Bạn có từng thắc mắc tại sao trong quan hệ tuyển dụng các nhà tuyển dụng và các ứng cử viên đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau nhưng người ứng tuyển lại phải thật sự hạ mình khép nép trước nhà tuyển dụng, dùng từ xin việc,… trở thành bên yếu thế trong quan hệ tìm việc, phần lớn phụ thuộc vào ý chí của nhà tuyển dụng có muốn chọn mình không. Làm sao để nâng cao vị thế của mình trước nhà tuyển dụng? Làm sao để có việc làm đúng chuyên môn khi ra trường? Làm sao để không góp vào một trong những con số thất nghiệp ngoài kia?...Có thể bài viết này sẽ giúp ít rất nhiều cho bạn đó.

  1. Kiến thức:

Kiến thức chuyên môn nền tảng là cái cơ bản nhất không thể thiếu. Đối với các nhà tuyển dụng khi ứng cử viên của mình có một thành tích học tập tốt, xuất sắc thì đương nhiên đã gây được ấn tượng với họ và là tiền đề quan trọng để bạn có được việc làm. Tuy nhiên điều quan trọng hơn họ cần ở bạn là thực lực thật sự, bạn phải giải quyết được vấn đề thực tế xảy ra chứ không phải một bản thành tích ảo để xem chơi. Thành tích và kiến thức bạn có phải đi đôi. Vậy phải làm thế nào để kiến thức thuộc sở hữu của bạn? Sau đây là một số gợi ý các bạn có thể tham khảo:

- Chuẩn bị đầy đủ tài liệu, giáo trình phù hợp trong quá trình học và nhớ đọc nó.

- Thường các buổi học về lý thuyết trên lớp sẽ dễ gây cảm giác nhàm chán, nhưng kinh nghiệm cho thấy các bạn nên tham gia đầy đủ vì có những vấn đề thắc mắc sẽ được giảng viên giải đáp và được bổ sung thêm kiến thức ngoài sách vở, giáo trình. Chỉ cần ghi chú lại sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho bạn khi cần.

- Tất nhiên là chúng ta không thể nhớ hết tất cả kiến thức trong một buổi học nên cần phải xem đi, xem lại khi về nhà là điều rất cần thiết.

- Đối với những điều không hiểu nên mạnh dạn chia sẻ với giảng viên, bạn bè để trao đổi, đảm bảo hiểu đúng vấn đề. Việc nhận ra cái sai của mình cũng là một cách hữu hiệu để nhớ kiến thức.

- Sử dụng Sơ đồ tư duy là một trong những giải pháp hiệu quả để nắm kiến thức một cách rõ ràng, dễ hiểu.

- Tích cực tìm hiểu thêm thông tin từ các nguồn sách báo, internet để cập nhật kịp thời kiến thức mới, quy định mới.

- Luyện tập kĩ năng đọc sách nhanh bằng cách bao quát nội dung vấn đề từ bằng những cụm từ cần thiết.

- Đọc nhiều tình huống trên các tạp chí chuyên ngành và tự tìm cách xử lý đồng thời tham khảo cách xử lý tình huống của người đi trước, có chuyên môn, rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

- Không những phải nắm chắc, nắm vững kiến thức pháp lý, sinh viên cần phải trau dồi khả năng tư duy logic, tư duy khoa học mới có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.

- Đừng để đến phút cuối mới chuẩn bị cho kỳ thi

- Tự tạo môi trường cạnh tranh: Đừng nghĩ mình vào trường chỉ để tốt nghiệp với một tấm bằng, chỉ cần không quá thua kém người khác là chấp nhận được. Nếu chỉ muốn hoà nhập vào đám đông đó, có thể đội ngũ thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm sẽ rất vui lòng chào đón bạn sau khi ra trường. Thay vì vậy hãy đặt cho mình những mục tiêu cao và nỗ lực vì những mục tiêu đó để tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình trong những cuộc đua phía trước nhé.

  1. Kỹ năng:

Kỹ năng là những phương cách giúp bạn thực hiện được công việc một cách dễ dàng hơn. Có người nói rằng: Nếu có 6 giờ để đốn cây thì hãy giành 4 giờ để mài rìu, bạn sẽ chặt được cây trong 2 giờ còn lại một cách nhanh chóng và dễ dàng. Có kỹ năng tốt cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng.

- Tham gia vào các hoạt động thực tế tại khoa, trường.

- Tham gia các buổi tư vấn pháp luật tại các công ty.

- Tham dự các buổi sinh hoạt định kì của các câu lạc bộ chuyên môn.

- Nên tìm các công việc liên quan đến chuyên môn ngành học để làm thêm, có thể là có lương hoặc không lương nhưng có thể tích lũy cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu.

- Tham gia các hoạt động xã hội của Khoa, Trường, các câu lạc bộ.

- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp: hỏi những điều muốn hỏi, mạnh dạn đưa ra ý kiến trong các vấn đề, lựa chọn từ ngữ, thái độ, cử chỉ đúng mực.

- Thường xuyên tham gia các hoạt động nhóm để có kỹ năng làm việc nhóm như lập kế hoạch nhóm, phân chia đầu việc, phối hợp trong các hoạt động.

- Rèn luyện kỹ năng đàm phán, ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề qua các phiên tòa giả định, các buổi thực tập tư vấn luật pháp tại Khoa, Trường.

- Trong quá trình học tập, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng tra cứu thông tin trên các phương tiện sách báo, internet,…

Khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành Luật đóng vai trò quan trọng. Nếu đã quyết định lựa chọn ngành Luật bạn nên xác định cho mình lộ trình học tiếng Anh bằng cách:

- Tập thói quen đọc các tạp chí chuyên ngành Luật viết bằng tiếng Anh. Khi gặp từ vựng một cách lặp đi lặp lại trong các tình huống tự khắc ta sẽ ghi nhớ.

- Tìm kiếm các website, từ điển chuyên ngành để đảm bảo học từ vựng một cách sát sao nhất.

- Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để trao đổi, học hỏi đồng thời luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh.

  1. Thái độ:

Vì sao nhà tuyển dụng lại quan tâm nhiều tới thái độ ứng xử?

Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng hơn cả. “Tiên học lễ, hậu học văn’’ Thái độ quan trọng hơn trình độ.Vì kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc bạn đều có thể trau dồi thêm trong quá trình làm việc của mình.

Con người có thể thay đổi cuộc đời mình bằng cách thay đổi thái độ của mình. Thành công hay thất bại là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ.

Hãy nhớ rằng thái độ của bạn sẽ quyết định cuộc đời của bạn!

BAN TRUYỀN THÔNG ĐOÀN KHOA LUẬT

Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/hoc-luat-can-nhung-gi-a34258.html