Độ tuổi dậy thì của nữ bắt đầu từ khi nào là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến hiện nay? Tuổi mới lớn hay tuổi dậy thì là quá trình phát triển và thay đổi về tâm lý, sinh lý ở một trẻ em trai và gái để trở thành người lớn. Giai đoạn dậy thì ở trẻ em nam và trẻ em gái sẽ có sự khác nhau về biểu hiện.
Khi dậy thì, xương và cơ của trẻ sẽ bắt đầu tăng trưởng, dẫn đến những thay đổi về hình dạng, thể chất và kích thước của cơ thể. Đồng thời, thể hiện hệ thống sinh sản nữ đã phát triển và hoàn thiện. Khá khó khăn để đưa ra đáp án chính xác cho vấn đề “Tuổi dậy thì của nữ là bao nhiêu", thông thường, các trẻ em gái có độ tuổi dậy thì dao động từ 9 - 14 tuổi. Tuy nhiên, có rất nhiều bé gái hiện nay dậy thì sớm (trước 8 tuổi) do bị ảnh hưởng từ chế độ ăn uống, môi trường,...
Độ tuổi nữ giới dậy thì dao động từ 9 - 14 tuổi
Ngoài việc cần nắm rõ độ tuổi dậy thì của nữ là khi nào, thì các bạn gái cũng nên biết thêm các biểu hiệu về cơ thể khi dậy thì như:
Các bé gái sẽ trở nên phổng phao hơn khi bước vào tuổi mới lớn, lớp mỡ dưới da phát triển dày lên khiến cơ thể nữ tính và trông mềm mại hơn. Bên cạnh đó, những đường nét trên cơ thể cũng thể hiện rõ ràng hơn.
Khung xương ở vùng chậu của trẻ em gái trong độ tuổi dậy thì cũng có kích thước lớn hơn, rộng và tròn hơn. Điều này biểu hiện cho việc nữ giới đã chuẩn bị sẵn sàng để mang thai và sinh đẻ.
Nữ giới có biểu hiện núi đồi dần nhú cao lên, bầu ngực ngày càng to ra và đầy đặn, quầng vú sẫm màu và to hơn. Bên cạnh đó, các bé gái cũng nhận thấy bầu ngực so với lúc trước nhạy cảm hơn và đôi lúc có dấu hiệu đau tức.
Bé gái sẽ phát triển núi đôi khi bắt đầu dậy thì
Biểu hiện này rõ ràng bằng việc trên cơ thể các bé gái xuất hiện nhiều mụn, nhất là vùng mặt và lưng,…
Một đặc trưng dễ nhận biết trong độ tuổi dậy thì nữ là lông dần mọc ở vùng mu, nách,... Thường khá thưa thớt và nhạt mùa khi lông mới xuất hiện tại các vùng này, sau đó sẽ trở nên đậm màu và rậm rạp hơn.
Các bộ phận sinh dục nữ như: âm đạo, môi bé, môi lớn,… đều có kích thước lớn hơn và phát triển một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, âm đạo của trẻ em gái cũng dần rộng hơn.
Đây là biểu hiện điển hình cho thấy một người phụ nữ đã sẵn sàng cho quá trình thụ thai và sinh con, vì các cơ quan và hệ thống sinh sản đã hoàn thiện.
Kinh nguyệt thường bắt đầu ở độ tuổi dậy thì của nữ từ 12 - 14, tuy nhiên trong một vài trường hợp nó có thể xuất hiện sớm hoặc trễ hơn. Chu kỳ hành kinh ở nữ thường kéo dài trung bình từ 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, chu kỳ kinh của bạn trong giai đoạn đầu, có thể không đều. Đôi lúc, trong 1 tháng có kinh 2 lần hoặc có tháng kỳ kinh không đến.
Trẻ em gái sẽ mất từ 2 - 3 năm để cơ thể có được chu kỳ hành kinh đều đặn sau lần có kinh đầu tiên. Cần lưu ý rằng, kinh nguyệt không xuất hiện sau một thời gian dài có thể là biểu hiện của việc mang thai nếu bạn đã quan hệ tình dục trước đó.
Tốt nhất là các bé gái nên chuẩn bị chu đáo trước khi kỳ kinh nguyệt xảy đến. Có thể chuẩn bị sẵn ở nhà băng vệ sinh và mang chúng theo đến trường học để tránh tình trạng có kinh đến bất ngờ.
