Có nên khóa mạng xã hội để ôn thi hiệu quả?
Lưu ý cho thí sinh (TS) trong giai đoạn hiện nay, Phan Thị Hương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2021, chia sẻ: “Đây là giai đoạn chạy nước rút, hầu hết các bạn đã đi vào giai đoạn luyện đề, những lý thuyết cơ bản đã nắm được thì các bạn nên tập trung vừa củng cố kiến thức vừa ôn luyện đề. Tránh làm đề tràn lan trên mạng và làm quá nhiều đề gây ảnh hưởng tới kiến thức mà mình đã học cũng như sức khỏe. Việc học thật sự quan trọng nhưng sức khỏe quan trọng hơn”.
Giữ tinh thần thật thoải mái để đạt được kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới
Nữ Vương
Cũng theo Hương, muốn có được kỹ năng để xử lý đề bài và làm bài thật tốt, TS phải thật chăm chỉ và cố gắng học bài, luyện đề nhiều nhưng cần bám sát ma trận đề thi của Bộ GD-ĐT. “Chỉ khi thực sự chăm chỉ thì kiến thức bạn nắm được mới chắc chắn, làm bài sẽ không nhầm lẫn và sau khi luyện đề trong một thời gian dài, bạn sẽ được làm quen với lộ trình thi và sẽ bớt được cảm giác bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng khi thi thật”, Hương khẳng định.
Bên cạnh đó, cô thủ khoa khuyên TS cần sắp xếp cho mình thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi, giải trí. “Những sai lầm mà TS thường gặp phải trong giai đoạn này là học quá nhiều, ôn luyện nhiều đề một cách tràn lan, không có chọn lọc. Rồi học tủ, học vẹt mà không học chắc cũng như chưa có lộ trình ôn thi hợp lý, dẫn đến phí phạm khoảng thời gian rất quý này, không ôn tập được hiệu quả”, Hương chia sẻ.
Nhiều TS chọn cách khóa mạng xã hội để tập trung ôn thi, vì sợ dễ bị xao nhãng, nhưng Võ Thị Kim Anh, thủ khoa khối B toàn quốc năm 2021, lại cho rằng: “Nếu các bạn cảm thấy mình kiểm soát tốt được thời gian dùng mạng xã hội thì không nên khóa trong giai đoạn ôn thi, vì nơi đây có một nguồn tài liệu khá lớn và hữu ích. Theo mình tốt nhất các bạn vẫn nên cố gắng kiểm soát bản thân để sử dụng tốt mạng xã hội phục vụ cho quá trình ôn luyện”.
Bản thân Kim Anh thì lúc ôn thi vẫn dùng mạng xã hội, nhưng chủ yếu để tìm hiểu, lấy các đề tham khảo, sau đó tắt máy tính và cất điện thoại đi để tập trung vào việc giải đề.
Giữ tinh thần thoải mái là điều quan trọng nhất
Kim Anh kể giai đoạn này năm ngoái cô ngủ một ngày chỉ khoảng 5 - 6 tiếng, thời gian còn lại vùi đầu vào học. Đến tháng 6 thì Kim Anh bắt đầu quay lại chế độ ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc để ổn định sức khỏe và tinh thần thật thoải mái cho kỳ thi.
“Đến giai đoạn nước rút này, kiến thức dù có học quá nhiều cũng không lên được thêm nhiều nữa, mà giữ cho mình có tinh thần thật thoải mái là điều quan trọng nhất. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào một đích đến, như bản thân mình mục tiêu là vào Trường ĐH Y Hà Nội, nhưng nếu lúc đó không đạt và phải vào các trường y khác thì mình vẫn thoải mái. Nói chung hãy tạo cho mình một tinh thần thoải mái nhất có thể. Có mục tiêu là để phấn đấu nhưng không nên quá áp lực với mục tiêu đó”, Kim Anh nhắn gửi đến các TS.
Cô thủ khoa khối B toàn quốc lưu ý thêm: “Học nhiều nhưng vẫn thoải mái tinh thần, chứ không phải thoải mái mà không học. Kiến thức dù vững nhưng tinh thần không vững thì khi gặp áp lực phòng thi sẽ dễ bị rối và quên hết. Nhiều bạn không giữ được tinh thần tốt nên điểm số cũng không tương xứng với năng lực của bản thân”.
Cũng khuyên TS nên giữ tinh thần thoải mái nhất để có thể ôn tập hiệu quả ở khoảng thời gian quý báu này, Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021, kể về câu chuyện của bản thân như một minh chứng: “Năm lớp 12 là năm mình thấy tệ nhất, và rất áp lực. Mấy năm trước mình học rất ổn, nhưng đến năm này, khi phải thi, kiểm tra hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm, đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp hơn, rồi áp lực thời gian… nên những điểm yếu của mình, như là sự thiếu cẩn trọng… đã lộ rõ. Từ đó, mình bị áp lực, mà càng áp lực thì kết quả học tập lại càng đi xuống, từ đứng nhất lớp đã trở thành cuối lớp. Lúc đó áp lực chồng áp lực, từ những kỳ vọng của gia đình, rồi kỳ vọng của chính bản thân, như cái vòng luẩn quẩn”.
Học nhiều nhưng vẫn thoải mái tinh thần, chứ không phải thoải mái mà không học. Kiến thức dù vững nhưng tinh thần không vững thì khi gặp áp lực phòng thi sẽ dễ bị rối và quên hết. Nhiều bạn không giữ được tinh thần tốt nên điểm số cũng không tương xứng với năng lực của bản thân
VÕ THỊ KIM ANH - Thủ khoa khối B toàn quốc năm 2021
Và cuối cùng, Bình đã nhận ra được “nút thắt” và tìm cách tháo gỡ bằng việc chấp nhận lùi một bước để tiến xa hơn.
“Mình chọn cách thả lỏng bản thân, làm cho tinh thần thoải mái nhất có thể. Mình tự nhủ nếu lỡ rớt đại học thì năm sau thi lại chứ có gì đâu, nhờ đó mà mình có tinh thần thoải mái nên ôn thi và lúc làm bài thi cũng tốt hơn. Chính vì thế, mình thấy tinh thần trong mùa thi là rất quan trọng, sự thoải mái về tinh thần trong giai đoạn này sẽ giúp các bạn có được kết quả tốt”, Bình bày tỏ.
Ngoài ra, Bình cũng khuyên ở thời điểm này TS nên bắt đầu ôn lại từng chương, từng dạng bài và từng cách làm ở mỗi dạng bài. Lật ngược lại những bài mà mình đã làm sai để ôn lại mỗi ngày.
“Bình thường thời điểm này học sinh hay luyện những câu khó, còn riêng mình thì tập trung ôn lại những câu cơ bản, kiểu “ăn chắc mệt bền” sẽ an toàn và hiệu quả hơn”, Bình chia sẻ và nhắn gửi đến các bạn TS dù ôn thi có căng thẳng cỡ nào thì cũng nên dành thời gian để thư giãn và tập thể dục. Hoặc bất kể khi nào cảm thấy áp lực quá hãy giải tỏa bằng cách tập thể dục, mà đơn giản nhất là đi bộ.