Có phải, đang có một cái gì đó tồn tại biệt lập bên ngoài sự vận hành vũ trụ, và đang trở thành tâm điểm cho mọi tiến trình đang phải hướng đến của cái thế giới này? Không ai trả lời được, nhưng hầu như ai cũng cảm nghiệm được nó cách mãnh liệt.
Dẫn nhập
Tôn giáo là một hiện tượng hấp dẫn song cũng đầy bí ẩn nhất trong đời sống của con người và xã hội. Ảnh hưởng của tôn giáo không chỉ trên bình diện cá nhân hay một nhóm người riêng biệt nào đó, nhưng trải dài và trải rộng trên hầu hết các lãnh vực và hoạt động xã hội của loài người. Đã có biết bao giấy mực bàn về đề tài tôn giáo nhưng sâu thẳm nơi tự bản chất của tôn giáo thì nó luôn hàm chứa một sự mới mẻ lạ thường. Vẻ đẹp vừa tân cổ vừa lạ thường của tôn giáo như là mối dây liên kết hoàn hảo giúp con người thỏa khát khao tìm về nguồn Chân -Thiện - Mỹ. Vậy mối dây nối kết là gì? Liệu mối dây liên kết ấy có còn tồn tại trong cuộc sống hiện đại của xã hội hôm nay? Với những thắc mắc trên, bài viết xin được tìm hiểu và đào sâu dựa vào định nghĩa tôn giáo là mối dây nối kết qua tư tưởng của Lactance nhà hộ giáo ở thế kỷ thứ III trong tác phẩm Divinae Institutiones.
Bài viết gồm hai phần: sau phần trình bày tôn giáo như là mối dây nối kết theo quan niệm của Lactance, phần thứ II người viết đưa ra một vài suy tư và nhận định.
1. Mối dây liên kết
Thi hào Hy lạp Ciceron quan niệm về tôn giáo “Con người tôn giáo là kẻ xem coi lại và đọc lại cái gì liên hệ với sự phụng thờ Thiên Chúa”. Theo nghĩa đó, tôn giáo phát xuất bởi từ ngữ “đọc lại”- re-legere (đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm). Điều đó lệ thuộc vào sự phụng thờ Thiên Chúa theo như sách châm ngôn có viết “Trong mọi nẻo đường ngươi đi hãy nhớ sự phụng thờ Thiên Chúa” (Cn 3,6). Bên cạnh đó, ta cũng có thể hiểu tôn giáo là sự chọn lựa lại (re-eligere). Bởi chính Thiên Chúa là sự thiện tối cao đã bị bỏ rơi do những sự thờ ơ lãnh đạm của chúng ta như lời thánh Augustino đã nhắc đến (De Civ. Dei 10,3). Ngoài ra, dưới góc nhìn của Lactance, ông còn làm nổi bật lên mối tương quan chặt chẽ giữa Religio và Religare (nối kết, trói buộc). Từ ngữ này được rút ra từ mối dây đạo đức. Vì vậy, tôn giáo bao hàm sự nối kết chặt chẽ với toàn bộ nghi lễ, tín ngưỡng, bổn phận linh thánh. Một cách sâu xa hơn, tôn giáo chính là mối dây nối kết các trách vụ thiết yếu của đời người và kết chặt con người với các thần linh.
Tuy nhiên, khi nhắc đến sự “nối kết” ta nghĩ ngay đến phải có ít nhất một chủ thể và một đối tượng. Vậy làm cách nào và với cách thức ra sao để Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt, và con người là thụ tạo thấp hèn lại có thể nối kết với nhau cách bền chặt được? Từ đó cho thấy, ý tưởng nối kết mang ý nghĩa quyết định giúp con người tiến sâu hơn vào chiều kích tâm linh. Tôn giáo là một sự nối kết sẽ giải đáp thắc mắc ấy qua hai chiều kích từ trên ân ban xuống và từ dưới khát khao, thờ phượng lên trên.
