Học vượt cấp, vừa có học bổng, vừa được ĐH Harvard trả lương
Nữ sinh đó là Trần Ngọc Hân, sinh năm 2007 tại TP.HCM. Cô được ĐH Harvard, Mỹ cấp học bổng toàn phần 325.052 USD (tương đương với khoảng 7,68 tỉ đồng), bao gồm tiền học phí, ăn ở, sách vở trong suốt 4 năm ngành tâm lý học (Psychology).
Ngọc Hân còn được nhận làm thêm tại trường, mức lương 3.500 USD/năm học. Vì thế, bố mẹ không phải đóng thêm một đồng nào cho hành trình học tập của con tại Mỹ.
Theo Ngọc Hân, hồ sơ xin học ĐH Harvard cần có điểm SAT/ACT và GPA. Các bạn nộp hồ sơ vào ĐH Harvard có điểm SAT rất cao. Theo thống kê của trường thì một năm trường có hơn 40.000 đơn xin học, trường sẽ chỉ nhận hơn 2.000 sinh viên. Trong đó có 8.000 người đạt điểm tuyệt đối GPA, hơn 3.400 người đạt điểm tuyệt đối môn toán của SAT (800/800) và 2.700 đạt điểm tuyệt đối môn khả năng tư duy ngôn ngữ (verbal). Ngoài ra, trong hồ sơ cần có bài luận, thư giới thiệu, đánh giá của giáo viên và rất nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, thể thao, kinh nghiệm sống và kỹ năng lãnh đạo...
Nữ sinh 16 tuổi có thể vào ĐH Harvard cách nào? Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp, mẹ của nữ sinh Trần Ngọc Hân, một quản lý cấp trung tại ĐH Auckland, New Zealand, cho biết đầu năm 2016, chị sang New Zealand làm nghiên cứu sinh và các con được đi cùng bố mẹ.
Tại New Zealand, Ngọc Hân là học sinh chăm chỉ và rất có trách nhiệm, từ nhỏ có thiên hướng về các môn xã hội và nghệ thuật, rất thích đọc sách, truyện và vẽ, luôn đạt điểm A cho tất cả các môn học.
Nền giáo dục New Zealand phát triển cá nhân tối đa, nhà trường rất tôn trọng xu hướng riêng và sở thích của mỗi học sinh, phát hiện những môn học mà học sinh mạnh nhất, đam mê nhất và giúp các em đạt đến trình độ cao nhất theo xu hướng riêng của mình. Do đó, học sinh nào có khả năng ở môn nào thì sẽ được thầy cô hỗ trợ thêm và khuyến khích học vượt cấp.
Theo hệ thống giáo dục New Zealand, trẻ em 5 tuổi học lớp 1, bậc tiểu học từ lớp 1 tới lớp 6; cấp 2 là lớp 7, 8 và cấp 3 là từ lớp 9 đến 13. Ngọc Hân cũng học vượt cấp từ cấp 2 lên cấp 3.
“Ngọc Hân đã học xong chương trình lớp 12 của môn toán, xác suất thống kê, xã hội học và văn học Anh từ hồi đầu năm học, trong khi các môn khác thì vẫn học bình thường”, tiến sĩ Lý Ngọc Điệp cho biết thêm.
Hoạt động xã hội từ tiểu học
Nữ sinh 16 tuổi vừa giành học bổng hơn 7 tỉ đồng vào ĐH Harvard tham gia hoạt động xã hội và cộng đồng từ bậc tiểu học. Mỗi môn học liên quan đến môi trường, xã hội đều có những dự án thực tế để học sinh cùng tham gia. Ngoài ra, ngay ở trường tiểu học, mọi học sinh lớp lớn đều được trường yêu cầu tham gia các hoạt động hỗ trợ và chơi với các em lớp nhỏ, tổ chức hội chợ từ thiện, hỗ trợ thầy cô tổ chức hội thao, cắm trại, dọn dẹp rác trong trường…
Còn tại trường cấp 3 có nhiều câu lạc bộ về toán, lập trình, vẽ, âm nhạc, thể thao với nhiều môn như bơi lội, đánh kiếm, bóng rổ, bóng đá, bóng chày, trượt băng... Các trường cấp 3 đứng đầu ở New Zealand đều có liên kết với các trường ĐH lớn ở Mỹ và Anh như ĐH Harvard, Standford, Cambridge, Oxford.. nên các học sinh như Trần Ngọc Hân được hỗ trợ nhiều.
