Há miệng bị đau hàm, không há to miệng được, gặp khó khăn trong việc ăn uống hay thậm chí là bị thức giấc trong đêm do một cử động há miệng nhẹ cũng dẫn đến đau nhức hàm… đây có thể là dấu hiệu về một tình trạng bệnh lý răng miệng nghiêm trọng. Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân và biện pháp cải thiện tình trạng khi há miệng ra bị đau hàm, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Thế nào là bị đau hàm?
Hàm là bộ phận được cấu tạo bởi cơ hàm, răng và khớp thái dương trái, phải. Sự liên kết giữa các bộ phận này giúp hai hàm răng khớp với nhau và thực hiện được những cử động nhai và giao tiếp dễ dàng.
Xương hàm đóng vai trò quan trọng trong vấn đề ăn uống cũng như giao tiếp. Chính vì thế, khi có những tổn thương ở vùng này sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Đau xương hàm là tình trạng đau nhức, khó chịu tại vùng hàm, các cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột và tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cảm giác đau ở xương hàm thường kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hay thậm chí là diễn ra nghiêm trọng hơn, đau lan đến phần tai, đầu, mặt. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài có thể làm giảm sút chức năng xương hàm, khó khăn trong việc cử động hàm để nhai, ăn uống hay giao tiếp.
Triệu chứng cụ thể khi há miệng ra bị đau hàm sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên một số triệu chứng chung có thể kể đến như:
- Đau mặt khi há miệng, mặt bị sưng, căng thẳng dây thần kinh;
- Ù tai xảy ra đồng thời với cơn đau hàm;
- Đau đầu, đau mắt, bị thay đổi thị lực;
- Chán ăn do đau, khó mở miệng để ăn uống và nhai;
- Khi mở miệng hay nhai đều nghe tiếng;
- Cứng khít hàm, há miệng có thể gây lệch hàm;
- Nổi hạch, đau nhức hạch ở vùng cổ. Đây là tình trạng nguy hiểm nhất của viêm khớp thái dương hàm.
Nếu tình trạng bệnh không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến giãn khớp, trật khớp, phá hủy đầu xương, xơ cứng khớp… khiến người bệnh không thể mở miệng được.
Nguyên nhân khi há miệng ra bị đau hàm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng há miệng ra bị đau hàm. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
Tổn thương do tai nạn
Những tai nạn như té ngã, tai nạn xe, va đập trúng hàm… gây ra những tổn thương đến phần xương hàm hoặc do há miệng quá rộng một cách đột ngột dẫn đến trật khớp cắn, sái quai hàm, trật khớp thái dương hàm gây ra đau đớn khi cử động miệng.
Do stress, căng thẳng
Những căng thẳng, áp lực, mệt mỏi từ cuộc sống, công việc hàng ngày khiến cho bạn có xu hướng căng cứng nhiều nhóm cơ, trong đó có nhóm cơ hàm. Chính vì thế đây cũng có thể gây ra những tổn thương đối với vùng xương hàm.
Sai tư thế khi ngủ
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau hàm khi mở miệng, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Khi nằm nghiêng hay ngủ chèn tay… trong khoảng thời gian dài có thể gây tăng áp lực lên phần xương hàm, lâu dần khiến phần xương hàm bị lệch và dẫn đến triệu chứng đau hàm.
Nghiến răng khi ngủ
Nhiều người mắc thói quen nghiến răng khi ngủ, đặc biệt những lúc căng thẳng, mệt mỏi thì tần suất nghiến răng diễn ra nhiều hơn. Đây là một thói quen xấu dẫn đến hiện tượng đau xương hàm.
Răng khôn mọc lệch
Nhiều trường hợp răng khôn mọc lệch gây sưng nướu, có xu hướng đâm vào các răng bên cạnh gây cảm giác đau đớn cho hàm, viêm nhiễm, hư chân răng…
Nhổ răng
Nhổ răng khiến vùng xương hàm gần tai bị đau do ảnh hưởng của những dây thần kinh xung quanh, đặc biệt là khi nhổ răng số 7 và 8.