Vết thương tâm lý gây ra các tổn thương tâm lý. Do đó các tổn thương này cần được quan tâm và chữa trị một cách nghiêm túc, tương tự như vết thương trên cơ thể. Mặc dù không thể nhìn thấy được nhưng vết thương tâm lý có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người. Cùng Long Châu tìm hiểu cách chữa lành vết thương tâm lý nhé!
Chữa lành vết thương tâm lý là gì?
Chữa lành vết thương tâm lý là quá trình thừa nhận, cho phép, chấp nhận, hòa nhập và xử lý những trải nghiệm đau đớn trong cuộc sống. Quá trình chữa lành này có thể liên quan đến sự đồng cảm, điều chỉnh, chấp nhận, chánh niệm và hòa nhập.
Chữa lành vết thương tâm lý thật sự là một hành trình cá nhân sâu sắc, mà ở đó mỗi cá nhân phải đối mặt với nỗi đau đã ăn sâu vào tim. Đó là một hành động dũng cảm tự khám phá, nơi chúng ta đào sâu vào chiều sâu cảm xúc của mình và tìm cách chăm sóc tâm hồn bị tổn thương của mình.
Quá trình biến đổi này đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận sự dễ bị tổn thương và thừa nhận những vết sẹo đã hình thành. Vì chính nhờ sự thừa nhận này mà quá trình chữa lành thực sự có thể bắt đầu.
Sau khi bạn trải qua điều gì đó đau đớn, khó khăn, chấn thương hoặc thay đổi cuộc sống, điều cần thiết là phải tìm cách chữa lành vết thương tâm lý cũng như thể chất của bạn. Quá trình chữa lành vết thương tâm lý cần có thời gian và mỗi người sẽ có biểu hiện khác nhau.
Các sự kiện căng thẳng thường có thể dẫn đến chấn thương tinh thần, đôi khi có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Tuy nhiên, các lựa chọn điều trị khác nhau, bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi và thay đổi lối sống, có thể giúp hỗ trợ chữa lành cảm xúc. Các biện pháp tự chữa lành cũng có hiệu quả tương tự. Tuy nhiên điều cần thiết nhất là sự nỗ lực của mỗi cá nhân để có hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân gây ra các vết thương tâm lý
Những trải nghiệm đau đớn trong cuộc sống, chẳng hạn như ly hôn, lạm dụng, mất việc,... có thể kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc cũng như sức khỏe tinh thần. Ngay cả một sự kiện chỉ xảy ra một lần, như tai nạn ô tô hoặc chấn thương khi chơi thể thao, cũng có thể gây ra chấn thương tâm lý nghiêm trọng, lo lắng, căng thẳng hoặc nhiều cảm xúc khó hiểu khác.
Các nguyên nhân có thể gây ra vết thương tâm lý bao gồm:
- Trải qua một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc trải qua cuộc đại phẫu quan trọng.
- Trải nghiệm cái chết của người thân.
- Bị thương do bị tấn công vật lý.
- Sống trong khu vực có tỷ lệ tội phạm cao.
- Sống sót qua thảm họa thiên nhiên.
- Chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc.
- Sống sót sau một mối quan hệ bị lạm dụng.
Trải qua chấn thương tâm lý có thể khiến bạn đau khổ tột độ về mặt tinh thần. Ngay cả khi sự kiện đau buồn này xảy ra cách đây một thời gian thì vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn trong nhiều năm nếu không tìm cách chữa lành vết thương tâm lý. Một số sự kiện nhất định có thể gây ra nhiều cảm xúc đau khổ hơn theo thời gian nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Cách chữa lành vết thương tâm lý
Học cách chữa lành vết thương tâm lý để mở ra tiềm năng cho sự biến đổi và phát triển sâu sắc bên trong bản thân. Quá trình chữa lành vết thương tâm lý diễn ra thông qua một loạt các giai đoạn biến đổi, mỗi giai đoạn đều có vẻ đẹp và thách thức riêng.
Học cách chấp nhận
Trong giai đoạn đầu tiên này, hãy dũng cảm thừa nhận và chấp nhận nỗi đau tinh thần đang mang trong mình. Chúng ta can đảm đối mặt với sự thật về cảm xúc của mình, cho phép bản thân trải nghiệm trọn vẹn nỗi đau này. Đó là thời điểm quan trọng của sự tự nhận thức, nơi chúng ta bắt đầu nhận ra tác động của cảm xúc đối với cuộc sống của mình.
Giải phóng cảm xúc
Ở giai đoạn này chúng ta đi sâu vào nguồn cảm xúc của mình, cho phép bản thân thể hiện chúng theo những cách lành mạnh và thanh lọc. Thông qua nước mắt, viết lách, trò chuyện hoặc những cách sáng tạo khác. Chúng ta nhẹ nhàng gỡ bỏ những nút thắt bên trong, giải phóng bản thân khỏi sự kìm kẹp của cảm xúc tiêu cực.
Học cách tha thứ
Trong giai đoạn thứ ba, trau dồi lòng từ bi với bản thân và mở rộng sự tha thứ cho bản thân và người khác. Điều này có nghĩa là đón nhận những tổn thương của mình, thể hiện lòng tốt và sự thấu hiểu đối với những phần bị tổn thương của bản thân. Đồng thời buông bỏ mối hận thù và oán giận, chúng ta mở ra cánh cửa dẫn đến sự chữa lành sâu sắc, tạo không gian cho tình yêu và sự hiểu biết phát triển.
Xây dựng lại cảm xúc tích cực
Ở giai đoạn này hãy tích cực tìm kiếm những trải nghiệm tích cực, tìm những mối quan hệ hỗ trợ xung quanh mình cũng như tham gia vào các hoạt động tích cực nuôi dưỡng tâm hồn. Bởi vì chúng ta đã vượt qua giai đoạn tha thứ, buông bỏ sự oán giận, thì giờ là lúc làm cho tâm hồn mình xanh trở lại với niềm tin vào cuộc sống.
Với sức mạnh mới được tìm thấy, hãy lấy lại sức mạnh cá nhân của mình và vạch ra con đường hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Hội nhập với cuộc sống
Giai đoạn này nói về việc sống đích thực, điều chỉnh hành động của bản thân với con người thật của mình, đón nhận sự biến đổi đang diễn ra bên trong chúng ta. Đó là sự kiên cường đầy trí tuệ và lòng trắc ẩn khi chúng ta điều hướng cuộc sống với ý thức mới về mục đích và cảm xúc hạnh phúc.
Khi bạn bắt đầu học cách chữa lành vết thương tâm lý của riêng mình, hãy nhớ rằng những giai đoạn này không phải là những mốc thời gian cứng nhắc. Chúng là những giai đoạn nhắc nhở chúng ta phải kiên nhẫn và từ bi với chính mình. Mỗi giai đoạn diễn ra theo thời gian riêng, với mỗi bước đi tiếp, bạn đang tiến gần hơn đến nơi bình yên và trọn vẹn bên trong.
Như vậy qua bài viết trên bạn đã học được cách chữa lành vết thương tâm lý. Hãy luôn tin tưởng rằng bạn có sức mạnh, khả năng phục hồi để tự chữa lành, tạo ra một cuộc sống tràn ngập tình yêu, niềm vui và cảm xúc hạnh phúc.
Xem thêm:
- Cách vượt qua chấn thương tâm lý thế nào?
- Các loại khủng hoảng tâm lý thường gặp là gì?
- Sang chấn tâm lý là gì? Làm thế nào để chữa lành?