Theo thông tin trên web Đại học Tài chính - Kế toán, với số doanh nghiệp không ngừng tăng lên (cả nước có 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tính đến tháng 11/2020) và hàng loạt các định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, công ty tài chính ngày càng mở rộng hoạt động, đã cho thấy ngành nghề này đang cần lượng lớn nguồn nhân lực.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành tài chính - ngân hàng tăng khoảng 20% mỗi năm. Tài chính - ngân hàng sẽ là ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Cho nên, khi lựa chọn theo học ngành tài chính - ngân hàng, sinh viên ra trường sẽ không phải lo sợ rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Học tài chính - ngân hàng ra trường làm gì?
Tài chính - ngân hàng là ngành học liên quan đến tất cả hoạt động, dịch vụ giao dịch trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và được chia thành nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau như: Ngân hàng, Tài chính bảo hiểm, Tài chính thuế, Phân tích tài chính, Kinh tế học tài chính….
Sau khi ra trường, sinh viên ngành tài chính - ngân hàng có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau từ chuyên viên phụ trách tài chính, kinh doanh tiền tệ, phân tích tài chính doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty tài chính đa quốc gia, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm cho đến chuyên viên chăm sóc khách hàng tại các ngân hàng, công ty.
ThS. Vũ Việt Dũng - Cố vấn cấp cao khoa Tài chính - ngân hàng, Đại học Đại Nam cho biết: “Trong cơ chế thị trường hiện nay và tương lai dù có tăng trưởng nhanh hay chậm thì đây vẫn là ngành nghề cần thiết bởi lĩnh vực này liên quan đến dịch vụ luân chuyển tiền tệ của nền kinh tế và đóng vai trò định hướng chiến lược chính sách tiền tệ. Từ đó có thể thấy, hầu hết ở các đơn vị, tổ chức tài chính, doanh nghiệp… đều có các vị trí về Tài chính ngân hàng”.
Một số trường đại học đào ngành tài chính - ngân hàng tốt nhất hiện nay
Trường Đại học Ngoại thương đào tạo ba chuyên ngành chính thuộc ngành tài chính - ngân hàng: Tài chính quốc tế, Ngân hàng, Phân tích và đầu tư tài chính.
Năm 2023, mức điểm chuẩn ngành tài chính - ngân hàng của trường Đại học Ngoại thương lấy 27,45 đối với cơ sở phía Bắc và 27,8 đối với cơ sở phía Nam.
Học viện Tài chính đào tạo 10 chuyên ngành liên quan đến ngành tài chính - ngân hàng: Quản lý Tài chính công, Thuế, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính Bảo hiểm, Ngân hàng, Hải quan, Định giá Tài sản, Phân tích chính sách tài chính, Đầu tư tài chính.
Năm nay, Học viện Ngân hàng lấy ngưỡng điểm chuẩn xét tuyển đối với ngành Tài chính - Ngân hàng 1 là 25,94 điểm, Tài chính - Ngân hàng 2 là 26,04 điểm, Tài chính - Ngân hàng 3 là 25,8 điểm.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) năm 2023 tuyển sinh theo 4 phương thức (điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, xét học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia và xét tuyển thẳng).
Trong đó, trường Đại học Kinh tế lấy mức điểm chuẩn 24 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và 26,75 điểm theo phương thức xét học bạ THPT.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM được đánh giá là một trong 1.000 trường đại học chuyên ngành kinh tế đứng đầu thế giới và xếp trong nhóm đại học trọng điểm quốc gia. Năm 2023, chuyên ngành tài chính - ngân hàng của ngôi trường này có mức điểm chuẩn là 25,7 điểm đối với chuyên ngành tài chính và 25,3 đối với chuyên ngành ngân hàng.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM năm nay lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành tài chính - ngân hàng chất lượng cao là 23,1 điểm và 25,5 điểm đối với chương trình đại trà. Mức học phí Chương trình đại học chính quy năm học 2023 - 2024 dự kiến khoảng 7.050.000đ/học kỳ và chất lượng cao 17.922.500đ/học kỳ.
Ngoài ra, bạn có thể theo đuổi ngành tài chính - ngân hàng tại một số trường đại học khác như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Thương Mại, Ngân hàng TP.HCM, Kinh tế - Luật TP.HCM, Hoa Sen.