Là một hòn đảo ngoài khơi Bình Thuận nên để du lịch Phú Quý cần đi bằng tàu thủy, các bạn nên chọn thời điểm mà biển yên lặng từ (tháng 2-8), ít động thì việc đi lại sẽ thuận lợi hơn. Với Bình Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, thời gian từ khoảng tháng 9-11 có khả năng cao có bão ảnh hưởng đến vùng này, các bạn nên tránh khoảng thời gian này cho an toàn.
Nên du lịch đảo Phú Quý thời gian nào?
Là một hòn đảo ngoài khơi Bình Thuận nên để đi ra đảo Phú Quý cần đi bằng tàu cao tốc, thời gian đi du lịch Phú Quý tốt nhất là từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 âm lịch, còn từ tháng 6 - 9, biển bắt đầu có gió và thời tiết khá thất thường. Với Bình Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, thời gian từ khoảng tháng 9 - 12 có khả năng cao có bão ảnh hưởng đến vùng này, các bạn nên tránh khoảng thời gian này cho an toàn.
Khoảng thời gian tháng 6 là bắt đầu mùa bão ở Việt Nam, tuy nhiên lúc này bão lại chỉ quanh quẩn ngoài bắc nên cũng hầu như không ảnh hưởng đến tận Bình Thuận, các bạn có thể lựa chọn thời điểm này để đi du lịch đảo Phú Quý vì đáp ứng đủ các điều kiện biển êm và nắng đẹp.
Hướng dẫn đi tới đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý là một huyện đảo của tình Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km nên để đến được đảo các bạn cần phải đến Phan Thiết trước tiên sau đó ra bến tàu Phan Thiết đi tàu cao tốc ra đảo Phú Quý.
Từ Hà Nội đến Phan Thiết
Để đến được Phan Thiết từ Hà Nội, nếu muốn tiết kiệm thời gian các bạn bắt buộc phải sử dụng ít nhất 2 loại phương tiện kết hợp là máy bay + ô tô/tàu hỏa. Sân bay gần nhất với Bình Thuận là Cam Ranh hoặc Sài Gòn, tùy thuộc vào việc các bạn đặt được vé nào rẻ hơn thì sử dụng cho hành trình của mình. Tuy nhiên, thực tế thì việc bay vào Sài Gòn rồi từ đây đi Phan Thiết tiện hơn bởi từ Sài Gòn có rất nhiều các chuyến xe đi Phan Thiết chạy liên tục, khoảng 2h30-3h tiếng là các bạn sẽ tới Phan Thiết.
Từ Sài Gòn đến Phan Thiết
Sài Gòn cách Phan Thiết khoảng gần 200km, thời gian di chuyển giữa 2 thành phố này sẽ mất khoảng nửa ngày. Các bạn có thể lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân, hoặc lựa chọn phương tiện công cộng tuỳ theo hành trình của mình.
Tàu hoả
Hàng ngày từ ga Sài Gòn có chuyến tàu SPT1 đi Phan Thiết, khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 6h40 sáng và đến ga Phan Thiết vào lúc 10h15. Tàu mới được đầu tư nâng cấp để phục vụ du lịch nên khá đẹp, khu vực sắp xếp hành lý được thiết kế rất rộng để du khách có thể thoải mái để đồ. Hành khách đi tàu được phục vụ miễn phí nước suối và khăn lạnh.
Trên tàu cũng có riêng một toa ăn uống để phục vụ khách đi tàu, phục vụ một số món ăn nước như phở, mì…ngoài ra còn có cafe và các loại đồ uống khác. Khoang này có khoảng hơn chục bàn có thể chứa được khoảng vài chục người.
Xe giường nằm
Hiện có rất nhiều nhà xe chạy từ Sài Gòn (và một số tỉnh khác) đi Phan Thiết. So với tàu hoả, vé xe giường nằm đi Phan Thiết sẽ rẻ hơn, thời gian chạy đa dạng hơn nên sẽ có nhiều lựa chọn hơn so với việc đi tàu.
