Theo tìm hiểu của chúng tôi, lò đường được thiết kế âm vào lòng đất nhằm tận dụng hết nhiệt độ tại lò. Trên lò bắc hai chảo lớn bằng gang, mỗi chảo khoảng hơn 100 lít nước. Phụ nữ được phân công chặt ngọn mía, dọn lá mía, còn đàn ông đón mía và bó thành từng bó chuyển về lò.
Khi lượng mía đón xong đủ để làm đường, có từ 3 đến 4 phụ nữ ngồi đưa mía vào cho những người đàn ông ép để lấy nước mía. Khi lượng mía đủ cho 2 chảo, việc nấu đường mới bắt đầu. Đây được coi khâu quan trọng nhất đòi hỏi người thợ nấu đường phải có trình độ nhất định để biết lúc nào cần phải đổ nước đường ra bát để bát đường đạt chất lượng.
Lau từng giọt mồ hôi dưới cái nắng nóng trong lò nấu đường, ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho hay, gia đình ông đã có truyền thống làm nghề nấu đường bát, đến đời ông là thế hệ thứ 3 trong gia đình giữ gìn nghề làm truyền thống này.
“Cơ sở của tôi có 4 thợ, công việc làm quanh năm. Họ làm việc theo dây chuyền, như pha nguyên liệu, nấu đường thô, khuấy đường, đổ vào bát, ấn dấu bằng búa gỗ, niềng khung và lấy đường ra khỏi bát, thu nhập mỗi người thợ hơn 300 ngàn đồng/ngày. Người thợ làm đường đòi hỏi phải am hiểu công thức pha trộn đường thô khi đun nấu. Công đoạn khuấy đường cũng phải cẩn thận vì đường rất đặc và nóng, dễ gây bỏng. Để bát đường đạt chất lượng, màu sắc đẹp. Đặc biệt khâu chọn mía cũng quan trọng, cây mía đủ độ già, chưa trổ bông”, ông Nhân chia sẻ.
Theo ông Nhân, mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường hàng nghìn cặp đường bát, mỗi cặp đường có giá bán dạo động từ 45 đến 55 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ đường bát chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nhiều người dân làm đường bát ở huyện Quế Sơn cho hay, đường bát là sản phẩm được nhiều bà con ưa chuộng dùng để làm các món ăn truyền thống ở địa phương như: xôi ngọt, chè đậu, xoa xoa hoặc bánh tổ, bánh nổ;...
Ngoài ra, cứ mỗi lần giỗ chạp, hay dịp lễ Tết, đường bát lại góp phần làm cho các loại bánh cổ truyền thơm ngon. Hiện nay ở Quảng Nam nếu mọi người có dịp về vùng quê huyện Quế Sơn thì vẫn còn nhiều xã trồng mía ép đường và hình ảnh đường bát vẫn được bày bán ở các chợ như một sản phẩm gắn liền cuộc sống vùng quê nông thôn xứ Quảng.
Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết: “Nghề làm đường bát hiện nay chỉ rải rác ở một số xã trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chính quyền đang có kế hoạch giữ gìn và phát huy các làng nghề ở địa phương và kết hợp gắn phát triển du lịch cộng đồng”.