Công nghệ thông tin hay còn gọi là IT (Information Technology) - ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, xử lý, truyền và thu thập thông tin.
Vậy học ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường sẽ làm những công việc gì? Bài viết dưới dưới đây sẽ giúp bạn gỡ rối thắc mắc này.
Học Công nghệ thông tin ra trường làm gì?
Hiện nay, vẫn có không ít người nghĩ rằng, học ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường sẽ làm những công việc như sửa máy tính, cài win hay lắp mạng,… Trên thực tế, công việc mà ngành Công nghệ thông tin mang lại còn nhiều hơn thế.
Theo trường Đại học Công nghệ TP.HCM, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin có thể làm việc trong các công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các tổ chức, hiệp hội… liên quan đến lĩnh vực phát triển, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng, chuyên thiết kế, triển khai các giải pháp tích hợp về phần cứng, phần mềm và cả những vấn đề về an ninh mạng như virut, hacker.
Cụ thể, nếu học ngành Công nghệ thông tin bạn sẽ đảm nhận một trong số các công việc sau: Trở thành lập trình viên phần mềm; Kiểm duyệt chất lượng phần mềm; Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính; Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin.
Thông thường, mức lương của sinh viên học ngành Công nghệ thông tin sau khi ra trường sẽ dao động 8 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu có thêm ngoại ngữ, mức lương sẽ cao hơn, thậm chí có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, làm việc tại các công ty nước ngoài.
Một số trường đào tạo ngành Công nghệ thông tin
Đại học Bách khoa Hà Nội - năm 2023, lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của ngành Công nghệ Thông tin Việt - Nhật là 27,64 điểm (A00; A01; D28), Công nghệ Thông tin Global ICT 28,16 điểm (A00; A01), Công nghệ Thông tin Việt - Pháp lấy 27,32 điểm (A00; A01; D29), Khoa học Máy tính lấy 29,42 điểm, Kỹ thuật Máy tính là 28,29 điểm A00; A01.
Mức học phí của Công nghệ thông tin Global ICT dao động từ 35 - 42 triệu. Với ngành Công nghệ thông tin Việt - Nhật; Công nghệ thông tin Việt - Pháp học phí dao động từ 38 - 42 triệu. Hai ngành học còn lại có mức học phí khoảng 20 triệu/năm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo ngành Công nghệ thông tin theo 4 chuyên ngành: Máy tính và truyền thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin. Năm nay điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin của trường này là 26,59 điểm.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đang đào tạo 3 chương trình học liên quan đến ngành Công nghệ thông tin với mức điểm chuẩn lần lượt: Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) lấy 25,86 điểm xét tuyển tổ hợp môn A00; A01, ngành Công nghệ thông tin (ngoại ngữ Nhật) lấy 25 điểm xét tuyển tổ hợp môn A00; A01; D28, ngành Công nghệ thông tin (Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp) chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo lấy 26,45 điểm.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - năm 2023 lấy điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 28,2 điểm. Các ngành lấy điểm chuẩn trên 27 gồm Máy tính và công nghệ thông tin 27,2 điểm, Công nghệ thông tin (chất lượng cao) 27,2 điểm, còn Khoa học dữ liệu 26,7 điểm.
Trường Đại học Cần Thơ năm nay lấy điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin chương trình đào tạo đại trà là 25,16 điểm, với 2 tổ môn xét tuyển A00, A01; ngành Công nghệ thông tin khu Hòa An lấy 23,25 điểm, với 2 tổ hợp môn xét tuyển tương tự; ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao lấy 24,10 điểm, với 3 tổ hợp môn xét tuyển A00, D01, D07.
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/hoc-nganh-cong-nghe-thong-tin-ra-truong-lam-gi-a48421.html