Trong các thành phần của câu, thành phần trạng ngữ là thành phần phụ của câu, bổ sung ý nghĩa cho nòng cốt câu, giúp câu trở nên xác định và rõ ràng hơn. Khi viết hoặc nói để câu được rõ ràng hơn chúng ta cần phải thêm trạng ngữ cho câu. Vậy thêm trạng ngữ cho câu là gì? Tác dụng của việc thêm trạng ngữ cho câu.
Thêm trạng ngữ cho câu là gì?
Thêm trạng ngữ cho câu là một phép biến đổi câu mang tính chất mở rộng câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, cách thức, phương tiện, mục đích của sự việc diễn ra nêu trong câu.
Đặc điểm của trạng ngữ
- Trạng ngữ là một thành phần phụ của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích,… của sự việc nêu trong câu.
- Trạng ngữ thường trả lời cho câu hỏi: Khi nào? Ở đâu? Vì sao? Để làm gì?
- Ý nghĩa của trạng ngữ:
Ý nghĩaTừ nhận diệnVí dụChỉ nơi chốnDưới, ở trên, trong, ngoài, sau, …Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.- Trạng ngữ chỉ nơi trốn là “dưới bóng tre xanh:
Chỉ thời gianTừ, hồi, năm, ngày, khoảng, …Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp.- Trạng ngữ chỉ thời gian là: “đời đời, kiếp kiếp”
Chỉ nguyên nhânVì, do, tại, …Vì ốm, Linh phải nghỉ học một tuần.- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân: “vì ốm”
Chỉ mục đíchĐể, nhằm, …Để tránh xảy ra tai nạn, mọi người phải tuân thủ luật giao thông- Trạng ngữ chỉ mục đích: “Để tránh xảy ra tai nạn”
Chỉ phương tiệnBằng, với, …Bằng chiếc xe tải, tôi đã trở được hết đồ.- Trạng ngữ chỉ phương tiện: “Bằng chiếc xe tải”
Chỉ cách thứcVới, như, …Như một luồng gió bấc, ba chiếc máy bay nối đuôi nhau ào tới.- Trạng ngữ chỉ cách thức: “Như một luồng gió bấc”
- Vị trí: trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hoặc giữ câu.Khi thay đổi vị trí trạng ngữ trong câu thì nội dung của câu không thay đổi. Việc lựa chọn vị trí trạng ngữ cần đáp ứng các yếu tố sau:
+ Phù hợp với nội dung câu văn;
+ Đúng với mục đích của người nói, người viết;
+ Tạo liên kết với các câu văn và đoạn văn khác.
- Trạng ngữ thường được ngăn cách với chủ ngữ và vị ngữ bằng dấu phẩy khi viết hoặc một quãng nghỉ khi nói.
Tác dụng của việc thêm trạng ngữ cho câu
- Thêm trạng ngữ giúp xác định rõ hoàn cảnh, điều kiện diễn ra sự việc được nêu trong câu, góp phần giúp người nghe, người đọc hiểu rõ nội dung câu một cách đầy đủ, chính xác.
- Việc thêm trạng ngữ giúp liên kết các câu, các đoạn trong đoạn văn hoặc bài văn giúp nó được diễn đạt một cách mạch lạc.
- Việc thêm trạng ngữ trong văn nghị luận giúp sắp xếp các luận cứ, luận điểm trong bài văn theo một trình tư và có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
- Ngoài ra, thêm trạng ngữ còn giúp mở rộng câu, làm cho nội dung câu trở nên phong phú, đầy đủ và chính xác.
Bài tập luyện tập thêm trạng ngữ cho câu
Bài 1: Thêm trạng ngữ thích hợp cho các câu sau
a) ………, mẹ đưa em tới trường.
b) Tô Hoài,…….., đã miêu tả rất sinh động chân dung chú Dế Mèn.
c) Chúng em học tập chăm ngoan,……….
Bài làm:
a) Hằng ngày/Buổi sáng/Bằng chiếc xe đạp, mẹ đưa em tới trường.
b) Tô Hoài, bằng trí tưởng tượng phong phú/với tình yêu và sự am hiểu về động vật, đã miêu tả rất sinh động chân dung chú Dế Mèn.
c) Chúng em học tập chăm ngoan, để cha mẹ vui lòng/ đề đề đáp công ơn thầy cô.
Bài 2: Biến đổi các câu sau thành câu có chứa trạng ngữ
a) Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu.
b) Mùa đông tới. Những chú chim bay về phương Nam tránh rét.
c) Gian phòng lớn ngập tràn ánh sáng. Những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường.
Bài làm:
a) Khi trăng lên, gió mơn man dìu dịu.
b) Mùa đông tới, những chú chim bay về phương Nam tránh rét.
c) Trong gian phòng ngập tràn ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường.
Bài 3: Viết đoạn văn ngắn khoảng 7 câu nêu cảm nghĩ của em về quê hương đất nước. Trong đoạn có sử dụng thành phần trạng ngữ.
Bài làm:
Quê hương Việt Nam của tôi đẹp vô ngần với rất nhiều những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, với sự đa dạng, phong phú về ẩm thực và với những con người đôn hậu, chất phác. Với tôi, tình yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người giản đơn. Tôi yêu từ mái nhà đơn sơ, xóm làng thân thương đến những con người ngày đêm đang ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, đất nước tôi đang vươn mình phát triển và hội nhập. Những ngày này, khi cả thế giới đang gồng mình trước dịch bệnh, tôi càng thêm yêu, thêm tự hào về Tổ quốc tôi, đất nước đang dang tay chào đón những con người xa xứ trở về. Bằng tất cả sức mạnh vật chất, tinh thần, cả nước đã đồng lòng, đoàn kết, kề vai sát cánh để vượt qua khó khăn. Tổ quốc đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất. Trong trái tim mỗi người, chúng tôi luôn thổn thức gọi vang hai tiếng “Việt Nam”.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến thêm trạng ngữ cho câu là gì? Tác dụng của việc thêm trạng ngữ cho câu. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.