"Gói trừng phạt thứ 14 sẽ không đạt được mục tiêu và sẽ là một hành động thù địch khác nhằm vào Nga", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bình luận trên Telegram hôm 26/6.
"Chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này. Nhưng chúng tôi sẽ không chỉ tha thứ và quên đi, mà chúng tôi còn có một trí nhớ tốt. Chúng tôi sẽ đáp trả ý định làm hại người dân của chúng tôi. Các hình thức trừng phạt luôn đánh vào người dân và doanh nghiệp, chứ không phải chính quyền", ông Medvedev tuyên bố.
"Chúng tôi sẽ ghi nhớ kỹ lưỡng từng trường hợp tấn công vào lợi ích của chúng tôi và trong thời gian rất ngắn sẽ đưa ra phản ứng - không chỉ về kinh tế - đối với các quốc gia thù địch. Họ sẽ phải trả giá đắt", cựu tổng thống Nga nhấn mạnh.
Cảnh báo của quan chức Nga được đưa ra một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 14 đối với Nga, đặc biệt nhắm vào hoạt động xuất khẩu khí đốt của nước này.
Theo thông cáo báo chí của Hội đồng EU, danh sách trừng phạt mới bổ sung thêm 69 cá nhân và 47 thực thể "chịu trách nhiệm về các hành động phá hoại hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine".
Theo một tuyên bố do hội đồng đưa ra, các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các lĩnh vực có giá trị cao của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, tài chính và thương mại.
Các lệnh trừng phạt lần này nhắm mục tiêu trực tiếp vào ngành khí đốt của Nga, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Lệnh trừng phạt mới sẽ cản trở việc trung chuyển LNG của Nga từ các cảng EU, cũng như việc mua "LNG của Nga thông qua các kho cảng EU không được kết nối với hệ thống khí đốt tự nhiên".
Các điều khoản cũng nêu chi tiết rằng, Thụy Điển và Phần Lan được phép hủy một số hợp đồng LNG của Nga. Gasum, một nhà cung cấp khí đốt của Phần Lan, hôm 25/6 cho biết họ sẽ ngừng nhập khẩu LNG của Nga vào tháng 7, đồng thời tuyên bố: "Gasum tuân thủ mọi lệnh trừng phạt do EU áp đặt và sẽ không mua hoặc nhập khẩu LNG của Nga kể từ ngày 26/7".
Gói trừng phạt mới cũng nêu rõ rằng "EU sẽ cấm các khoản đầu tư mới cũng như cung cấp vật tư, công nghệ và dịch vụ để hoàn thành các dự án LNG đang được xây dựng, như Arctic LNG 2 và Murmansk LNG".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga kiên quyết phản đối gói trừng phạt được Liên minh châu Âu thông qua gần đây và coi chúng là bất hợp pháp.
"Chúng tôi tin rằng đây là con dao hai lưỡi và về nhiều mặt, những lệnh trừng phạt này sẽ phản tác dụng đối với lợi ích của chính các quốc gia thực hiện chúng", ông Peskov nói thêm.
Ông khẳng định Moscow có đủ kinh nghiệm trong việc giảm thiểu tác động của những biện pháp trừng phạt như vậy.
Mỹ đã trừng phạt hơn 4.000 cá nhân và công ty Nga kể từ tháng 2/2022, khi xung đột Ukraine bắt đầu nổ ra. Liên minh châu Âu, Anh, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Nga.