Thấu hiểu giá trị “phúc, lộc, thọ, khang, ninh”

Người ăn ở phúc đức, phúc hậu thì sẽ được trời phật ban cho phúc lành, phúc thiện, như lời ông cha ta khuyên bảo: “Ở hiền thì lại gặp lành/ Những người nhân đức trời dành phúc cho”.

Hôm dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, tôi vô tình tìm thấy một tấm giấy hồng điều trong chồng sách, báo cũ của mình. Dù mặt giấy ấy đã phai nhạt theo thời gian nhưng tôi thấy 5 chữ “Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh” viết cách điệu theo thư pháp đẹp như rồng bay phượng múa vẫn giữ được nét màu mực đen thẫm.

Tôi nhớ vào những ngày cuối tháng Chạp, cha tôi đã cẩn thận treo tấm giấy hồng điều có 4 chữ “Ngũ phúc lâm môn” ngay trước cửa nhà mình. Hồi đó còn nhỏ, tôi chưa hiểu “Ngũ phúc lâm môn” là gì, thì cha tôi bảo đấy chính là nguyện ước của gia đình được đón 5 điều “phúc, lộc, thọ, khang, ninh” vào nhà ta trong dịp năm mới. Rồi ông giảng giải cặn kẽ từng điều cho tôi hiểu những ý tứ thâm sâu từ “ngũ phúc”.

“Ông đồ” trao tặng học sinh bức thư pháp “Phúc Lai Thành” (phúc tạo nên thành công) - một nét đẹp văn hóa đầu xuân ở Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc.

“Phúc” là những điều tốt lành, may mắn. Muốn có phúc thì phải có đức, có đức thì sẽ có hậu. Người ăn ở phúc đức, phúc hậu thì sẽ được trời phật ban cho phúc lành, phúc thiện, như lời ông cha ta khuyên bảo: “Ở hiền thì lại gặp lành/ Những người nhân đức trời dành phúc cho”.

“Lộc” hàm ý nhiều nghĩa. Người có lộc là người chịu thương chịu khó, biết ăn nên làm ra, có cuộc sống vật chất no đủ. Người say mê dùi mài kinh sử, học hành thành tài, thi cử đỗ đạt, tiến thân thuận lợi được coi là người có lộc về công danh sự nghiệp. Những người có con cái phương trưởng, cháu chắt đề huề cũng được gọi là người có lộc về tử tôn.

“Thọ” nghĩa là sống lâu. Đã sinh ra ở trên đời, ai cũng muốn sống dẻo dai, trường thọ. Thuở xưa, cha ông ta từng ước vọng được “trường sinh bất lão”-sống lâu mà vẫn không già! Nhưng muốn sống lâu thì phải biết ăn uống điều độ, chừng mực, có nếp sống giản dị, thường xuyên rèn luyện và giữ gìn vệ sinh thân thể để phòng, chống, giảm thiểu lão hóa và bệnh tật.

“Khang” nghĩa là mạnh khỏe. Ông cha ta có câu “Sức khỏe là vàng”, “Già sức khỏe, trẻ dẻo dai” để nói lên vai trò đặc biệt của sức khỏe đối với chất lượng cuộc sống của con người. Thế nên, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ai ai cũng mong muốn có sức khỏe tốt. Khi người ta gặp nhau, câu hỏi thăm đầu tiên và câu chúc nhau bao giờ cũng là mạnh khỏe. Mạnh khỏe không đơn thuần chỉ là có thể chất sung sức, ổn định mà còn bao hàm cả trạng thái tinh thần, tâm lý lành mạnh.

“Ninh” nghĩa là bình yên. Ngoài mong muốn có phúc, có lộc, sống lâu, mạnh khỏe, con người còn luôn khát vọng có cuộc sống bình yên. Giữ gìn sự yên lành, thư thái, thanh thản trong tâm hồn là một trong những điều kiện để con người sống vui, sống khỏe, sống lâu hơn.

Quả là “ngũ phúc” hàm chứa những điều ước tốt đẹp, nhân văn của ông cha ta gửi gắm cho muôn đời con cháu.

Chỉ tiếc rằng thời nay, không phải ai cũng quan niệm và hành xử đúng mực về “ngũ phúc”. Vì thực tế vẫn có quan chức mang nặng tư tưởng “của người phúc ta”, tinh vi rút tiền ngân sách của cơ quan, tổ chức để đi biếu cấp trên với hy vọng có được “tiếng thơm” là quan tâm đến cấp trên; nghĩa là họ lợi dụng công sản của tập thể chỉ nhằm vun vén "cái phúc" cho riêng cá nhân mình. Lại có người ham danh háo lợi nên đã ra luồn vào cúi, ra sức chạy chọt để có chức vụ rồi bòn rút của công, tham ô, tư túi mà dân gian vẫn gọi là vơ vét “lộc chùa”-một thứ “lộc” không chính đáng, không chính danh, không do bàn tay, khối óc mình làm ra. Còn trong xã hội, nhiều người mong có chữ “thọ”, muốn được mạnh khỏe, nhưng lại ăn uống quá đà, dư sức đàn đúm nhậu nhẹt nhưng lại thiếu ý thức tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe, không biết giữ mồm giữ miệng, quá khẩu thành tàn. Cũng có người một thời nắm giữ quyền lực “nghiêng ngả” cả một địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cứ tưởng khi dứt “áo quan” sẽ có tâm hồn thanh thản, sum vầy sớm hôm cùng con cháu, nhưng vừa về hưu lại rơi vào tâm trạng ăn không ngon, ngủ không yên vì “hạ cánh không được an toàn”.

Suy cho cùng, do người ta không hiểu ý tứ sâu xa và không thấm nhuần tinh thần “ngũ phúc” một cách trong sáng, để rồi tự mình gây phiền hà, hệ lụy cho chính mình!

Mong sao, mọi người, mọi nhà đón năm mới sẽ có “ngũ phúc lâm môn” với ý nghĩa đích thực như ông cha ta từng gửi gắm và mong ước!

Bài và ảnh: PHÚC NỘI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/loc-tho-a41945.html