Mùa na chín

Mùa na chín Ảnh minh họa

Được biết, vụ na năm nay không chỉ được mùa mà giá lại cao. Cây na đã giúp nhiều hộ gia đình nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn “phất” lên giàu có rất nhanh.

Vụ thu hoạch na được bắt đầu từ cuối tháng Bảy và tháng Tám là thời khắc chính vụ. Nếu như vụ mùa năm trước, do thời tiết thất thường nên na cho trái ít thì năm nay cây na ở Chi Lăng có mật độ đậu quả rất cao, lên tới 60-70% số nụ hoa nở trên cây. Hàng ngày, lượng na thu hái trong toàn huyện lên tới hàng ngàn tấn. Riêng ở Đồng Mỏ, Đồng Bành mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn.

Được mùa, niềm vui khôn xiết hiện rõ trên hầu hết các khuôn mặt của mọi người từ trẻ tới già. Chị Lê Thị Hải ở thị trấn Đồng Mỏ, chủ nhân của 2 ha na cho biết: “Nếu tính từ 5 năm trở lại đây thì năm nay na gần như là được mùa nhất. Quả sai mà lại to. Đã vậy, chất lượng lại thơm, ngọt, ít hạt”.

Không chỉ được mùa lớn, niềm vui của bà con ở Chi Lăng còn được nhân lên khi na trúng giá. Qua khảo sát ở khu chợ na họp mỗi ngày một phiên dọc theo quốc lộ 1A, chạy qua đoạn thị trấn Đồng Mỏ, chúng tôi thấy các loại na to (loại na gốc) cỡ 3-4 quả/kg có giá 50.000-60.000 đồng; na nhỏ hơn loại 7-8 quả/kg có giá rẻ hơn đôi chút, cỡ 25.000-30.000 đồng; xấu hơn một chút, các loại na nhỏ, na vẹo… giá cũng không dưới 20.000 đồng/kg.

Anh Trần Văn Ấm ở xã Bãi Hào, người được mệnh danh là “vua na” khi diện tích mà anh trồng lên tới 20 ha cho biết, nếu giá cứ như thế này thì vụ na này gia đình anh sẽ thu được khoảng 400 triệu.

Hôm chúng tôi tới thăm các trang trại na ở đây, bà con đang tất bật thu hái và vận chuyển na xuống núi bằng tời dọc. Trông ai cũng thấm mệt qua những giọt mồ hôi nhỏ nhưng dường như mọi người đều vui, đều quên hết vất vả, mệt mỏi bởi thành quả mà họ xứng đáng đạt được.

Hôm nay, nếu ai có dịp đi Lạng Sơn qua vùng biên ải Chi Lăng sẽ nhìn thấy một màu xanh mướt của na trải dài từ chân núi lên tới tận đỉnh núi thay cho màu xám xịt của núi đá xưa kia. Thương hiệu na dai Đồng Mỏ, Đồng Bành đã trở nên nổi tiếng trên thị trường. Nhiều nhà đã trở nên khá giả, giàu có.

Thế mới biết sức mạnh ý chí của con người là vô biên vì họ biết vượt khó khăn, sự cằn cỗi của thiên nhiên để nuôi sống và làm giàu cho mình, cho xã hội. Như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng nói: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Chia tay vùng na Chi Lăng chúng tôi mang theo tiếng nói tiếng cười cùng bức tranh tươi tắn về làng quê ấm no, trù phú của bà con các dân tộc nơi đây và thầm mong cho vùng biên ải này ngày càng đổi mới hơn, giàu có hơn nữa.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/mua-na-thang-may-a48722.html