Từ Phan Thiết đi Phú Qúy
Từ Phan Thiết, các bạn di chuyển tới cảng Phan Thiết để có thể bắt tàu đi đảo Phú Quý, hiện tại từ Phan Thiết đi Phú Quý có rất nhiều tàu cao tốc ra đảo hằng ngày như Phú Quý Island, Phú Quý Express, Hưng Phát 26, Superdong Phú Quý I và Superdong Phú Quý II. Giờ tàu và lịch chạy tàu sẽ được cập nhật trên website của taucaotoc.vn tại https://taucaotoc.vn/lich-chay-tau/lich-chay-tau-cao-toc-phu-quy vào định kỳ hằng tháng và sẽ thay đổi tùy thuộc theo thời tiết biển. Các bạn có thể theo dõi lịch tàu chạy tại đây. Tàu chạy từ cảng Phan Thiết ra Phú Quý tầm 2 tiếng 30 phút nếu thời tiết đẹp biển êm, còn đi vào tháng sóng lớn thì có thể lâu hơn.
Để đặt tàu cao tốc từ Phan Thiết đi Phú Quý và ngược lại quý hành khách có thể liên hệ: 0889211234 - 0889271234 - 0889371234
Quý hành khách nên liên hệ và tham khảo lịch chạy tàu trước và liên hệ đến các số điện thoại trên 24/7 để đặt hành trình cho mình được thuận lợi hơn.
Đi lại trên đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nên lựa chọn phương tiện di chuyển tại đảo thích hợp nhất chính là xe máy. Xe máy cũng là phương tiện được nhiều du khách thích thú vì bạn cứ tượng tượng hình ảnh ngồi trên chiếc xe vi vu khắp đảo, trên đường bạn có cơ hội chứng kiến nhiều cảnh đẹp hoang sơ, đơn giản nhưng nên thơ mà khi bạn ngồi trong xe ô tô không thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được. Ngoài ra đảo Phú Quý là hòn đảo nhỏ nên có rất nhiều đường hẻm nhỏ, ngóc ngách. Chạy xe bon bon chen chúc vào những con hẻm xem đời sống con người nơi đây, nhất định trải nghiệm này sẽ làm bạn nhớ mãi trong chuyến đi ra Phú Quý này.
Hành khách có thể thuê xe máy trên đảo với chi phí khoảng 100.000 đồng - 150.000 đồng tùy theo từng loại xe. Tại Phú Quý có dịch vụ cho thuê xe ngay tại bến tàu (Cảng Phú Quý) khi đi về du khách cũng trả xe ngay tại đây nên vô cùng thuận tiện.
Lưu trú tại đảo Phú Quý
Đảo tuy nhỏ nhưng cũng có khá nhiều hộ gia đình kinh doanh các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ và cả homestay. Tuy nhiên các bạn nên chủ động gọi điện đặt phòng trước khi ra đảo bởi số lượng khách du lịch đảo Phú Qúy cũng khá nhiều nên đôi khi cũng xảy ra trường hợp số lượng phòng không đủ so với số lượng du khách.
Khách sạn Hưng Phát
Khách sạn Hưng Phát là khách sạn lớn nhất đảo Phú Quý. Nằm ngay tại trung tâm huyện đảo Phú Quý cách cảng Phú Quý chỉ 300m. Rất thuận cho tiện đi lại và vui chơi.Với quy mô rộng hệ thống phòng ốc sang trọng nên chúng tôi luôn luôn là sự lựa chọn nghỉ dưỡng đầu tiên.
Khách Sạn Gồm Có 3 Loại Phòng: Phòng đơn: 1 giường 2 người có giá 300.000.đ/ngày. Phòng đôi: 2 giường 4 người có giá 450.000.đ/ngày. Phòng tập thể: 4 giường 8 người có giá 750.000.đ/ngày
Tuy là khách sạn Hưng Phát chẳng khác gì so với khách sạn 3 *** nhưng giá phòng lại cực kỳ bình dân. Với lại du khách được sử dụng tất cả đồ dùng miễn phí. Wifi tốc độ cao sài hoài không lỗi mạng đâu nhé!
Tất cả các phòng đều được thiết kế sang trọng, cách phối màu và bày trí phù hợp với xu hướng hiện đại ngày nay. Trong phòng có đầy đủ thiết bị nội thất từ TIVI màn hình phẳng, máy lạnh, tủ lạnh, tủ đồ, bàn làm việc, phòng tắm rộng lớn.
