Theo y học cổ truyền, nhân sâm được cho là có công dụng bồi bổ sức khỏe. Cùng với sâm Trung Quốc, Hàn Quốc, nhân sâm Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích nâng cao sức khỏe và điều trị một số bệnh lý trong cơ thể.
Các loại nhân sâm Việt Nam
Nhân sâm là vị thuốc bổ có phần củ phình to ra, có hình dáng tương tự như hình dạng người. Tại Việt Nam, các loại sâm phổ biến và có nhiều tác dụng cho sức khỏe có thường bao gồm:
1. Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh hay còn gọi là sâm Tiết Túc là loại sâm rừng có giá trị sức khỏe và kinh tế cao, nhưng chỉ tìm thấy ở Việt Nam. Cụ thể, sâm phân bố và phát triển chủ yếu ở dãy Hoàng Liên Sơn, vùng Tây Bắc, Việt Nam. Đặc biệt, những củ sâm mọc ở núi Ngọc Linh cho giá trị dinh dưỡng cao, vì vậy có tên gọi là sâm Ngọc Linh. Ở những nơi khác chưa tìm thấy sự xuất hiện của sâm Ngọc Linh.
Theo các nghiên cứu về tác dụng dược lý của sâm Ngọc Linh đã chứng minh sâm có một số tác dụng như:
- Chống trầm cảm, căng thẳng, stress
- Kích thích hệ thống miễn dịch
- Chống oxy hóa, lão hóa
- Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
- Bảo vệ gan và các tế bào gan
- Giúp tăng cường sinh lý
- Hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn
Ở các vùng núi, người dân tộc thiểu số sử dụng sâm Ngọc linh để làm thuốc bổ, cầm máu, làm lành vết thương, điều trị sốt rét và kéo dài tuổi thọ.
Sâm Ngọc Linh là cây nhân sâm Việt Nam có giá trị kinh tế cao, tương đương với sâm Linh chi của Hàn Quốc. Trung bình một kg sâm Ngọc Linh (tương đương với 2 - 4 cây) có giá khoảng 300 - 400 triệu đồng.
2. Sâm Đá
Sâm Đá hay sâm xuyên đá là sâm mọc trên các vùng núi đá vôi thường được tìm thấy ở Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Sâm Đá có kích thước nhỏ, thân chỉ bằng cây đũa, có màu vàng nhạt, mùi thơm mát và dễ chịu.
Loại sâm này phát triển rất kỳ lạ. Khi còn non thân cây sẽ phát triển theo dạng mọc thẳng đứng. Tuy nhiên, khi trưởng thành cây sẽ phát triển thành dạng dây leo, bám vào các cây gỗ lớn. Phần củ sẽ phát triển ngày càng dài ra và ăn sâu vào mặt đất chứ không to ra. Các loại sâm Đá có củ to thường là cây ít tuổi.
Trong sâm Đá có chứa hàm lượng Saponin tổng hợp rất cao, chỉ thấp hơn sâm Ngọc Linh rừng tự nhiên một chút. Tuy nhiên, lại cao hơn sâm Ngọc Linh trồng 5 năm tuổi và sâm Triều Tiên. Điều đặc biệt là cả thân cây đều có chứa Saponin, thậm chí lượng Saponin có thể bằng 70% củ sâm.
Nhờ vào lượng Saponin dồi dào mà sâm Đá được sử dụng để tái tạo lại tế bào, phục hồi cơ thể sau bệnh, hỗ trợ tăng cường sức khỏe, giúp mạnh gân cốt và hỗ trợ bài trừ độc tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, sâm Đá cũng được cho là có lợi cho người mắc bệnh tim.
Mặc dù giá trị sức khỏe cao nhưng giá thành sâm Đá tương đối thấp so với giá nhân sâm Việt Nam. Một cân sâm tươi khoảng 200 - 300.000 đồng trong khi sâm khô khoảng 600 - 800.000 đồng.
3. Sâm Bố Chính
Sâm Bố Chính hay còn gọi là Thổ Hào sâm là loại sâm Việt Nam thường thấy ở các vùng núi có thổ nhưỡng đặc biệt và khí hậu mát mẻ.
