Cá ngừ là một trong những loại cá biển giàu dinh dưỡng và thuộc hàng đắt đỏ nhất. Đây là loài cá lớn sống lâu năm ở đại dương nên ngoài giàu dưỡng chất, chúng cũng chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều loài cá nhỏ khác. Chính điều này khiến các bậc cha mẹ đắn đo giữa lợi ích và nguy cơ khi cho con ăn cá ngừ. Nếu chưa biết trẻ em ăn cá ngừ có tốt không, mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cá ngừ là nguồn dinh dưỡng dồi dào từ biển cả
Cá ngừ hay cá ngừ đại dương (tên khoa học là Thunnus) còn được viết đến với tên gọi khác là cá bò gù. Đây là loại cá lớn, thuộc họ cá bạc má, sống ở vùng biển ấm cách bờ từ 185km. Vì vậy, muốn khai thác chúng ngư dân cần đánh bắt xa bờ. Ở nước ta, loại cá ngừ được khai thác chủ yếu là cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng.
Cá ngừ là loại cá biển chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Khẩu phần 165g thịt cá ngừ đóng gói bảo quản đông lạnh cung cấp: 191 calo, 1,4g chất béo, 42g chất đạm. Trong thịt cá ngừ không chứa carbohydrate, chất xơ hay đường.
Thịt cá ngừ cung cấp acid béo lành mạnh omega-3. Đây là loại chất béo không bão hòa đa thiết yếu nhưng cơ thể lại không tự tổng hợp được. Ngoài bổ sung omega-3 qua viên uống, ăn cá ngừ cũng là cách lành mạnh để cung cấp đủ lượng omega-3 mà cơ thể cần.
Thịt cá ngừ cũng rất giàu protein. Đây là nguồn cung cấp chất đạm lành mạnh, tốt cho sự phát triển các cơ, tăng cường miễn dịch, vận chuyển các chất dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cá ngừ giàu đạm nhưng không chứa chất béo bão hòa nên không gây tăng cân, tốt cho người cần kiểm soát cân nặng.
Ăn cá ngừ cũng là cách để chúng ta bổ sung nhiều loại vitamin, khoáng chất và axit amin thiết yếu cho cơ thể. Thịt cá ngừ có chứa canxi, phốt pho, kẽm, selen, vitamin B, choline. Tất cả những thành phần dưỡng chất này đều tốt cho sức khỏe tổng thể của người dùng.
Ngoài giá trị dinh dưỡng của cá ngừ, loại cá này còn có thể chế biến thành nhiều món ngon, phù hợp với sở thích của nhiều đối tượng như: Sashimi - cá ngừ ăn sống, cháo cá ngừ, salad cá ngừ, bún cá ngừ, cá ngừ chiên, cá ngừ kho, cá ngừ sốt cà chua,...
Tại sao nhiều người muốn biết trẻ em ăn cá ngừ có tốt không?
Với thành phần dưỡng chất phong phú, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, rõ ràng thịt cá ngừ là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Vậy tại sao vẫn có bậc cha mẹ thắc mắc trẻ em ăn cá ngừ có tốt không?
Cá ngừ là loài cá ăn thịt, có thể sống đến 12 năm. Nó là một trong những loại cá "ngậm" thủy ngân nhiều nhất vì quá trình sống lâu năm khiến chúng tích tụ nhiều thủy ngân trong cơ thể.
Thủy ngân hữu cơ có sẵn trong nước biển và thức ăn của chúng. Khi cá ngừ ăn thịt các loài nhỏ hơn, chúng cũng tiêu thụ thêm lượng thủy ngân có trong những loài cá nhỏ đó. Khi đi vào trong cơ thể cá ngừ, thủy phân hữu cơ sẽ gắn chặt vào các mô cơ của cá ngừ. Và thủy ngân không bị phân hủy ngay cả khi chúng ta đã nấu chín thịt cá ngừ.
Để có câu trả lời rõ ràng cho việc có nên cho trẻ em ăn cá ngừ không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu lợi và hại khi cho trẻ ăn cá ngừ.
Trẻ em ăn cá ngừ có lợi ích gì?
Thịt cá ngừ cung cấp protein nhưng lại không chứa chất béo bão hòa. Điều này giúp trẻ phát triển cơ bắp, duy trì năng lượng mà không sợ thừa cân béo phì. Chất béo trong cá ngừ là chất béo không bão hòa đa omega-3. Loại chất béo này tốt cho tim mạch, thị lực, sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vitamin B trong thịt cá ngừ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, tăng cường chuyển hóa chất béo, protein trong cơ thể. Cá ngừ giàu sắt và vitamin B12. Trẻ em thường xuyên ăn cá ngừ cũng là một cách phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Với trẻ em, cá ngừ có tốt không? Câu trả lời chắc chắn là có.
Trẻ em ăn cá ngừ có nguy cơ gì?
Dù biết cá ngừ là một thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn muốn biết trẻ em ăn cá ngừ có tốt không? Lý do là vì khi tiêu thụ loại cá chứa hàm lượng thủy cân cao như cá ngừ, trẻ có thể phải đối mặt với các vấn đề như:
- Ăn quá nhiều cá ngừ làm tăng nguy cơ ngộ độc thủy ngân hoặc nhiễm độc thủy ngân nếu ăn trong thời gian dài.
- Hệ tiêu hóa của trẻ khá nhạy cảm nên một số trẻ mới làm quen với món cá ngừ có thể bị dị ứng.
- Ăn thịt cá ngừ đóng hộp khiến trẻ hấp thụ vào cơ thể một lượng muối đáng kể. Trong khi các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ không nên sử dụng muối cho đến khi đủ 1 tuổi.
Trẻ em nên ăn cá ngừ thế nào để đảm bảo an toàn?
Trẻ em ăn cá ngừ có tốt không? Câu trả lời là có nếu ăn đủ lượng và đúng cách và câu trả lời sẽ là không nếu cha mẹ cho trẻ ăn thịt cá ngừ không đúng cách. Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ăn cá ngừ, cha mẹ cần lưu ý:
- Trẻ từ 6 tháng tuổi khi bắt đầu ăn dặm đã có thể làm quen với hương vị của cá ngừ. Tuy nhiên, đó cần là loại cá được nấu chín, không chứa muối, không chứa chất bảo quản. Cách chế biến phù hợp nhất cho trẻ lúc này là nấu súp cá ngừ, cháo cá ngừ.
- Mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều cá ngừ và ăn với tần suất dày đặc. Mỗi tuần chỉ cần ăn 1- 2 bữa cá ngừ là đủ. Lượng ăn tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ.
- Chọn mua cá ngừ ở địa chỉ uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng nhận hàm lượng thủy ngân trong thịt cá đạt chuẩn là tốt nhất.
- Trong thịt cá ngừ có chứa histamin và một số enzyme không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ và gây dị ứng. Khi sơ chế, mẹ nên ướp thịt cá với gừng tươi để khử bớt những chất này.
- Nếu là lần đầu trẻ làm quen với cá ngừ, bạn nên cho trẻ thử một lượng rất nhỏ để đảm bảo trẻ không bị dị ứng trước khi ăn nhiều hơn.
Tóm lại, cá ngừ là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe tổng thể của trẻ nhỏ. Nếu ăn cá ngừ với lượng vừa phải và ăn đúng cách, những lợi ích mà cá ngừ mang lại cho sức khỏe của trẻ sẽ lớn hơn nguy cơ. Đến đây, bạn đã giải đáp được thắc mắc trẻ em ăn cá ngừ có tốt không rồi chứ?
Xem thêm:
- Ăn cá mực có tác dụng gì? Nguy cơ tiềm ẩn khi ăn mực
- Trứng cá tầm có tác dụng gì với sức khỏe?