Nhà nghỉ Trường Huy
Nhà nghỉ Trường Huy nằm ở vị trí trung tâm của đảo Phú Quý. Gần Cảng, Chợ huyện, Ngân hàng, Bãi tắm Vịnh Triều Dương, Nhà hàng Hải Đảo và các điểm tham quan trên đảo. Có phòng đơn , phòng đôi được thiết kế độc đáo, sang trọng đầy đủ tiện nghi hiện đại, có sân thượng rộng cho quý khách vui chơi và ngắm biển.
Địa chỉ: 354, Võ Văn Kiệt, Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận
Homestay Cô Sang đảo Phú Quý
Yên tĩnh, không gian đơn giản và phù hợp với số đông. Cô chú và anh Giỏi rất đáng mến và hiếu khách. Homestay gần sát bờ biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là một trong những nơi ngắm hoàng hôn tốt nhất trên đảo đối với bản thân mình!
Rất thích món ăn cô Sang làm, nhất là mắm me heheee. Chấm gì cũng ngon, ăn căng cả bụng. Phòng nghỉ tại homestay đảo Phú Quý yên tĩnh, sạch sẽ. Cô Tư chủ nhà thân thiện, nhiệt tình. Được cô giới thiệu nhiệt tình về những điểm du lịch đẹp, cũng như những điểm ăn chơi lí thú nhất.
Địa chỉ: Hẻm 22 Hùng Vương, Thôn Thương Châu, Xã Ngũ Phụng, Đảo Phú Quý
Điện thoại: 093 719 49 08
Homestay Khôi May Đảo Phú Quý
Homestay Khôi May có không gian phòng thoáng mát, sạch sẽ đầy đủ các thiết bị tiện nghi cho sinh hoạt.
Tùy theo nhu cầu mà du khách có thể sử dụng dịch vụ ăn uống và đi lại tại homestay. Đến với Homestay bạn sẽ có những trải nghiệm đầy thú vị trong thời gian lưu trú homestay đảo Phú Quý đấy.
Giá Phòng Chỉ Có 50k/người. Phòng tập thể: 50k/người. Phòng cho 2 người có toilet riêng: 150k/ngày và toilet ngoài: 120k/ngày. Phòng 4 người toilet ngoài: 240/ngày.
Nấu ăn: 25k/ người/buổi. Đặc biệt sẽ phục vụ các bạn có nhu cầu dã ngoại ngoài biển vào ban đêm. Có cho thuê xe máy ở trên đảo: 80k-100k/ngày
Điện thoại: 0937466700 May - 0949976974 Khôi
Hotel Hiền Được Phú Quý
Hotel Hiền Được là một trong những khách sạn giá rẻ tại đảo Phú Quý.
Gồm có 8 phòng (3 phòng đôi, 5 Phòng đơn), Cơ Sở 2 có 9 phòng (1 phòng đôi, 8 phòng đơn) sang trọng với tiện nghi đầy đủ, thoáng mát, sạch sẽ. Tầm quan sát cao, có đại sảnh, ban công, cửa sổ kính rộng nhìn ra biển từ phòng nghỉ.
Có dịch vụ cho thuê xe máy để khám phá Phú Quý
Địa chỉ: 262 - 264 VÕ VĂN KIỆT- X. TAM THANH- H. PHÚ QUÝ- BÌNH THUẬN
Cơ Sở 2: 208 VÕ VĂN KIỆT- PHÚ QUÝ- BÌNH THUẬN
Liên Hệ: Chị Hiền - ĐT: (062) 3 769 265 - 0902 919 678
Nhà nghỉ Thiên Long - Phú Quý
Nhà nghỉ Thiên Long nằm trên đường Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận. Nằm gần khu vực cảng và bãi tắm nên rất thuận tiện cho việc đi lại.
Cách ngã tư cảng phú quý khoản 200m,cách khu du lịch vịnh triều dương khoản 150m
Có 3 loại phòng - Giá phòng từ 250k đến 400k/ đêm
Không gian phòng nghỉ sạch sẽ, có cửa kính lớn nhìn ra khung cảnh bên ngoài cực kì ấn tượng.
Chất lượng phục vụ ở đây cũng được nhiều du khách đánh giá cao.
Địa chỉ: Tam Thanh, Phú Quý, Bình Thuận. Điện thoại: 0623 76 76 76 - 0914 769 11
Nhà Nghỉ An Phú
Nhà nghỉ An Phú là nhà nghỉ bình dân được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
Chất lượng phòng nghỉ cũng như thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên rất tốt, giá phòng phải chăng.
Từ tầng thượng của nhà nghỉ, du khách có thể thưởng ngắm bao quát khung cảnh của đảo Phú Quý, đặc biệt lung linh hơn về đêm. Nhà nghỉ có chỗ giữ xe cho du khách.
Địa chỉ: 74 - 76 Nguyễn Tri Phương, Ngũ Phụng, Phú Quý, Bình Thuận. Điện thoại: 0912547451
Nhà nghỉ Chấn - Phú Quý
Không tăng giá dù đó là ngày lễ hay tết. Giá phòng 250k/phòng 2 người. Nhà nghỉ còn cung cấp thêm các dịch vụ như: xe đưa đón du khách đến các điểm du lịch, cho thuê xe máy, dụng cụ câu cá.
Địa chỉ: Mỹ Khê, Tam Thanh, Đảo Phú Quý
Các địa điểm du lịch ở đảo Phú Quý
Hải đăng Phú Quý
Núi Cấm là một trong hai ngọn núi ở Đảo Phú Quý với độ cao 108m so với mực nước biển, cách Cảng Phú Quý khoảng 3 km về hướng tây, nằm trên địa bàn xã Ngũ Phụng. Trên đỉnh núi Cấm có một ngọn Hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Hải Đăng Phú Quý cao 18m, tháp đèn hình vuông. Bên dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng dành cho nhân viên trực đèn. Đèn có tầm chiếu xa 22 hải lý, tọa độ của đèn là 10 độ 32’05’’ vĩ độ Bắc, 108 độ 55’07’’ kinh kinh độ Đông.” Ngọn Hải đăng này có tác dụng giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí của mình, ngoài ra nó còn có mục đích quan trọng là xác định chủ quyền biển đảo đất nước.
Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá men theo sườn núi, dài khoảng 200m. Từ đây chúng ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Phú Quý, là điểm ngắm cảnh lý tưởng cho du khách với phong cảnh hết sức hữu tình và nên thơ.
Chùa Linh Bửu
Khởi nguyên Chùa được xây dựng đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi, Tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa Thượng Tường Kim. Hiện nay Chùa Linh Bửu đã được Ban hộ tự phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Chánh điện được xây dựng bằng bê tông cốt sắt có tiền đường và cổ lầu. Trên cổ lầu được trang trí rồng phượng rất đẹp. Đứng từ xa nhìn vào Chùa ẩn hiện trong những tàng cổ thụ, thấp thoáng khi ẩn khi hiện khiến cho tâm hồn ta được nhẹ nhàng thoát tục.
Chùa Thạnh Lâm
Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: Cổng Tam quan, Bảo tháp, Tháp bia, Tháp chuông, Chính điện và nhà Tổ.
Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật còn được thưởng thức những nét đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý, trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những công trình kiến trúc, hiện vật lớn và đẹp nhất hiện nay tại các di tích ở Bình Thuận.
Lăng cô Mỹ Khê (Vạn Mỹ Khê)
Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 231 năm tồn tại. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.
Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch. Lễ tế xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.
Lễ kỵ Cố diễn ra ngày 20 tháng tư âm lịch, đây cũng là dịp lễ hội chính yếu và quan trọng nhất hàng năm của vạn. Đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển.
Vạn An Thạnh
Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý. Vạn ở vị trí cách trung tâm huyện khoảng 2.5km về hướng Đông Nam. Vạn An Thạnh được kiến tạo hoàn chỉnh năm Tân Sửu 1781 theo lối kiến trúc dân gian của người Việt như dạng đình làng trong đất liền, các kiến trúc chính gồm chính điện, nhà Tiền hiền, Võ ca. Bên trong vạn còn có chỗ chứa xương cốt cá voi gọi là Tẩm.
Vạn An Thạnh đến nay còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá Voi.
Bãi Triều Dương
Bãi Triều Dương nằm trong Vịnh Triều Dương, chỉ cách cảng Phú Qúy khoảng chừng 1km, với bãi cát phẳng và rộng, trắng mịn, nước biển trong xanh, trên bờ có một rừng dương rợp bóng nên đây là điểm đến lý tưởng để cắm trại, tắm biển. Với người dân địa phương thì đây là nơi để nghỉ mát ban trưa hay hóng gió biển mỗi chiều về.
Bãi đá đảo Phú Quý
Bãi đá nằm ngay khu vực cột cờ, nhìn thẳng ra biển. Đây là nơi có phong cảnh đẹp để các bạn có thể làm một bộ ảnh sống ảo giữa bao la biển trời.
Bãi Nhỏ Gành Hang
Là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý với hình lưỡi liềm được giới hạn bởi những mũi đá nhô ra biển. Bãi cát tuy nhỏ nhưng rất thoáng đãng và yên tĩnh. Nước biển ở đây trong xanh, ít ghe thuyền neo đậu, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách nào muốn hòa mình vào với thiên nhiên.
Cột cờ đảo Phú Quý
Cột cờ Tổ quốc tại đảo Phú Quý được xây dựng ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với chiều cao 22,6 m, bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra biển. Công trình có kiến trúc gồm đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Cờ vải kích thước 4 x 6m được may với chất liệu vải bền vững với đặc thù gió biển.
Cột cờ trên đảo Phú Quý như một tấm bia chủ quyền vững chãi giữa biển, khẳng định vùng lãnh thổ trên biển của Việt Nam.
Dinh mộ Thầy Sài Nại
Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là tên gọi kính cẩn của người dân trên đảo đối với vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải).
Hàng năm tại đền thờ thầy Sài Nại diễn ra lễ hội chính vào ngày mùng 4 tháng tư âm lịch, người dân trên đảo gọi là lễ Giao phiên kỵ Thầy. Đây là mốc thời điểm kết thúc phiên trách thờ phụng, cúng tế của làng trước đó và chuyển giao phiên trách lại cho làng kế tiếp; làng đến phiên thờ phụng sắc phong phải sắm sửa đoàn lễ theo đúng tập tục gồm (kiệu, cờ đại, cờ trung, cờ tiểu, tàng, lọng, chiêng, trống, bát bửu…) để tiếp nhận và thỉnh sắc phong về an vị và thờ phụng tại làng mình.
Đền thờ công chúa Bàn Tranh
Đền thờ công chúa Bàn Tranh được gọi theo tên của công chúa vương quốc Chămpa là Bàn Tranh. Đền thờ do người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI để thờ công chúa Bàn Tranh, toạ lạc tại xã Long Hải.
Truyền thuyết kể rằng, công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Từ đó họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ.
Núi Cao Cát
Là một quần thể thắng cảnh đẹp của Phú Quý. Núi Cao Cát được dân đảo xem như ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía Bắc đảo, nơi đây có tượng Phật Bà Quan Âm rất uy nghi được đặt trên đỉnh núi. Từ trên đỉnh Cao Cát, du khách có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.
Phong điện Phú Quý
“Phong điện” là những chiếc quạt gió được xây dựng để tạo ra nguồn điện phục vụ cho người dân trên đảo. Trên đảo hiện có 3 cây quạt gió, được biết mỗi cây có chiều cao là 60m, và chiều dài của cánh quạt là 37m. Từ trên ngọn hải đăng và đỉnh núi chùa Linh Sơn bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc quạt gió khổng lồ này. Đặc biệt, đường ra tham quan những cây quạt gió này rất đẹp, một bên là biển, một bên là những hàng dương trồng dọc hai bên đường đi trông rất đẹp mắt.
Chợ hải sản Phú Quý
Từ khi Phú Quý được biết đến là một địa chỉ du lịch, huyện đảo Phú Quý đã đầu tư, quản lý các khu chợ cá bài bản hơn, phục vụ du khách sau khi đến đây tham quan, du lịch, mua hải sản tươi sống ngay tại bãi biển mang về đất liền. Các phiên chợ cá dần trở thành nơi trao đổi mua bán trực tiếp giữa ngư dân và khách du lịch. Dọc bờ biển Phú Quý có rất nhiều điểm chợ bán hải sản, tuy nhiên khu chợ tại cảng Phú Quý là nơi tập trung nhiều tàu thuyền nhất và cũng là chợ hải sản lớn nhất trên đảo.
Hòn Tranh
Hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ nằm giữa bốn bề sóng vỗ, cách đảo lớn (Phú Quý) khoảng 15 phút đi xuồng máy. Hòn Tranh nổi lên như một niềm kiêu hãnh giữa đại dương bao la ngập sóng. Gọi là hòn Tranh, vì lúc xưa nơi đây mọc nhiều cỏ tranh, người dân từ hòn lớn qua hòn Tranh làm rẫy, cắt cỏ tranh về lợp mái nhà. Theo những người cao tuổi ở đảo kể lại: “trước đây, hàng năm vào mùa gió Bấc, hải vật thường tấp vào bãi nồm của hòn Tranh, người ta lập đội Hải Môn để đi lấy. Trên hòn Tranh có Miếu thờ một vị tướng đã bảo vệ cho Nguyễn Phúc Ánh khi bị quân Tây sơn truy đuổi, được sắc vua Minh Mạng phong chức “Bắc Quân Đô Đốc Phủ Chưởng Phủ Sư Tạng Thái Bảo Trấn Thủ Quân Chi Thần”. Năm 1976, Tôn Thất Quỳ, nha phái viên hành chính của chế độ cũ đặt thêm trong Miếu thờ ảnh Vua Gia Long.
Ăn gì ở đảo Phú Quý
Về vấn đề ăn uống, bạn sẽ không thể bỏ qua những món hải sản đặc biệt, trong đó món gọi là “nếu chưa ăn thì chưa du lịch Phú Quý” đó là cua huỳnh đế và tôm hùm. 2 quán khá nổi tiếng dành cho khách du lịch đó là Cột Buồm, Hải Thắm. Ngoài ra mình rất thích ăn món hàu đá ở đây, con hàu to, thịt dòn thơm không giống như hàu bình thường mình ăn.
Đặc biệt có 2 món mình được người dân địa phương giới thiệu đó là cá nóc xào sả ớt. Món này được bán tại quán Ông Già, các bạn tìm tên quán trên Google Map để đi nhé, tại đường đi khá khó.
Món tiếp theo là bò nóng (quán bán món này nổi tiếng là Hòa Thướng). Khách gọi thịt bò theo gram, quán sẽ mang cho bạn miếng bò chưa chín. Việc của bạn là tự chế biến theo những món mà bạn thích (quán chuẩn bị đầy đủ đồ và gia vị).
Cua mặt trăng
Món cua mặt trăng là đặc sản quý hiếm vào hàng bậc nhất ở đảo Phú Quý. Những hình tròn màu đỏ đậm, pha vào màu hồng tươi trên mai cua trông như mặt trăng chính là lý giải cho cái tên đặc biệt của loài cua này.
Cua mặt trăng sống ẩn náu trong các khe đá san hô, nổi tiếng vì thịt rất ngọt thơm, săn chắc, nhất là khi trăng mọc, trong khi các loài cua khác lại thường bị ốp vào thời kỳ này. Cua đem hấp hoặc nướng than, mang ra chấm với muối tiêu chanh, thịt cua ngon đến mức chỉ nếm qua một lần, bạn sẽ nhớ mãi.
Cua Huỳnh Đế
Cua huỳnh đế màu đỏ hồng, mai hình vuông. Đầu cua dài, càng và que ngắn. Loại cua này có rộ nhất là vào tháng 12 Âm lịch.
Thịt cua không chỉ chắc, mà phần gạch cua còn thơm và béo ngậy. Cua huỳnh đế có thể chế biến nhiều cách như hấp, nướng than, nhưng đặc biệt phải kể đến món cháo.
Cua được rửa sạch đem hấp chín để giữ độ ngọt. Tách lấy phần gạch để riêng, phần thịt cua ướp gia vị rồi xào sơ trong chảo dầu cho thấm. Cháo nhừ, cho thịt cua vào, sôi lên lại cho tiếp gạch cua, hành tây cắt lát, hành ngò và rắc tiêu. Tô cháo có màu vàng của lớp mỡ, màu đỏ của gạch cua, màu trắng của thịt cua, vừa bắt mắt vừa hấp dẫn tuyệt vời.
Ốc nhảy Phú Quý
Ốc nhảy là món ăn nổi tiếng ở các vùng biển đảo Việt Nam như Phú Quý, Trường Sa,… Loại ốc này chỉ có ở các vùng biển ấm nóng. Ốc nhảy có miếng mày cứng làm dụng cụ để nhảy di chuyển.
