1. Mô tả
- Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 2m. Thân hình trụ, có lông dài và nháp.
- Lá mọc so le, hình tim, chia 5 thùy hẹp, hai mặt có lông dài áp sát, nháp, mép khía răng to, gân chính 5 nổi rõ ở mặt dưới; lá kèm hình chỉ, có lông.
- Hoa mọc ở kẽ lá, màu vàng, ở phần giữa màu đỏ; tiểu đài có 8 - 10 phiến mảnh, đầu nhọn, giống lá kèm; đài hình mo có răng; tràng 5 cánh; nhị nhiều dính với nhau thành cột; bầu có lông.
- Quả hình thoi, dài 10 - 20cm. Mùa hoa quả: tháng 5-7.
2. Phân bố, sinh thái
Chi Abelmoschus Medikus có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, song loài mướp tây đang được trồng hiện nay chưa được biết chính xác xuất xứ của nó ở khu vực nào. Khi nghiên cứu bộ nhiễm sắc thể của mướp tây, có người giả thiết rằng, với thể lưỡng bội kép (2n = 130), cây có liên quan chặt chẽ đến hai loài: A. tuberculatus Pal et Singh (2n = 58) hiện còn mọc hoang dại ở Ấn Độ và một loài khác chưa biết rõ ràng, có bộ nhiễm sắc thể 2n = 72 (J. s. Siemonsma, 1994).
Ngày nay, mướp tây được trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới để lấy quả non làm rau ăn. Nơi trồng nhiều nhất là Ấn Độ, Tây Phi, Braxin, Philippin, Malaysia, Thái Lan, Indonexia, Papua New Guinea.
- Mướp tây là loại rau ăn tương đối quan trọng ở các nước Đông Nam Á. Tổng sản lượng mướp tày hàng năm trên thế giới ước tính là 5 - 6 triệu tấn (quả xanh).
- Ở Việt Nam, cây được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Ngay từ đầu những năm 70, mướp tây được Viện Cây lương thực và Thực phẩm trồng ở một số địa phương như Hài Dương, Hưng Yên, Tam Đảo, ngoại thành Hà Nội… song về diện tích cũng như sản lượng nhìn chung không đáng kể.
3. Bộ phận dùng
Quả non, quả già, hạt và rễ dùng tươi hay phơi, sấy khô.
4. Thành phần hóa học
- Quả non chứa 4 đến 16% chất hydrat cacbon gồm chủ yếu tinh bột và đường, ngoài ra còn rất nhiều chất nhầy.
- Hạt chứa 15 đến 22% chất dầu béo lỏng, màu vàng xanh lục, mùi thơm, thành phần chủ yếu của dầu là panmitin và setearin. Khô dầu rất nhiều protein dùng làm thức ăn cho gia súc.
- Rễ và lá chứa chất nhầy.
5. Tác dụng dược lý
Dịch nhầy từ một số loài của chi Abelmoschus có hoạt tính kháng bổ thể và hạ đường máu trên thực nghiệm.
6. Công dụng
Quả mướp tây non được dùng nấu ăn. Chất nhầy khi nấu quả thái mỏng có vị hơi chua, mát, thường dùng trong trường hợp viêm đường tiểu tiện, tiểu tiện khó khăn.
- Rễ và lá thái mỏng phơi khô là thuốc chữa ho, viêm họng. Ngày uống 10- 16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, và còn dùng súc miệng.
- Hạt chín phơi khô rang, pha uống như cà phê.
Ở Nepal, rễ mướp tây được giã nhuyễn cùng với một cây thuốc khác và đắp quanh chân bị gẫy của gia súc, bên ngoài bọc một mảnh vải. Sau 3-4 tuần, dùng nuớc ấm để rửa bỏ thuốc đắp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp