Có nhiều cách chữa trị độ 1 an toàn, hiệu quả cao, có thể khỏi hoàn toàn nếu người bệnh tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh còn ngăn ngừa bệnh trĩ tiến triển nặng, cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa cho người bệnh.
Cách chữa trĩ độ 1 an toàn như thế nào?
Trĩ độ 1 là giai đoạn nhẹ nhất, hoàn toàn có thể điều trị thuốc hoặc kết hợp các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt mà không cần phải can thiệp bằng phẫu thuật. Mức độ an toàn của phương pháp điều trị cao, người bệnh dễ dàng thực hiện, không cần quá lo lắng về những biến chứng có thể xảy ra như phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.
Dưới đây là một số cách chữa trĩ độ 1 an toàn, dễ thực hiện:
1. Điều trị trĩ độ 1 không dùng thuốc
1.1 Thay đổi chế độ ăn uống
Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trĩ độ 1 là do táo bón. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học sẽ góp phần cải thiện triệu chứng của bệnh trĩ độ 1. Đồng thời giảm táo bón, hỗ trợ đại tiện dễ dàng; giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn; hỗ trợ giảm viêm, đau rát vùng hậu môn cũng như ngăn ngừa trĩ tiến triển nặng hơn.
Bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách:
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Lượng chất xơ hàng ngày từ 25-35 g/ngày. Các thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu và hạt, rau lá xanh, các loại củ quả, ngũ cốc nguyên cám. (1)
- Rau xanh: rau mồng tơi, rau dền, rau ngót, cải bó xôi, súp lơ xanh, cần tây…
- Củ: cà rốt, khoai tây, khoai lang, củ cải đường…
- Hoa quả: chuối chín, táo, lê, bơ, đu đủ, trái cây họ cam bưởi, quả mọng (dâu tây, việt quất, mâm xôi…)
- Ngũ cốc nguyên cám: yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, lúa mạch…
- Các loại đậu và hạt: hạt chia, đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ…
1.2 Uống đủ nước mỗi ngày
- Nước có tác dụng làm mềm phân, hỗ trợ tiêu hóa và giảm áp lực lên tĩnh mạch trĩ. Nên uống nước ấm để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
- Người bệnh nên uống từ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây và nước canh. Nếu vận động nhiều hoặc thời tiết nóng có thể uống nhiều hơn.
- Thời điểm thích hợp nhất để uống nước là nên uống vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy; uống trước và sau ăn; uống trước khi đi ngủ.
- Không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc để tránh gây áp lực lên thận.
1.3 Hạn chế thực phẩm gây táo bón
Ăn nhiều thực phẩm có tính cay nóng có thể gây táo bón, khiến phân cứng. Người bệnh phải rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài dẫn đến bệnh trĩ tiến triển nghiêm trọng hơn. Hạn chế thực phẩm gây táo bón là cách chữa trĩ cấp độ 1 hiệu quả.
Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm như:
- Thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt, sa thế hoặc các món ăn nhiều cay như lẩu cay, mì cay, đồ nướng tẩm ớt…
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán như gà rán, khoai tây chiên, xúc xích… làm chậm quá trình tiêu hóa, gây táo bón nặng hơn.
- Đồ chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp như xúc xích, mì gói, bánh ngọt chứa ít chất xơ. Ăn nhiều có thể khiến phân khô, cứng, đầy bụng, khó đi ngoài.
- Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ có thể gây khó tiêu, dễ gây táo bón nếu không bổ sung chất xơ.
1.4 Bổ sung sữa chua cho người bệnh trĩ
Sữa chua có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa nhờ chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe đường ruột, có thể ngăn ngừa táo bón, phòng ngừa nguy cơ bệnh trĩ độ 1. Người bệnh có thể bổ sung 1 hộp sữa chua mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện dấu hiệu bệnh trĩ cấp độ 1.
1.5 Cải thiện thói quen sinh hoạt
Thay đổi thói quen sinh hoạt là cách chữa trĩ độ 1 dễ thực hiện và có thể cải thiện nhanh triệu chứng bệnh trĩ, ngăn trĩ tái phát và tiến triển nghiêm trọng hơn.
Đi vệ sinh đúng cách
- Đi vệ sinh không đúng cách có thể khiến niêm mạc búi trĩ bị phình to. Ở giai đoạn tiến triển trĩ độ 3, 4 có thể sa ra bên ngoài. Do đó, người bệnh nên thay đổi thói quen đi vệ sinh như:
- Không rặn mạnh khi đi đại tiện. Rặn mạnh làm tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn khiến búi trĩ sưng to hơn.
- Đi vệ sinh vào một khung giờ nhất định trong ngày, không nhịn đi vệ sinh.
- Không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh để tránh áp lực lên vùng hậu môn.
Tăng cường vận động, tránh ngồi lâu
- Ngồi nhiều hoặc đứng lâu trong một tư thế có thể làm tăng áp lực lên vùng hậu môn, khiến trĩ phát triển nặng hơn. Người bệnh cần tránh ngồi lâu và thường xuyên tập thể dục để tăng cường tuần hoàn máu, hạn chế bệnh trĩ phát triển.
- Không ngồi quá lâu. Nên đi lại nhẹ nhàng sau 60 phút. Nếu ngồi lâu nên có tấm đệm lót mềm ở dưới mông hoặc lựa chọn bề mặt ghế không quá cứng.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, bơi lội, yoga, đạp xe…
- Tập bài tập siết cơ chậu Kegel để tăng cường cơ hậu môn, giảm nguy cơ sa búi trĩ.
- Tránh các bài tập nặng như nâng tạ, squat làm tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn khiến búi trĩ phát triển to hơn.
1.6 Vệ sinh hậu môn sạch sẽ
Chữa trĩ độ 1 bằng cách vệ sinh hậu môn giúp giảm đau rát, ngăn ngừa nhiễm trùng và hỗ trợ co búi trĩ. Khi bị trĩ, vùng hậu môn dễ tích tụ vi khuẩn và chất thải, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Do đó cần vệ sinh đúng cách.
- Rửa hậu môn bằng nước ấm sau khi đại tiện.
- Nên dùng khăn mềm hoặc giấy ướt không chứa cồn để lau khô.
- Không nên dùng giấy vệ sinh cứng vì có thể gây trầy xước, kích ứng búi trĩ.
- Có thể ngâm hậu môn trong nước ấm 10-15 phút mỗi ngày để thư giãn cơ vòng hậu môn, giảm tình trạng sưng viêm.
Ngoài ra, người bệnh nên mặc đồ lót chất liệu cotton thoáng mát, tránh mặc quần bó sát để không cọ xát vào búi trĩ gây khó chịu.
2. Điều trị trĩ độ 1 dùng thuốc
Bệnh trĩ giai đoạn 1 thường điều trị bằng cách thay đổi lối sống. Trường hợp có các triệu chứng đau rát, ngứa hậu môn, chảy máu bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Thuốc diosmin 450 mg phối hợp hesperidin 50mg: Giai đoạn cấp uống 6 viên trong 4 ngày đầu, sau đó 4 viên trong 3 ngày tiếp theo, sử dụng cùng các bữa ăn.
- Thuốc giảm đau: acetaminophen và ibuprofen trong trường hợp người bệnh đau nhiều.
- Thuốc làm mềm phân: Trĩ có thể do nguyên nhân từ táo bón, gây khó khăn khi đại tiện. Thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng có thể cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Người bệnh nên thăm khám sớm khi nghi ngờ các dấu hiệu bệnh trĩ độ 1 hoặc khi áp dụng các cách chữa trĩ độ 1 không hiệu quả. Ngoài ra, nếu có các triệu chứng đáng lo ngại cần chủ động đến chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám:
- Đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân hoặc cơn đau không thuyên giảm.
- Táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Sốt cao, cảm giác ớn lạnh.
- Buồn nôn, nôn kéo dài.
- Chảy máu trực tràng nghiêm trọng.
Phòng ngừa bệnh trĩ độ 1 tái phát sau điều trị
Bệnh trĩ hoàn toàn có thể tái phát nếu người bệnh không điều trị triệt để hoặc vẫn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh.Việc duy trì chế độ ăn khoa học, đi vệ sinh đúng cách, vận động hợp lý Để phòng ngừa bệnh trĩ độ 1 có thể tái phát sau điều trị, người bệnh nên:
- Tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường chất xơ, uống nhiều nước và tránh các thực phẩm cay nóng, rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, nước ngọt…
- Tạo thói quen đi vệ sinh theo khung giờ cố định, không nên nhịn đại tiện.