Nói về lý do theo đuổi mục tiêu vào ĐH Harvard của con gái, chị Điệp cho biết từ năm học lớp 6, con đã tự xác định là rất thích và sẽ theo ngành tâm lý học nên đọc thêm nhiều sách dành cho trẻ em về tâm lý học. Tốt nghiệp cấp 2, Ngọc Hân càng chắc chắn về ngành học này và bắt đầu chọn những môn cần thiết và liên quan đến ngành tâm lý học. Nữ sinh cũng tự lên danh sách top 5 trường dạy tâm lý học trên thế giới để tìm hiểu và ĐH Harvard nằm trong top 5.
“Tâm lý học và ĐH Harvard hoàn toàn là ước mơ và ý muốn của riêng Ngọc Hân. Tôi chỉ hỗ trợ định hướng và giải thích thêm khi con cần sự giúp đỡ của mẹ. Điều quan trọng là con đã có thói quen thoải mái trao đổi với mẹ về việc học hành, bạn bè và cả những điều con thích hay không thích. Nếu gặp bài toán khó thì con đều không ngần ngại vác sách sang hỏi mẹ”, người mẹ của nữ sinh 16 tuổi tài năng người Việt cho biết.
Truyền thống từ gia đình
Có phải mẹ “hổ”, phải rèn giũa nghiêm khắc mới giúp con vào ĐH Harvard? Từ kinh nghiệm bản thân, chị Lý Ngọc Điệp và chồng của mình đều thống nhất không ép con làm gì mà con không thích, không đòn roi, mắng mỏ để dạy con mà luôn cố gắng kiên nhẫn giải thích cho con hiểu.
Thay vào đó, chị tạo một thời khóa biểu và thói quen cho hai con bằng cách làm cùng con mỗi ngày trong nhiều năm. Giờ ăn là cả nhà cùng ngồi ăn chung. Giờ học thì cả ba mẹ con cùng nhau ngồi vào bàn, cùng làm bài hay vẽ, đọc sách. Dù bận rộn thế nào, cô vẫn luôn cố gắng đồng hành cùng các con những khi con cần. Tại New Zealand, học sinh không phải đi học thêm ngoài giờ và không có quá nhiều bài tập về nhà, chị và chồng luôn khuyến khích các con chơi thể thao, thi đấu thể thao, cắm trại, đọc truyện sách và làm những gì các con thích.
Truyền thống gia đình có ảnh hưởng tích cực tới nữ sinh 16 tuổi người Việt. Bên cạnh công việc quản lý các dự án nghiên cứu tại ĐH Auckland, tiến sĩ Ngọc Điệp còn là nhà sáng lập KiwiEdu-công ty tư vấn du học định cư Úc, New Zealand. Chị cũng là cựu trưởng nhóm kinh tế cho dự án TP.HCM của AVSE Global và cố vấn về tài chính trong chuỗi cung ứng cho dự án phát triển Đông Nam Á của quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Ông ngoại của Ngọc Hân là tiến sĩ toán kinh tế tốt nghiệp ở Ba Lan đầu thập niên 80, còn cậu của nữ sinh cũng là tiến sĩ về toán lý thuyết ở Mỹ.
“Điều mà bố truyền cho tôi và em trai là niềm đam mê học tập khi còn bé và làm nghiên cứu sau này chứ không phải là áp lực phải có bằng cấp này, kia. Bởi vậy, tôi cũng không bao giờ đặt yêu cầu cao hay bắt các con mình phải làm được cái này, cái kia. Tôi luôn khuyến khích các cháu trải nghiệm và theo đuổi những gì con thích mà không sợ thất bại. Hồi mới sang New Zealand, tôi mua tặng con chiếc đèn ngủ có câu “Don’t just dream, make it happen”. Thông điệp tôi muốn nhắc các con rằng đừng chỉ mơ ước mà hãy hành động và lên kế hoạch để ước mơ trở thành hiện thực”, tiến sĩ Ngọc Điệp, mẹ của nữ sinh 16 tuổi giành học bổng hơn 7 tỉ đồng vào ĐH Harvard, bộc bạch.