Sâm Bố Chính là loại cây thân thảo, mềm yếu, sống dai. Công dụng phổ biến thường là dùng chữa ho, nóng trong người, người nhiệt, táo, khát nước, thường hay phát sốt. Ngoài ra, sâm Bố Chính còn được xem là một vị thuốc bổ có thể thông tiểu tiên, điều hòa kinh nguyệt, điều trị lao phổi, thiếu máu, động kinh, mất ngủ, chống suy nhược thần kinh, trầm cảm.
Sâm Bố Chính có giá thành không quá cao, khoảng 250 - 350.000 đồng cho một kg sâm tươi và khoảng 800.000 đồng cho một kg sâm khô. Tuy nhiên, khi chọn mua sâm Bố Chính, người dùng nên chọn loại sâm tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao.
4. Tam Thất Bắc
Tam Thất Bắc là một trong các loại nhân sâm Việt Nam phổ biến. Ngày xưa, Tam Thất Bắc được cho là quý hơn vàng bởi vì người dân không thể trồng được loại sâm này. Ngày nay, sâm có thể di thực trồng ở Hà Giang, Lào Cai,.. nhưng sâm rừng vẫn có giá trị dinh dưỡng cao hơn hẳn.
Tam Thất Bắc thường được sử dụng để an thần, dưỡng não, chống căng thẳng, điều hòa các chức năng gan, thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ giấc ngủ, bổ khí huyết và điều hòa huyết áp. Ngoài ra, củ sâm cũng được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng chống ung thư và sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Hiện tại, giá bán Tam Thất Bắc tương đối cao. Đối với Tam Thất Bắc hoang ruột tím và vàng, giá bán khoảng 3 - 5 triệu đồng một kg. Tam Thất Bắc ruột trắng được cho là không có giá trị y học, do đó khi chọn mua cần thận trọng.
5. Sâm Cau Rừng
Sâm Cau hay còn gọi là ngải cao, là một dược liệu quý được tìm thấy ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc sử dụng sâm Cau rừng để điều trị vàng da, chữa ho, đại tiên phân lỏng, mộng tinh, di tinh. Tuy nhiên, công dụng phổ biến nhất của sâm Cau Rừng là tăng cường sinh lực nam giới và hỗ trợ điều trị bệnh liệt dương.
Nhiều nghiên cứu cho biết, sâm Cau rừng có thể hỗ trợ hoạt động của thận, đào thải các chất cặn bã, chất độc trong cơ thể. Từ đó, cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp cơ thể tránh nhiều bệnh tật.
Sâm Cau Rừng có giá thành tương đối thấp, khoảng 200 - 400.000 đồng cho một kg sâm khô.
Cách sử dụng củ nhân sâm Việt Nam hiệu quả
Theo y học cổ truyền, củ nhân sâm Việt Nam thường được sử dụng để bồi bổ cơ thể và chống lại một số bệnh tật. Tuy nhiên, nhân sâm là một vị thuốc tự nhiên. Do đó, khi sử dụng cần đúng phương pháp, đúng liều lượng để tránh các rủi ro không mong muốn.
Để sử dụng cây nhân sâm Việt Nam hiệu quả, người dùng có thể tham khảo một số phương pháp như:
- Tán bột:
Sâm rửa sạch, sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 - 2 g với nước hoặc dùng trực tiếp và chiêu thuốc bằng nước đun sôi.
- Pha trà:
Sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần dùng 1 - 2 g, cho vào ấm trà, hãm với nước sôi 5 phút. Có thể hãm vài lần như vậy, sau khi thấy vị nhạt thì dùng bã nhai nuốt dần.
Hai cách này thường được sử dụng để bồi bổ cơ thể, dùng cho người thân thể mệt rã rời, hay vã mồ hôi, hơi thở yếu, khả năng chuyển hóa kém.
- Ngậm tan:
Sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần ngậm một lát cho đến khi sâm mềm thì nuốt. Mỗi lần dùng ngầm 3 - 4 lát.
Cách dùng này phổ biến với người nhiễm bệnh lâu ngày, mệt mỏi, phế hư, hơi thở suy yếu, thở gấp, hen suyễn.