- Tránh ngồi quá lâu trên bồn cầu.
- Hạn chế rặn mạnh. Khi đại tiện nên xoa nhẹ nhàng vùng hố chậu để kích thích nhu động ruột.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ sau khi đại tiện.
- Nếu đặc thù công việc phải ngồi lâu, đứng lâu nên đi lại vận động nhẹ nhàng sau mỗi 60 phút. Có thể đặt nhắc nhở, báo thức trên điện thoại để vận động.
- Tạo thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng vừa phải. Cân nặng càng lớn sẽ tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn, khiến búi trĩ phát triển.
- Tránh căng thẳng kéo dài khiến táo bón, rối loạn tiêu hóa tăng nặng.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức quá khuya để cơ thể hồi phục tốt hơn.
Thắc mắc thường gặp
1. Bệnh trĩ độ 1 có tự khỏi không?
Bệnh trĩ độ 1 có tự khỏi không? Bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi nếu người bệnh tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động lành mạnh. Đây là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh trĩ và có rất nhiều cách chữa trĩ độ 1 tại nhà đơn giản. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, bệnh trĩ độ 1 có thể tiến triển thành độ 2, 3, 4 và việc điều trị phức tạp, cần nhiều thời gian để điều trị hơn.
2. Điều trị bệnh trĩ độ 1 mất bao lâu?
Thời gian điều trị bệnh trĩ độ 1 phụ thuộc vào cách người bệnh thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và các phương pháp hỗ trợ điều trị.
3. Bệnh trĩ độ 1 có cần phẫu thuật không?
Trĩ độ 1 là giai đoạn sớm và nhẹ nhất của bệnh trĩ nội, do đó không cần phải phẫu thuật. Bệnh có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt kết hợp dùng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ).
Phẫu thuật được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh đã tiến triển nặng, gây đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt hoặc khi người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa.
Trĩ độ 3, 4 gây sa búi trĩ nặng, chảy máu hậu môn nhiều, kéo dài hoặc tắc nghẹt búi trĩ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật để cắt búi trĩ hoặc cầm máu.
4. Có cần kiêng cữ gì khi điều trị trĩ độ 1?
Khi điều trị bệnh trĩ độ 1, người bệnh nên kiêng khem cẩn thận để giúp búi trĩ co lại và tránh bệnh tiến triển nặng hơn.
- Tránh gia vị có tính cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt, sa tế; món ăn cay như mì cay, lẩu cay, các món có ớt cay.
- Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, thực phẩm đóng gói.
- Tránh các thực phẩm có ít chất xơ dễ gây táo bón.
- Hạn chế đồ uống có cồn, caffein, nước ngọt có ga.
- Tránh ngồi lâu, đặc biệt ngồi bồn cầu lâu khi đi vệ sinh,
- Tránh nhịn đi vệ sinh.
- Không nên thức khuya, căng thẳng kéo dài.
- Không nên quan hệ qua đường hậu môn gây tổn thương ống hậu môn.
5. Có thể dùng thuốc dân gian để chữa trĩ độ 1 không?
Dân gian có nhiều bài thuốc chữa bệnh trĩ cấp độ 1. Bạn có thể dùng các bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các bài thuốc này. Khi lựa chọn các nguyên liệu cần đảm bảo an toàn, sạch sẽ để tránh bệnh tiến triển nặng hơn hoặc gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Một số cách chữa bệnh trĩ cấp độ 1 bằng thảo dược vườn nhà như: diếp cá, nha đam, lá trầu không…
6. Điều trị trĩ độ 1 ở đâu uy tín?
Để chữa trĩ độ 1 hiệu quả, người bệnh nên đến chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Khoa Tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh Hà Nội), Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh) thuộc hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho người bệnh gặp các vấn đề về đường tiêu hóa.
Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên môn cao, làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới hiện nay, giúp gia tăng hiệu quả điều trị, thời gian phục hồi nhanh. Chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa với các chuyên gia, bác sĩ về tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Trên đây là những cách chữa trĩ độ 1 bạn có thể tham khảo. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, người bệnh có thể áp dụng để cải thiện bệnh trĩ hiệu quả. Nếu có các dấu hiệu bất thường hoặc bệnh trĩ tiến triển nặng, gây đau rát, khó chịu vùng hậu môn, chảy máu hậu môn gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên thăm khám để được điều trị kịp thời.