm khám vùng bụng để đánh giá nhu động ruột. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thăm khám toàn thân nhằm tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh.
- Kỹ thuật hình ảnh: liệt ruột có thể được chẩn đoán nhờ vào hình ảnh giãn ruột, mực nước hơi trên phim Xquang bụng đứng không sửa soạn, siêu âm ổ bụng hoăc chụp cắt lớp vi tính.
- Xét nghiệm máu: giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây liệt ruột do nhiễm trùng hoặc rối loạn điện giải.
Siêu âm ổ bụng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh liệt ruột
6Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Để tránh biến chứng nguy hiểm của liệt ruột, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm nếu có những triệu chứng sau:
- Táo bón hoặc không thể xì hơi kéo dài hơn 1 ngày.
- Bụng chướng to và đầy hơi, đau bụng.
- Nôn mửa nhiều dẫn đến dấu hiệu mất nước như da khô, tiểu ít.
- Các triệu chứng xuất hiện sau chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Táo bón kéo dài là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi khám chữa liệt ruột
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Tiêu hoá. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Bệnh viện Xanh Pôn.
7Các phương pháp chữa bệnh liệt ruột
Tùy theo nguyên nhân gây liệt ruột mà bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị riêng biệt cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị chính gồm:[3]
- Truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch: người bệnh liệt ruột không thể ăn uống trực tiếp qua đường miệng. Vì thế, bác sĩ sẽ truyền glucose, protein và lipid cần thiết thông qua đường truyền tĩnh mạch nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh.
- Sử dụng thuốc kháng sinh.
- Đặt ống thông mũi dạ dày: giúp đưa thức ăn bị ứ đọng trong đường tiêu hóa ra ngoài nhằm giảm bớt áp lực, tránh nôn mửa và thủng ruột.
Đặt sonde dạ dày có thể giúp giảm bớt dịch ứ đọng trong đường tiêu hóa
8Biện pháp phòng ngừa liệt ruột
Liệt ruột có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Chúng ta có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nếu áp dụng một vài biện pháp đơn giản sau đây:
- Vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Không lái xe quá nhanh và đảm bảo an toàn lao động để hạn chế chấn thương cột sống.
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý đường ruột.
- Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ để ngăn ngừa tác dụng phụ gây liệt ruột của thuốc.
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp tránh đầy bụng và cải thiện khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.
- Đối với bệnh nhân sau phẫu thuật trong ổ bụng, có thể massage bụng theo chiều từ phải sang trái để kích thích nhu động ruột.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả có thể phòng ngừa bệnh liệt ruột
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức hữu ích nhằm phát hiện sớm bệnh liệt ruột hoặc có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho bản thân. Hãy chia sẻ thông tin này đến với tất cả bạn bè và người thân quanh bạn nhé!