- Sắc uống:
Thái sâm thành lát mỏng, sắc với nước, pha thêm 20 - 30 g đường, chia thành nhiều lần dùng uống trong ngày và nuốt luôn cả phần bả. Mỗi ngày có thể sử dụng 5 - 10 g, trong trường hợp khẩn cấp có thể sử dụng 30 - 60 g, sắc uống trong một lần.
Cách sử dụng sâm này phù hợp cho người có cơ thể suy yếu nặng, sau khi phẫu thuật mất nhiều máu, cần cấp cứu khi nguy hiểm đến tính mạng.
- Kết hợp nấu thành các món ăn:
Nấu cháo: Sắc 3 g nhân sâm lấy nước sau đó cho thêm gạo, nấu thành cháo, dùng ăn.
Sâm hấp trứng gà: Trứng gà 1 quả, khoét một lỗ nhỏ ở đỉnh, cho 1 - 2 g bột sâm vào, trộn đều. Sử dụng một miếng khăn giấy thấm ướt, dán lỗ hỏng lại, sau đó hấp chín, dùng ăn mỗi ngày một lần.
Sâm hầm thịt gà: Sử dụng gà mái (chân đen là tốt nhất) 1 con, làm sạch, mổ bụng, cho 5 - 10 g nhân sâm Việt Nam thái lát vào, khâu kín lại. Hầm chín, dùng ăn cả thịt gà, bã sâm và nước hầm. Mỗi lần ăn 1 - 2 tuần.
- Ngâm rượu:
Làm sạch củ sâm bằng khăn ướt mềm theo chiều từ trên xuống dưới, có thể dùng bàn chải nhỏ chải từ trên xuống để làm sạch đất. Khi vệ sinh cần cẩn thận để tránh để đứt rễ củ sâm. Ngâm sâm theo tỷ lệ 100 - 120 g sâm tươi cho một lít rượu. Cho sâm vào bình, đổ thêm rượu 45 độ đến khi ngâm cả củ sâm. Sau khi ngâm 3 tháng là có thể sử dụng được.
Lưu ý khi sử dụng cây nhân sâm Việt Nam
Các loại nhân sâm Việt Nam là dược liệu quý tuy nhiên sử dụng sầm cần chú ý về liều lượng và cách sử dụng. Nếu sử dụng không hợp lý có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các loại sâm có độc tính không cao. Tuy nhiên nếu lạm dụng, qua thời gian dài có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự như trúng độc. Khi ngộ độc sâm người dùng thường gặp các triệu chứng như mất ngủ, thần kinh hưng phấn liên tục, chóng mặt, đau đầu, huyết áp tăng cao, tiêu chảy, da mẩn đỏ, chảy máu mũi.
Một số trường hợp không nên sử dụng sâm, bao gồm:
- Người khỏe mạnh không nên dùng sâm. Không có bệnh dùng sâm có thể làm huyết áp tăng cao, miệng khô lưỡi đắng, táo bón, chảy máu mũi và rối loạn các chức năng nội tạng.
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên lạm dụng sâm và các vị thuốc bổ như long nhãn, gà hầm,… Khi mang thai, ăn uống cần đủ chất nhưng cũng không nên bổ dưỡng quá, gây dư thừa, cản trở quá trình trao đổi và chuyển hóa chất nuôi dưỡng thai nhi.
- Không dùng sâm bừa bãi cho trẻ em. Một số hoạt chất có trong sâm có thể gây ngộ độc, hay kêu khóc, mặt nhợt nhạt, co quắp, thở gấp, tim đập nhanh, nôn mửa,…
- Người cao huyết áp, xơ vữa động mạch không nên sử dụng độc vị các loại nhân sâm. Điều này có thể gây tích mỡ ở một số cơ quản và gây nguy hiểm có người cao huyết áp hoặc xơ vữa động mạch.
Đối với trường hợp nhiễm độc sâm nhẹ, người dùng chỉ cần ngưng sử dụng một thời gian cơ thể sẽ hồi phục. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng cần đưa đến bệnh viện ngay cấp cứu để tránh ảnh hưởng đến tính mạng.
Các loại củ nhân sâm Việt Nam thường được sử dụng để bồi bổ cơ thể và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng sâm cần trao đổi với thầy thuốc và chú ý về liều lượng để tránh gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.