Cách dùng BVS trong kỳ kinh khá đơn giản:
BVS được dùng để dán vào mặt trong quần lót. Chúng sẽ có công dụng hấp thụ máu kinh chảy ra từ âm đạo.
Các bạn nữ cần thay mới BVS ít nhất từ 4 - 8 giờ một lần. Vào ngày đầu tiên của chu kỳ, bạn nên thường xuyên thay chúng hơn vì lượng máu kinh sẽ chảy ra nhiều hơn.
Băng vệ sinh được dán vào mặt trong quần lót
Một số bạn gái có thể bị chuột rút, đau lưng và đau vùng bụng dưới khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Những người khác có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc tiêu chảy. Bạn hãy áp dụng những cách sau để giảm khó chịu:
Uống paracetamol hoặc uống thuốc ibuprofen (trừ khi bị hen suyễn nặng hoặc bị dị ứng với aspirin). Tuy nhiên, các bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc để đảm bảo an toàn.
Tập thể thao.
Đắp khăn ấm lên lưng hoặc bụng dưới.
Bên cạnh đó, các trẻ em gái cần nói với cha mẹ hoặc đi khám bác sĩ nếu xuất hiện các vấn đề sau đây với kỳ kinh:
Chưa có kinh dù đã 15 tuổi.
Chu kỳ kinh ngưng hoạt động dù trước đó xuất hiện đều đặn mỗi tháng.
Kinh nguyệt đến muộn hoặc sớm hơn so với bình thường.
Khoảng cách giữa 2 kỳ kinh nhiều hơn 90 ngày.
Kinh nguyệt kéo dài nhiều hơn 7 ngày.
Âm đạo chảy nhiều máu kinh đến nỗi phải thường xuyên thay bằng vệ sinh, 1 - 2 giờ phải thay một lần.
Không hoạt động như bình thường được do bị chuột rút nặng.
Sự xuất hiện của các mụn trứng cá là do các tuyến trên da hoạt động quá mức. Các tuyến này tạo ra bã nhờn - một loại dầu tự nhiên. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, lỗ chân lông trên da của bé gái có thể bị tắc nghẽn do các tuyến này tạo ra quá nhiều bã nhờn, từ đó gây ra mụn.
Các tuyến bã nhờn phát triển khi dậy thì khiến bé gái nổi mụn
Thường xuyên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ hoặc nước để rửa mặt nhằm loại bỏ hiệu quả bã nhờn. Việc làm này sẽ giúp tình trạng mụn trứng cá và mụn bọc được cải thiện. Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng hoặc làm khô da và không nên chà sát mạnh trên da. Bạn có thể dùng thuốc điều trị nếu quá lo lắng khi mụn nổi trên mặt.
Khi bé gái bước vào tuổi dậy thì là thời điểm khá nhạy cảm, do đó các mẹ nên theo dõi các biểu hiện về thể chất và bên ngoài của bé. Từ đó, đánh giá tình trạng bé dậy thì có thành công không, có muộn không và có bất thường không.
Trẻ nhỏ rất dễ mắc phải hội chứng khủng hoảng tuổi vị thành niên. Nếu không được sự điều chỉnh và quan tâm của cha mẹ, trẻ dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi, ăn uống. Thậm chí dùng rượu bia, hút thuốc lá hoặc chất kích thích để giải quyết tâm sinh lý bất ổn.
Nguy cơ mắc bệnh có thể diễn ra ở trẻ nhỏ chứ không chỉ người lớn. Do đó, phụ huynh nên đưa bé đi khám sức khỏe hàng năm để sớm phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.
Trên đây là những chia sẻ giúp các bạn gái trả lời vấn đề "Độ tuổi dậy thì của nữ là bao nhiêu?" cũng như các biểu hiện dậy thì không nên bỏ qua. Nếu có bất kỳ vấn đề nào trong quá trình dậy thì, phụ huynh hãy đưa con đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được kiểm tra và thăm khám. Để đặt lịch khám trước, Quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của bệnh viện.
Link nội dung: https://caohockinhte.edu.vn/tui-dy-th-ca-n-gii-l-khi-no-biu-hin-ra-sao-medlatec-a32143.html