Sở dĩ gọi đây là ốc nhảy vì ốc có cách di chuyển độc đáo, ốc dùng vảy chân cắm xuống mặt đáy rồi thu người búng mạnh để di chuyển, tùy theo dòng chảy mà có khi ốc búng được xa đến gần nửa mét.
Thịt của ốc nhảy rất giòn, thịt ngọt và béo, là một trong những đặc sản ngon trong các loại ốc. Ốc nhảy phù hợp để làm món hấp sả, nướng mọi….mỗi món có mùi vị đặc trưng riêng biệt nhưng vẫn phổ biến nhất vẫn là hấp sả kèm theo chén mắm gừng ngon tuyệt vời…..
Tôm hùm
Tại cầu cảng hay các nhà hàng hải sản địa phương đều có đặc sản này. Có rất nhiều cách chế biến để bạn thưởng thức hương vị hấp dẫn của tôm hùm như hấp, nướng, làm gỏi, nấu cháo….. Tôm khi chín, bóc hết vỏ lộ ra lớp thịt trắng ngần với từng thớ thịt rất săn chắc, ngon lành.
Cá mú đỏ
Loại cá này được xem là số một khi nói đến độ chắc ngọt của thịt cá, cùng mùi thơm tự nhiên. Để nếm được trọn vẹn vị ngon, người ta thường ăn món cá mú đỏ hấp gừng.
Cá hấp với gừng, hành bào, nước tương, vừa chín tới, sẽ có lớp da đỏ tươi béo giòn, thớ thịt trắng phau cùng mùi hương thơm lừng hấp dẫn khứu giác lẫn vị giác. Ngoài ra, món cá mú chiên sốt me cũng là một lựa chọn rất hấp dẫn dành cho các thực khách.
Cá mú bông
Cá mú bông ở đảo Phú Quý tươi rói, thân đẫy đà trơn mướt. Cá mú bông chỉ ăn mồi sống như tôm, cua nên thịt thơm và ngon ngọt, thường được nấu chua hoặc xào với cà, khế, rau mùi.
Tuy nhiên, đặc sắc nhất phải kể đến lớp da của cá màu đen dày 1 cm, lốm đốm vàng nghệ, đôi chỗ ngả màu cam, tưởng chừng tươm mỡ. Da cá được đem phơi thật khô rồi cắt miếng nhỏ, rang cát, ngâm nước cho nở phồng, trộn đều với đậu phộng rang, rau răm cắt nhỏ, tỏi, ớt, nước mắm.
Hải sâm
Theo ngư dân, ở đây có khoảng 100 loài hải sâm nhưng chủ yếu phân biệt được 10 loại. Hải sâm còn gọi là đồn đột, là món ăn quý và đắt tiền vì chúng cung cấp nguồn dinh dưỡng cao, đồng thời có tác dụng như một loại thuốc bổ. Hải sâm thường được nấu với các vị thuốc bắc cùng thịt bồ câu, gà ác, móng heo, chân bò, gân nai.
Cá thu
Đảo Phú Quý vốn có tên là cù lao Thu, vì ở đây có rất nhiều cá thu. Cá thu trên đảo đặc biệt thơm ngon và được chế biến thành rất nhiều món mang hương vị rất đặc trưng.
Các món mực
Nói về hải sản Phú Quý, không thể không kể đến các loại mực, đặc biệt là loại mực cơm. Mực cơm Phú Quý tươi, săn chắc và rất nhiều cơm trong mỗi con mực. Ngư dân Phú Quý tự hào khi mực cơm trên đảo chiếm khoảng 30% mực của cả nước, được ví như là “đảo mực” của cả nước.
Bò nóng Phú Quý
Phú Quý là đảo nên nổi tiếng về hải sản là điều không gì lạ. Nhưng đặc biệt là ở đây còn nức danh với món “bò nóng”. Bò Phú Quý được chăn thả, cho ăn cỏ tự nhiên nên thịt mềm ngọt, săn chắc, ít mỡ. Bò nóng ý chỉ thịt bò tươi được làm và bán hết trong ngày nên đảm bảo hương vị thơm ngon hơn hẳn.
Khách có thể chọn thịt tươi tại chỗ, tự chế biến thành nhiều món đa dạng. Có thể kể đến món bò tái chanh cuốn rau sống, bò nướng thơm lừng da giòn mềm không dai, bò xào lăn, bò hấp gừng. Và không thể không nhắc món cháo bò.
Lịch trình đi du lịch đảo Phú Quý
Một số lịch trình đi phượt đảo Phú Quý hoặc tour đảo Phú Qúy để các bạn tham khảo. Do phải đến được Phan Thiết trước khi đi ra đảo nên các bạn có thể sắp xếp thêm thời gian để kết hợp du lịch Mũi Né và du lịch Phan Thiết.
Sài Gòn - Phan Thiết - Phú Quý - Sài Gòn
Ngày 1: Sài Gòn - Phan Thiết
Khởi hành từ Sài Gòn lúc sáng sớm đến khoảng trưa các bạn có mặt ở Phan Thiết. Tìm một homestay nào đó ở lại 1 đêm, tranh thủ khám phá một vài địa điểm du lịch ở Tp Phan Thiết.
Ngày 2: Phan Thiết - Phú Quý
Sáng có mặt ở cảng tàu đi đảo Phú Quý, tùy tàu mà thời gian ra đảo mất khoảng từ 2-6 tiếng. Nói chung khoảng đầu giờ chiều có mặt ở Phú Quý
Nhận phòng, nghỉ ngơi ăn trưa rồi thuê xe máy đi khám phá đảo
Đi một vòng núi Cao Cát, chùa Linh Sơn, hải đăng Phú Quý, hệ thống phong điện, Gành Hang và cột cờ Phú Quý
Chiều tối về khách sạn nghỉ ngơi rồi đi ăn.
Ngày 3: Khám phá Phú Quý
Dậy sớm để ngắm bình minh trên đảo. Khu vực Gành Hang hoặc bãi Triều Dương khá phù hợp.
Ăn sáng, uống cafe và tiếp tục khám phá đảo
Trưa có thể lựa chọn một nhà bè nào đấy để thưởng thức hải sản tươi sống. Chiều tắm biển rồi tiếp tục khám phá các địa điểm còn lại trên đảo
Tối nghỉ ngơi trên đảo một đêm nữa, có thể lượn lờ quanh đảo để uống cafe
Ngày 4: Phú Quý - Phan Thiết - Sài Gòn
7h sáng tàu từ Phú Quý về lại Phan Thiết. Đến khoảng trưa có mặt lại ở Tp Phan Thiết, nghỉ ngơi ăn một vài món ngon ở Phan Thiết.
Chiều quay lại Sài Gòn, kết thúc hành trình.
Một số lưu ý khi đi đảo Phú Quý
Các bạn nên đặt vé trước khi ra đảo nhất là vào những dịp lễ tết, lượng người dân sinh sống trên đảo khá nhiều nên những dịp này cộng thêm với lượng du khách đổ về, rất khó để mua vé tàu. Bạn nên mua vé khứ hồi, đặt sớm để chọn chỗ ngồi tốt tránh say sóng. Vị trí nên chọn là phía đầu tàu, không gần máy lạnh. Nếu xuất phát thẳng từ TP HCM, bạn nên lên xe buổi tối và đến cảng Phan Thiết vào sáng sớm để lên tàu ra đảo luôn.
Trên đảo hiện có nhiều cơ sở lưu trú gồm nhà nghỉ, khách sạn, homestay, villa, đều có dịch vụ đưa đón, thuê xe tại cảng. Vì hòn đảo không lớn, diện tích chưa đầy 17 km2, khoảng 50.000 đồng tiền xăng có thể khám phá hết đảo.
Ngoài đảo Phú Quý có ngân hàng Agribank và ATM của ngân hàng này. Tuy nhiên để tránh các trường hợp rủi ro, các bạn nên rút và mang theo lượng tiền đủ cho những ngày ở đây trước khi ra đảo.
Đồ ăn ở Phú Quý rất ngọt. Mình đã đi hết 10 ngày ở miền Tây vẫn ăn được, nhưng riêng Phú Quý, mình xin chịu. Tuy nhiên, những quán hải sản lớn chế biến cho khách du lịch nên vị vừa ăn, bạn không phải lo nhé.
Cuối cùng: có thể bạn không ăn tôm hùm hay cua huỳnh đế, nhưng hãy uống nước dừa thay nước lọc, vì rất ngon!