Thương mại điện tử có tên tiếng Anh là E-Commerce.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet”.
Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử, giải thích: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.
Như vậy, đây là một hình thức kinh doanh trực tuyến diễn ra trên các trang mạng internet. Các cửa hàng bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử có thể là cửa hàng online hoặc các doanh nghiệp. Các kênh thương mại điện tử có tác dụng giúp cho người dùng thực hiện các công việc mua bán hàng hóa trực tuyến. Mô hình kinh doanh thương mại điện tử được xem như một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Lợi ích của thương mại điện tử
1. Tiết kiệm chi phí: Các giao dịch qua Internet có chi phí rất rẻ, một doanh nghiệp có thể gửi thư tiếp thị, chào hàng đến hàng loạt khách hàng chỉ với chi phí giống như gửi cho một khách hàng;
2. Linh hoạt: Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thật nhanh chóng;
3. Không giới hạn vị trí địa lý: Các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, giữa thành phố với nông thôn, từ nước này sang nước kia, hay nói cách khác là không bị giới hạn bởi không gian địa lý;
4. Làm việc từ bất cứ đâu: Việc điều hành một doanh nghiệp Thương mại điện tử cho phép bạn không cần phải ngồi trong văn phòng hoặc chỉ ngồi một chỗ nào đó. Thứ bạn cần là một máy tính xách tay/điện thoại thông minh/ máy tính bảng và một kết nối internet. Bạn vẫn có thể quản lý tốt tất cả các vấn đề của doanh nghiệp dù đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới;
5. Quản lý hàng tồn kho: Các doanh nghiệp thương mại điện tử có thể tự động hóa quản lý khoảng không quảng cáo của họ bằng cách sử dụng các công cụ điện tử để đẩy nhanh quá trình đặt hàng, giao hàng và thanh toán. Nó tiết kiệm hàng tỷ chi phí hoạt động và hàng tồn kho;
6. Vận chuyển dễ dàng: Hiện nay dịch vụ vận chuyển đang ngày càng phát triển, rất nhiều doanh nghiệp vận chuyển sẽ kết nối trực tiếp với doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện tự động hóa khâu giao hàng, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho những người kinh doanh online.
Các mô hình thương mại điện tử:
- B2B (Doanh nghiệp tới doanh nghiệp): B2B là việc thực hiện các giao dịch giữa các doanh nghiệp với nhau trên các kênh thương mại điện tử.
- B2C (Doanh nghiệp tới người tiêu dùng): Doanh nghiệp sẽ bán sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Đây là loại hình thức thương mại điện tử phổ biến và dễ thấy nhất.
- C2B (Người tiêu dùng đến doanh nghiệp): Các trang web mà người tiêu dùng cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ và doanh nghiệp đặt hàng của họ.
- C2C (Người tiêu dùng đến người tiêu dùng): Các doanh nghiệp tạo thuận lợi cho việc bán sản phẩm giữa người tiêu dùng.
- Ngoài các loại thương mại điện tử này, còn có các loại phổ biến khác như G2C (Chính phủ đến người tiêu dùng), C2G (Người tiêu dùng đến Chính phủ) hoặc B2E (Doanh nghiệp đến nhà tuyển dụng).
Mặc dù thương mại điện tử mới phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng nó đã nhanh chóng trở thành kênh bán hàng hút khách và được đông đảo các doanh nghiệp tham gia./.
Phòng Văn hóa và Thông tin quận
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/kenh-thuong-mai-dien-tu-la-gi-a48354.html