Bất bình đẳng ở Gangnam - khu vực nổi tiếng nhất Hàn Quốc

Bất bình đẳng ở Gangnam - khu vực nổi tiếng nhất Hàn Quốc
Đường phố ở Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa. Ảnh: Website thành phố Seoul

Nhà của bà Kim Bok-soon nhìn ra một số tòa nhà cao nhất và lộng lẫy nhất của Hàn Quốc, bao gồm các tòa tháp căn hộ cao tầng sang trọng có spa và sân golf trong nhà riêng.

Nhưng đây không phải là lối sống mà bà Kim Bok-soon vươn tới. Bà không ở trong nhóm những người lái xe Mercedes, mặc đẹp đi cưỡi ngựa như trong “Gangnam Style”.

Nhà của bà Kim Bok-soon đối diện với một căn lều làm bằng ván ép, nhựa phế liệu ở Guryong - khu ổ chuột rộng lớn thuộc quận Gangnam.

Lối sống VIP thật gần, nhưng cũng thật xa.

Người phụ nữ 60 tuổi chỉ cần đi xe buýt khoảng 3 km để đến một căn hộ mới xa hoa nơi bà làm người giúp việc. Nhưng đó là tuyến đường đi qua “khoảng cách giữa người giàu và người nghèo", bà Kim nói.

“Từ sàn nhà lát đá cẩm thạch đến phòng có điều hòa nhiệt độ, mọi thứ ở đó khiến tôi như đang ở trong mơ" - bà nói thêm.

Sàn nhà riêng của bà Kim được làm từ những tấm nhựa vinyl và bà chỉ có một chiếc quạt nhỏ để chống chọi với cái nóng mùa hè.

Khoảng cách giữa nhà của bà Kim Bok-soon và nơi làm việc của bà khá nhỏ nhưng sự phân chia kinh tế xã hội là rất lớn, Washington Post chỉ ra.

Tình huống của bà Kim Bok-soon tóm tắt về sự chia rẽ kinh tế ngày càng lớn - một vấn đề chính trị và xã hội xuất hiện trong mọi cuộc bầu cử ở Hàn Quốc.

Vấn đề này từng được mô tả trong bộ phim Hàn Quốc năm 2019 đoạt giải Oscar “Ký sinh trùng”. Trong phim, một gia đình nghèo phải chịu đựng nỗi thất vọng mà nhiều người cùng chung cảm nhận.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 dẫn tới phá sản và sa thải lao động trên diện rộng, đã tạo ra sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng ở Hàn Quốc.

Khoảng cách đó đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, khi 20% người giàu nhất Hàn Quốc có tài sản trung bình gấp 64 lần tài sản trung bình của 20% người nghèo nhất.

Những người “ngậm thìa vàng” có thể được hưởng nền giáo dục tư thục đắt đỏ và có được những công việc tốt nhờ gia đình có quan hệ tốt.

Nhưng những người không có đặc quyền đó - được sinh ra với “những chiếc thìa đất" - nói rằng, họ không bao giờ có cơ hội thăng tiến.

Không nơi nào thể hiện sự bất bình đẳng này rõ ràng hơn ở Gangnam - nơi sinh sống của những người đã vươn lên mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Hàn Quốc và những người không thành công.

Họ đều bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc sang con hổ châu Á.

Để chuẩn bị cho Olympic mùa hè 1988, các nhà lãnh đạo Seoul đã san bằng các khu dân cư đổ nát để xây dựng sân vận động, công viên và mạng lưới giao thông công cộng.

Những vùng lân cận ở phía nam Seoul - “Gangnam” có nghĩa là “phía nam sông Hàn” - được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án này và nhanh chóng gắn liền với Hàn Quốc mới và giới nhà giàu mới nổi.

Những người phải di dời đã thành lập các khu định cư lấn chiếm ở những khu vực như Guryong.

Guryong rộng khoảng 267.092 m2 và có khoảng 1.100 hộ gia đình. Khu vực này ngày càng nhỏ đi do hỏa hoạn, lũ lụt và các thảm họa khác. Một trận hỏa hoạn vào tháng 1.2023 đã phá hủy khoảng 60 ngôi nhà ở đây.

Chính phủ Hàn Quốc tái phát triển khu vực này trong nhiều năm, nhưng giới chức, cư dân và chủ đất không đồng thuận về các điều khoản.

Và thế là hai thái cực tiếp tục tồn tại song song với nhau.

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/gangnam-a34601.html