1.1 Nối kết theo chiều kích từ trên xuống
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ Hòa bình công lý đã giao duyên Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp Công lý nhìn xuống tự trời cao (Tv 84, 11-12)
Vậy phải hiểu nối kết từ trên xuống như thế nào? Phần nào, lời của Vịnh gia đã khái quát cho chúng ta biết một phần nào ý nghĩa của sự nhìn xuống, sự ghé mắt trông của Thiên Chúa dành cho Dân của Ngài. Xét theo góc nhìn của con người, sự nối kết từ trên xuống cho ta nhận ra được sức mạnh và uy quyền, tấm lòng khiêm nhường từ người trên dành cho người dưới.
Thế nên, tiên vàn sự nối kết này khởi đi từ ý định yêu thương ban đầu của chính Thiên Chúa. Người đã có sáng kiến tuyệt vời, Người ngỏ lời với con người “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời là trung gian của Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại (Dt 9, 15). Giao ước này vượt trên giao ước cũ, nhờ Lời mà từ đây con người được đến gần Thiên Chúa (Dt 7,25). Lời chính là mối dây Thiên Chúa đã dùng Giao Ước để đặt để giữa Ngài và dân của Ngài “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng…Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (x. Gr 31, 31-33)
Như định nghĩa “nối kết” trong từ điển Tiếng Việt là làm nối liền lại, làm cho gắn với nhau chặt chẽ. Thiên chúa vẫn ngày ngày chờ đợi và đón nhận chúng ta chỉ có chúng ta không kiên nhẫn đi tìm chính Ngài[1]. Chính Thiên Chúa cứ khắc khoải và tìm kiếm con người “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16)
Trong sách Sáng Thế Ký, chính Thiên Chúa đã thiết lập mối tương quan với chính nhân loại khi Ngài thổi hơi ban chính sự sống, tình yêu và thiết lập tương quan với con người như chính Ngài vậy (St 2, 8) “Hiệp thông giữa loài người với nhau mà ngài ban cho họ hiệp thông với ngài” (1Ga 1,3).
Lần dở lại lịch sử cứu độ, ta nhận ta được khuôn mặt của một vị Thiên Chúa luôn sẵn sàng đi bước trước, luôn hướng dẫn giúp con người biết cách nối kết với chính Thiên Chúa là nguồn của Chân-Thiện-Mỹ. Bên cạnh đó tôn giáo cũng trở thành mối dây nối kết con người với Thiên Chúa.
1.2 Sự nối kết theo chiều kích từ dưới lên trên
Cấu trúc của kinh nghiệm con người chứa đựng nhiều dạng thức của sự vươn lên. Chúng ta vươn lên cho một hay nhiều ý nghĩa, cho một đời sống đầy tràn hơn hay đôi khi cho những mối liên hệ sâu xa hơn. Vậy, những khát khao này sẽ dẫn đưa nhân loại đi đến đâu? Câu trả lời và câu hỏi cứ cứ liên tục được đưa ra cho đến lúc nó chạm ngõ đến Đấng Siêu Việt chính là Thiên Chúa. Sự tìm kiếm sự thật tuyệt đối của chúng ta mang chúng ta vượt lên trên những khoa học của chúng ta, hướng chúng ta đến ánh sáng, một thứ ánh sáng đổ tràn đầy sự hiểu biết. Vì thế, ước mong về Thượng Đế vốn sẵn nằm chực chờ trong huyết quản của mỗi người. Càng nối kết với Thiên Chúa con người lại càng biết nhìn lại phản tỉnh trong cuộc sống hơn.
Bên cạnh đó, con người càng có cơ hội nhận ra căn tính của mình và họ không ngừng tự hỏi:
“Ô hay, cuộc sống như vầy hả? Ngó trước trông sau bóng hỏi hình Một kiếp phù du, vờ ấy xác Trăm khoanh huyễn hoặc, giả là danh[2].
Quả thế, như Công đồng Vaticano II đã quả quyết chính các tôn giáo cống hiến cho con người “Các giải đáp về những huyền nhiệm tiềm ẩn nơi thân phận con người, những huyền nhiệm từng làm cho tâm hồn con người phải xao xuyến sâu xa: con người là ai? Đời sống con người có mục đích và ý nghĩa nào? Thiện và ác là gì? Đâu là nguyên nhân và mục đích của khổ đau? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Cuối cùng, đâu là ý nghĩa của huyền nhiệm tối hậu và sâu thẳm bao trùm cuộc sống chúng ta, chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu”[3]. Vì chưng, khát khao được nối kết với Thiên Chúa vốn khắc ghi vào trong lòng của mỗi người “Hỡi Thiên Chúa, Người đã tạo ra chúng con vì Người, và lòng chúng con luôn lo âu không yên chừng nào khi lòng chúng con chưa tìm được sự an bình nghỉ ngơi nơi Người” (Augustino).
