Chàm vành tai ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp. Nhiều bậc cha mẹ khi con có dấu hiệu của chứng bệnh này thường rất hoang mang lo sợ và lúng túng trong cách xử lý vì không biết chứng bệnh này có nguy hiểm không và nên điều trị như thế nào để con nhanh khỏi. Hiểu được điều đó, Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp các thông tin cần thiết về căn bệnh này để hỗ trợ bố mẹ phần nào trong cuộc hành trình chăm sóc con yêu.
Nhận biết bệnh chàm vành tai ở trẻ sơ sinh
Chàm vành tai là một trong các loại bệnh chàmthường thấy ở trẻ nhỏ. Vị trí xuất hiện chàm tai có thể ở vành tai, ống tai hoặc phần da quanh tai. Trong đó, bệnh chàm xuất hiện ở vành tai là phổ biến nhất.
Trẻ sơ sinh khi bị chàm vành tai sẽ có các dấu hiệu sau:
- Vùng da bị chàm nổi các nốt sần li ti, phát hồng ban nhẹ.
- Các nốt sần phát triển thành các mụn nước rồi. Tiếp đó, các nốt mụn nước vỡ ra và chảy dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Nước dịch tiết ra có thể lan nhanh sang các cùng da xung quanh làm gia tăng phạm vi bị chàm.
- Nước dịch sau đó khô đi, đóng vảy và bắt đầu bong tróc.
- Đi kèm các triệu chứng bên ngoài, trẻ sơ sinh bị chàm luôn trong tình trạng ngứa ngáy vô cùng, trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc, thậm chí bỏ bú, mất ngủ.
Chàm vành tai ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Chàm vành tai về cơ bản không gây nguy hiểm quá lớn đến sức khỏe của con. Theo thời gian, các vùng da bị chàm sẽ tự khô lại và bong tróc, tiếp đó sẽ hình thành nên các tế bào da mới. Tuy nhiên, căn bệnh này lại gây ảnh hưởng rất lớn đến nhịp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của trẻ.
Trẻ sơ sinh bị chàm vành tai sẽ thường xuyên ngứa ngáy, gãi mạnh, quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Thậm chí, khiến bé bỏ bú, mất ngủ và thường xuyên mệt mỏi, cơ thể suy kiệt đáng kể. Nguy hiểm hơn, bệnh chàm vành tai rất dễ bị tái đi tái lại nhiều lần, khó điều trị dứt điểm.
Một vài trường hợp nguy hiểm hơn, bệnh chàm vành tai có thể dẫn đến nhiễm trùng da nếu các nốt mụn nước vỡ ra và không được vệ sinh đúng cách. Do đó, tốt hơn hết, khi bé có các dấu hiệu chàm vành tai cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách, tránh chần chừ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm về sau.
Điều trị chàm vành tai ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Như đã đề cập ở trên, trẻ sơ sinh rất non nớt và nhạy cảm, do đó ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh chàm vành tai hoặc bất kỳ bệnh ngoài da nào khác, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được thăm khám.
Thông thường, chàm vành tai có thể điều trị bằng 2 cách:
- Sử dụng thuốc Tây y: Đó có thể là một số loại thuốc ở dạng uống, bôi hoặc kết hợp cả uống và bôi với công dụng chính là giảm ngứa, chống dị ứng, kháng sinh giúp ngăn ngừa sự lan rộng của chàm, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh và phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Sử dụng các bài thuốc dân gian như: Đắp là trà xanh, lá trầu không,…
Dù điều trị chàm vành tai theo bất kỳ phương pháp nào thì cha mẹ cũng cần thực hiện theo chỉ định của chuyên gia. Tuyệt đối không tự ý chữa chàm vành tai cho con khi chưa được chỉ dẫn hoặc giám sát của các y bác sĩ.
Lưu ý khi chữa chàm vành tai ở trẻ sơ sinh
Bên cạnh việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng cần vệ sinh đúng cách vùng vành tai bị chàm của bé, chườm ấm để xoa dịu cảm giác ngứa ngáy cho con, thường xuyên cắt móng chân, móng tay trẻ tránh tình trạng con gãi mạnh làm xước da từ đó tăng nguy cơ bội nhiễm, vệ sinh sạch sẽ chăn, mũ gối của con, cho bé mặc quần áo thoáng mát, thường xuyên vỗ về an ủi để con bớt khó chịu.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần tránh để con tiếp xúc với các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh như: Lông động vật, khói thuốc, phấn hoa, các loại dầu gội, sữa tắm với chất tẩy rửa mạnh.
Với trẻ sơ sinh bị chàm vành tai, cha mẹ có thể dựa vào loại sữa bé đang uống để bổ sung cho con những dưỡng chất cần thiết nhất. Theo đó, nếu bé đã dùng sữa mẹ thì mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho con. Với các bé bị chàm dùng sữa công thức, thì bạn nên gặp gỡ bác sĩ để được tư vấn xem loại sữa đó có phù hợp hay không.
Chàm vành tai ở trẻ sơ sinh về căn bản là không nguy hiểm. Nhưng bệnh cũng có thể tiến triển nặng và tái đi tái lại nhiều lần nếu cha mẹ không biết can thiệp đúng cách. Do đó, hãy tìm hiểu thật nhiều thông tin về căn bệnh này để phòng ngừa bệnh chàm cho con và chăm sóc con tốt nhất cha mẹ nhé!
Lại Thảo
Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp