Tác giả của 32 bài báo trên tạp chí y học quốc tế
Xuất phát từ mong muốn cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, 11 năm trước, anh Duy chọn bước chân vào con đường Y khoa để nghiên cứu. Anh theo học Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y dược TPHCM từ 2005 đến 2011. Sau đó, chàng trai 8x lên đường sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh từ 2012 đến 2016. Một năm sau đó anh ở lại nghiên cứu sau Tiến sĩ và thực hành lâm sàng về chuyên ngành Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng.
Thời gian đầu học ở Hàn Quốc, do chưa quen với phong cách làm việc ở nước bạn và sự khác biệt về ngôn ngữ khiến anh Duy gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, Giáo sư nước ngoài cũng chưa biết rõ về năng lực của anh nên cũng có chút hoài nghi. Tuy nhiên, với tâm niệm không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn là hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài, anh Duy đã cố hết sức mình để học thêm tiếng Hàn, giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp người Hàn Quốc. Qua đó, anh chứng minh được năng lực của mình.
Trở về Việt Nam năm 2018 với nền tảng kiến thức vững vàng, BS Duy tập trung vào những nghiên cứu cơ bản như thay đổi suy nghĩ trong thực hành lâm sàng về việc bôi dưỡng ẩm, lựa chọn dưỡng ẩm trong điều trị viêm da cơ địa, hoặc việc lựa chọn các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân mày đay mạn tính.
Trải qua quá trình học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm từ nước ngoài, đến nay, chàng trai 8x có 32 bài báo khoa học đăng trên tạp chí y học quốc tế và 7 bài báo trong nước chủ yếu nghiên cứu về các bệnh lý dị ứng như hen suyễn, mày đay, viêm da cơ địa…
Giải thưởng "Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam" năm 2020
Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020
Một trong 12 "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" được vinh danh ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021.
Chỉ trong năm 2020, Bác sĩ Duy đã nhận "dồn dập" các giải thưởng về nghiên cứu khoa học, thầy thuốc trẻ tiêu biểu.... đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của mình.
Ngoài ra, trong năm 2021, TS.BS Duy đã được tổ chức Hen-Dị ứng & Miễn dịch Châu Á-Thái Bình Dương (APAAACI) mời tham gia báo cáo tại các hội thảo chuyên ngành của khu vực: Hội nghị thường niên APAAACI 2021; Chương trình Master Classs về mày đay và viêm da cơ địa; Chương trình thảo luận chuyên gia về Viêm da cơ địa.
Là một trong những người theo dõi và trực tiếp đánh giá quá trình công tác, giảng dạy, nghiên cứu của BS Phạm Lê Duy, PGS.TS. Ngô Quốc Đạt (Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM) cho biết: “Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, BS Duy đã có đóng góp đáng kể qua số lượng bài báo được đăng trên tạp chí y học quốc tế. Hòa chung với xu hướng hội nhập, đối với các giảng viên trẻ, nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện làm nghiên cứu và đăng báo quốc tế để cùng nâng tầm giá trị của trường trong mắt bạn bè quốc tế. Và TS.BS Duy là một trong những giảng viên trẻ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhà trường”.
Hàng năm, TS.BS Duy cũng tích cực hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên và học viên sau đại học với các nghiên cứu đã được báo cáo tại các hội thảo quốc tế như Hội nghị Hen-Dị ứng & Miễn dịch lâm sàng Châu Âu (EAACI) 2021, Hội nghị Dị ứng thế giới 2021 (WAC), Hội nghị quốc tế do hội Hen-Dị ứng & Miễn dịch Lâm Sàng Hàn Quốc (KAAACI) tổ chức.
Theo BS Duy, những ý tưởng bắt nguồn cho hoạt động nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ thực tiễn, nhưng để tạo ra một cái gì mới hoặc mang tính đột phá phải bắt đầu từ nghiên cứu khoa học cơ bản, sau đó dần đưa vào các mô hình động vật, rồi đến người, rồi mới đến việc áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Bất kỳ một sáng tạo nào cũng cần có nền tảng về lý thuyết đúng đắn và thực tế. “Do đó, tôi luôn quan niệm, nghiên cứu dù cơ bản hay lâm sàng đều đáng quý và đáng quan tâm, đầu tư thực hiện. Tôi tự ý thức được rằng, trong nước và quốc tế có rất nhiều nhà khoa học, bác sĩ khác có nhiều công trình nghiên cứu lớn, ý nghĩa cho cộng đồng. Vì vậy, tôi không nghĩ mình tạo được bước tiến gì lớn lao, mà chỉ đơn giản góp phần nhỏ để làm giàu có thêm kiến thức và hiểu biết về một chuyên ngành hẹp - chuyên ngành Dị ứng, Miễn dịch”, Bác sĩ Duy chia sẻ.