Vì thế, dù cho ai đó cho rằng “Tôn giáo là một tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức” nhờ tôn giáo là mối dây nối kết con người với Thiên Chúa nên tôn giáo vẫn là nơi con người tìm được lẽ sống và cứu cánh cho cuộc đời. Trong tôn giáo, con người tìm được nơi gửi gắm những ước mơ, hoài bão, niềm tin tưởng và thỏa mãn khát vọng tâm linh trong sâu thẳm. Tôn giáo đưa con người trở về với tận đáy lòng mình để đạt được cội rễ của thế giới.
2. Nhận định và phê bình.
Qua một vài nét sơ lược trên đây ta thấy tại sao những nỗi chật vật khốn cùng của cơm áo gạo tiền cũng là nhu cầu thiết yếu của sự sống còn, nhưng cũng không làm con người phải khắc khoải cho bằng nỗi khao khát đi tìm một chiều sâu ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình nơi cuộc đời này. Ta thấy đời sống tôn giáo chính là điều cốt thiết của con người. Chính trong những hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng, buồn chán, trống rỗng “Người đi phiêu du từ đó không thấy về quê nhà…”[4]. Thực thế, chính lời giải đáp của tôn giáo đã lấp đầy những sự trống rỗng và thất vọng của con người ở mọi thời đại. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ lời thú nhận thời danh của Thánh Augustino, được trích dẫn vào ngày lễ kính thánh nhân (28 tháng 8): “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp của ngàn xưa, là vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới, con đã yêu Ngài, đã yêu Ngài quá muộn”.
Chính tôn giáo là một mối dây nối kết Thiên Chúa với con người và chính khao khát thâm sâu của cõi lòng thúc đẩy con người tìm kiếm để nối kết với Thiên Chúa. Và trong tôn giáo, khi con người cử hành các hành vi phụng thờ, đó là lúc mối dây liên kết đưa người với người xích lại với nhau. Vì cuộc đời là một mầu nhiệm để sống chứ không phải một vấn đề để giải quyết. Nên tôn giáo đã giúp cho con người biết nối kết các thực tại của trần thế này với sự hiệp thông trên thiên quốc. Vì thực tế, các tôn giáo đều vì con người và cho hạnh phúc của con người. Nếu tôn giáo nào đi ngược lại với vấn đề hạnh phúc của nhân sinh, cản trở bước tiến của con người và xã hội chắc chắn tôn giáo đó không có lý do để tồn tại.
Tạm kết
Nhìn lại quan niệm của Lactance về hiện tượng tôn giáo là mối dây nối kết, chúng ta cũng có thể coi là đây một phản tỉnh cho đời sống đức tin của người Kitô hữu trong thế giới ngày nay. Chính tôn giáo là một sợi dây liên kết giữa Thiên Chúa với con người, và với con người lại càng diễm phúc được nối kết với Thiên Chúa qua chính sự khát khao đi tìm lẽ sống với các hình thức phụng thờ có ý thức. Hơn thế nữa, giống như mối dây liên kết vô hình, tôn giáo còn là một sự chọn lại hay tôn giáo còn là một sự suy chiêm ngay trong những dấu chỉ của thời đại hôm nay. Hãy để tôn giáo thực sự trở thành một sức sống mới một quả tim mới trong thời đại hôm nay.
Nt. Anna Vũ Thị Trúc Quỳnh
[1] Phanxico, Tông Huấn Niềm Vui Và Tin Mừng, số 3. [2] Giản chi, Bóng lại hỏi hình trích trong “Xuân này, học giả Giản Chi tròn trăm tuổi”, Trần Hữu Tá, tại: https://tuoitre.vn/xuan-nay-hoc-gia-gian-chi-tron-tram-tuoi-18132.htm, ngày truy cập: 22/04/2018. [3] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn thời đại chúng ta, số 1. [4] Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bài hát Vết Lăn Trầm.