Để “săn học bổng” du học thành công, bạn không những cần chuẩn bị nhiều giấy tờ cần thiết mà còn viết CV xin học bổng sao cho thuyết phục và ấn tượng hội đồng tuyển chọn nữa.
Về cơ bản, nội dung CV xin học bổng sẽ chú trọng vào kiến thức và kỹ năng học thuật của ứng viên. Bên cạnh đó, hình thức của loại hồ sơ này cũng sẽ tối giản hơn so với CV xin việc.
Bài viết của Cake dưới đây sẽ hướng dẫn cách viết CV xin học bổng bằng tiếng Anh, mời bạn cùng tham khảo.
1. Thông tin cá nhân (Personal Information)
Để nhà trường có thể thông báo kết quả đến bạn, cần đảm bảo cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin sau và đặt ngay đầu của CV xin học bổng:
- Họ tên - Ghi chính xác họ và tên theo passport hoặc căn cước công dân.
- Địa chỉ - Ghi cụ thể và chính xác nơi đang cư trú.
- Số điện thoại - Ghi đúng số điện thoại cá nhân và kèm theo mã vùng, ví dụ: (+886) 988-273-567.
- Email - Sử dụng email cá nhân chuyên nghiệp.
2. Giới thiệu bản thân (Personal Statement)
Viết 1 câu giới thiệu cho hội đồng xét duyệt biết hiện tại “bạn là ai?, đang làm công việc gì?, ở đâu?”. Và 1 câu nêu rõ lý do nộp CV bao gồm bậc học và ngành học mà bạn muốn theo đuổi. Việc này sẽ giúp nhà trường phân biệt rõ hơn bạn với các ứng viên khác cũng như giúp CV xin học bổng của bạn gây ấn tượng hơn.
3. Trình độ học vấn (Education)
Đảm bảo đầy đủ các thông tin sau trong CV xin học bổng và làm nổi bật bằng cách nhấn mạnh vào những thành tích đạt được trong quá trình học tập:
- Tên trường - Liệt kê chính xác tên các trường học bạn đã theo học (nếu bạn học 2 trường cùng lúc).
- Niên học - Ghi rõ thời gian (tháng/năm) nhập học và tốt nghiệp.
- Bậc học - Ghi chính xác học vị bạn đã theo học.
- Ngành học - Ghi chính xác tên các chuyên ngành đã học (nếu bạn học 2 chuyên ngành trở lên).
- Điểm trung bình / GPA - Ghi tổng điểm trung bình khi tốt nghiệp. Không nên liệt kê theo từng học kỳ nếu trong trường hợp điểm trung bình không theo thứ tự tăng dần.
- Ranking - Nêu thứ hạng trên lớp/khoa/trường (nếu có).
4. Kinh nghiệm (Experience)
Đối với CV xin học bổng, bạn có thể trình bày kinh nghiệm làm việc (bao gồm cả đi thực tập) trong lĩnh vực có liên quan, đặc biệt khi nộp đơn xin học thạc sĩ. Mặc khác, hãy nêu kinh nghiệm nghiên cứu nếu bạn apply vào các chương trình học bổng mang tính học thuật.
5. Kỹ năng (Skills)
Có thể nói kỹ năng là một trong những phần quan trọng nhất trong CV xin học bổng. Do đó, bạn nên liệt kê các kỹ năng có liên quan đến ngành học và hỗ trợ cho quá trình xin học bổng của bạn, bao gồm:
- Ngoại ngữ: Liệt các ngôn ngữ mà bạn biết hoặc đã học qua và ghi rõ khả năng sử dụng ngôn ngữ đó.
- Kỹ năng chuyên môn: Liệt kê các công cụ, phân mềm, thiết bị công nghệ, v.v trong một lĩnh vực nào đó mà bạn am hiểu và biết cách sử dụng.
- Kỹ năng mềm: Liệt kê các kỹ năng giúp bạn thích ứng và phát triển với môi trường xung quanh.
6. Chứng chỉ (Certifications)
Các chứng chỉ là minh chứng cho những kỹ năng bạn vừa nêu bên trên. Thông thường sẽ có ba dạng chứng chỉ bạn cần chuẩn bị, đó là
- Chứng chỉ ngoại ngữ: Là chứng chỉ không thể thiếu đối với bất kì một CV xin học bổng bằng tiếng Anh nào, ví dụ: IELTS, TOEFL, HSK, DELF, TestDaF, JLPT, v.v.
- Chứng chỉ do học bổng yêu cầu: Là chứng chỉ do một số học bổng hoặc quốc gia yêu cầu, ví dụ: GMAT, GRE, SAT, v.v..
