Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các ngành hệ đại trà, dự kiến 506.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ), tương đương khoảng 18 triệu đồng/năm, trong đó có ngành Truyền thông đa phương tiện.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện. Học phí theo tín chỉ trung bình 615.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng đào tạo và đảm bảo tỉ lệ tăng không quá 15%/năm (theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM áp dụng mức học phí nhóm ngành Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện là 710.000 đồng/tín chỉ, tương đương 22 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Văn Lang đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện. Mức học phí khoá K29 (khóa năm 2023) đối với chương trình đào tạo tiêu chuẩn dự kiến dao động từ 22 triệu đồng - 32 triệu đồng/học kỳ. Đối với chương trình đào tạo đặc biệt học phí dự tính vào khoảng 40-60 triệu đồng/học kỳ.
Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành học phí dự kiến toàn khóa với ngành Truyền thông đa phương tiện là 155.646.000 đồng.
Truyền thông đa phương tiện là ngành học tích hợp kiến thức giữa báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, ngành truyền thông nói chung và Truyền thông đa phương tiện nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong “bản đồ” ngành nghề xu hướng.
Theo thông tin chia sẻ từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện của trường rất được các cơ quan báo chí, doanh nghiệp chào đón khi ra trường. Có rất nhiều lựa chọn việc làm ở nhiều lĩnh vực tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong ngành truyền thông, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh.