Clip nữ sinh THCS, vai đeo khăn quàng đỏ chủ động hôn bạn trai trên lớp mới đây khiến dư luận một lần nữa bày tỏ những lo ngại về tình trạng học sinh yêu sớm tại Việt Nam.
Tuy mới chỉ dừng lại ở cảnh hôn nhau công khai trước mặt bạn bè nhưng nhiều người lo ngại nếu không được hướng dẫn kịp thời, các em sẽ dễ bị sa đà và đi lạc hướng.
Vụ việc trên khiến ta nhớ lại hàng loạt bài học như học sinh làm mẹ bất đắc dĩ khi đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, nghỉ học vì mang thai...
Một con số nghiên cứu về thực trạng tình dục học đường ở Việt Nam gây xôn xao dư luận đã được TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lí học trẻ em và vị thành niên, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố.
Theo số liệu khảo sát và công bố năm 2018, đến hết lớp 9, khoảng 10% học sinh được khảo sát đã từng quan hệ tình dục, hết lớp 12 thì con số này là 39%, 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên. Những số liệu nghiên cứu trên được chọn mẫu tại một số trường ở nội và ngoại thành Hà Nội.
Trong số học sinh THPT thừa nhận từng có quan hệ tình dục thì có đến 29,5% các em nam cho biết không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất; và chỉ có 8% các em học sinh nữ nói rằng mình có sử dụng ít nhất một hình thức “phòng tránh thai” nào đó. Các hình thức này bao gồm nhiều hình thức không khoa học như uống nước chanh; quan hệ đứng và vệ sinh vùng kín ngay sau khi quan hệ bằng chanh.
Đáng nói, khoảng 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên, khoảng 15% các em có sử dụng các chất kích thích (gồm cả rượu, các dạng ma túy) trong lần quan hệ gần nhất (cụ thể là trong các hoạt động sự kiện chung của lớp, của trường).
Với diễn biến hiện tại, nhiều người cho rằng, những số liệu khảo sát trên còn tăng lên rất nhiều.
Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, tỉ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên ngày càng tăng; tuổi quan hệ tình dục lần đầu ngày càng giảm, có những trường hợp sau khi bị phát tán hình ảnh hay clip trên mạng đã gặp sang chấn tâm lí dẫn tới hành vi tự tử.
Để giảm thiểu những hệ quả không mong muốn, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, gia đình, nhà trường và xã hội trước tiên cần phải thay đổi với những suy nghĩ sai lầm của bản thân về việc giáo dục giới tính, tình dục cho các em.
Gia đình và nhà trường với sự chung tay của cộng đồng xã hội để giáo dục cho các em ý thức về tình bạn - tình yêu - tình dục. Không cần quá lo lắng về việc chúng ta không phải là chuyên gia. Chính thái độ quan tâm, tin tưởng và định hướng giá trị của gia đình và nhà trường sẽ là những “bộ thắng” cho trẻ mỗi khi dự định đi quá đà.