- Chứng chỉ khác: Là các chứng chỉ về một kỹ năng chuyên môn hoặc khoá học nào đó mà bạn đạt được, ví dụ: SEO, LinkedIn, Coursera, v.v..
7. Người tham chiếu (References)
Lời khuyên dành cho bạn là hãy lựa chọn từ khoảng 2 người tham chiếu trong CV (tuỳ theo yêu cầu nhà trường) có cấp bậc cao hơn và là người có mối liên kết chặt chẽ với bạn trong quá trình học tập hoặc làm việc. Đó có thể là thầy cô giáo hoặc sếp của bạn - những người có chuyên môn cao và đánh giá được năng lực thực sự của bạn.
8. Khác
Để cạnh tranh được với các ứng viên khác và thuyết phục nhà trường trao học bổng, bạn nên đưa vào những thông tin sau đây để giúp CV xin học bổng nổi bật hơn:
- Hoạt động ngoại khoá: Liệt kê các câu lạc bộ, nhóm/tô chức, hoạt động cộng động, các chương trình của nhà trường/công ty tổ chức mà bạn đã tham gia và kèm theo mốc thời gian, ví dụ: Ban tổ chức chương trình TEDxFTU (2017-2018).
- Thành tích & Giải thưởng: Liệt kê các tiêu đề giải thưởng, tổ chức trao giải kèm theo mốc thời gian bạn nhân được giải thưởng ấy, ví dụ: Giải nhất cuộc thi Hùng biện tiếng Pháp 2019 do Idecaf tổ chức.
- Bài viết khoa học - Với CV xin học bổng Tiến sĩ, bạn nên cung cấp thông tin những bài viết khoa học mà bạn đã nghiên cứu và nghi rõ thời gian cũng như tiêu đề bài viết đó, ví dụ:“Alalwan A. A., 2020. Mobile food ordering apps: An empirical study of the factors affecting customer e-satisfaction and continued intention to reuse. International Journal of Information Management, 50, pp. 28-44.”
✅ 3 nên:
- Đọc kỹ các yêu cầu của chương trình học bổng
Muốn giành được học bổng thì trước hết bạn phải hiểu rõ được các điều kiện apply của chương trình học, cũng như các thông tin quan trọng như: giấy tờ và hồ sơ cần chuẩn bị, thời gian cho từng vòng xét tuyển, địa điểm và cách thức nộp hồ sơ, v.v. Đừng vì nhầm lẫn hoặc bỏ quên một chi tiết mà bạn đánh mất cơ hội nhận học bổng nhé!
- Tập trung vào mục đích học thuật
Khác với CV xin việc chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm, CV xin học bổng sẽ nhấn mạnh vào kiến thức, kỹ năng nghiên cứu và thiên hướng nghiên cứu trong học tập. Do đó, bạn nên tập trung trình bày các thông tin thể hiện được yếu tố học thuật và thiên hướng nghiên cứu vào các mục như: học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu, chứng chỉ, v.v.
- Nêu bật các kỹ năng liên quan đến ngành học
Có thể một số bạn apply vào ngành học không liên quan đến kiến thức học tập trước đó. Do vậy, bạn nên tập trung nhấn mạnh vào các kỹ năng có liên quan đến ngành học và học bổng. Từ đó sẽ có đầy đủ cơ sở giúp cho hội đồng xét duyệt đánh giá được toàn diện năng lực của bạn cũng như cân nhắc việc trao học bổng cho người xứng đáng nhất.
❌ 3 không nên:
- Sử dụng các mẫu CV không phù hợp
Thiết kế CV xin học bổng nên đơn giản, không nên quá màu mè, phá cách. Ngoài ra, hãy lựa chọn các font chữ truyền thống (ví dụ: Arial, Times New Roman) và tối đa 3 màu chữ khi tạo CV xin học bổng.
- Không rà soát lỗi chính tả trước khi nộp
Vì là CV xin học bổng bằng tiếng Anh nên bạn có thể không tránh khỏi lỗi sai chính tả và ngữ pháp. Do vậy, hãy đọc lại và kiểm tra từng câu chữ thật cẩn thận, đừng để lỗi nhỏ này làm mất điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh nhé!
- Viết quá 2 trang
CV vốn dĩ chỉ dành để liệt kê ngắn gọn những gì bạn muốn trình bày, không cần phải giải thích nhiều vì phần đấy sẽ dành cho bài luận cá nhân. Do nó bạn nên tuân theo nguyên tắt viết CV xin học bổng rõ ràng, trình bày các ý chính, bố cục khoa học và dài tối đa là 2 trang A4.
- Tác giả bài viết: Casy Dang -