Thủ lĩnh Đoàn “không mệt”
Đối với nhiều người, BS Duy nổi bật với 2 màu áo: tận tâm, chu đáo, trách nhiệm khi khoác áo blouse trắng và nhiệt huyết, năng động khi là một thủ lĩnh Đoàn.
Chia sẻ về những năm tháng hoạt động Đoàn ý nghĩa, BS Duy (Nguyên Bí Thư Đoàn Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cảm thấy hạnh phúc khi được trải qua 3 giai đoạn trưởng thành gắn với Đoàn, Hội: “Tôi nhận ra, hoạt động Đoàn là điều mình không thể thiếu, giúp tôi “xài bớt” năng lượng mà mình có, cảm thấy mình là người có ích cho các bạn học sinh, đoàn viên khác thời trung học.
Lên đến đại học, do đặc trưng ngành nghề cần phải đầu tư thời gian học tập khá căng thẳng, nhưng tôi lại thấy hoạt động Đoàn giúp mình dạn dĩ hơn, hoà đồng hơn và có thêm các kỹ năng trong việc giao tiếp với bệnh nhân, với các anh chị, thầy cô.
Sau khi tốt nghiệp và đi làm, tôi nhận ra hoạt động Đoàn dạy mình biết cách sắp xếp công việc, phát triển tư duy tổ chức và điều đó thực sự rất có ích khi mình phải làm một lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau. Càng ngày, tôi càng nhận ra Đoàn không chỉ “vui”, mà còn rất có ích cho sự phát triển bản thân và xã hội".
Một trong những dấu ấn đáng nhớ nhất của TS.BS Duy trong vai “thủ lĩnh Đoàn” đó là khi anh trở thành một mảnh ghép quan trọng trong nhiệm vụ chống dịch cùng với 3.000 sinh viên, giảng viên, bác sĩ của Đại học Y Dược TP HCM và các đơn vị khác khắp cả nước.
“Đỉnh dịch năm 2021, Đoàn Khoa Y đã huy động lực lượng sinh viên, đoàn viên tham gia chống dịch trên địa bàn TP.HCM ở tất cả các mặt trận: tham gia tiêm chủng, lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ điều trị tại các bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, Đoàn Khoa Y cùng Ban chủ nhiệm - Đảng ủy khoa đã xây dựng mô hình quản lý F0 từ xa, huy động hơn 3.000 sinh viên, giảng viên, bác sĩ để giúp hơn 30.000 người mắc COVID-19 theo dõi và điều trị tại nhà”, TS.BS Duy nhớ lại.
Nhận được sự tín nhiệm của đông đảo các bạn đoàn viên, BS Duy cho rằng, để thu hút sinh viên tham gia vào hoạt động tập thể không phải cứ kêu gọi là được, mà phải xuất phát từ ý nghĩa sâu xa của một hoạt động nào đó. Cụ thể, anh nói: “Thay vì tìm cách thu hút các bạn với hoạt động do mình đề ra, nên đầu tư để xây dựng các hoạt động mang ý nghĩa thực tế, có ích cho từng cá nhân và cả tập thể, cả cộng đồng, có tính trẻ, năng động, vui tươi, và lồng ghép việc giáo dục vào hoạt động một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, chứ đừng giáo điều, đừng khô khan khiến người tham gia cảm thấy áp lực, nặng nề”.
Sở dĩ, gọi BS Duy là một thủ lĩnh Đoàn “không mệt” bởi anh luôn cân bằng thời gian theo nguyên tắc sắp xếp 4 mục: khẩn-quan trọng, khẩn-không quan trọng, không khẩn-quan trọng và không khẩn-không quan trọng để biết bản thân nên làm gì trước sau. Vì thế, một ngày của BS Duy trôi qua với nhiều công việc như giảng dạy, soạn bài, nghiên cứu, khám chữa bệnh, hoạt động Đoàn hội nhưng vẫn dành được thời gian chăm sóc nhà cửa, chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
BS. Lê Thị Kiều Nhi (cựu sinh viên ĐH Y Dược TP HCM) chia sẻ với Tiền Phong: "Được TS.BS Phạm Lê Duy hướng dẫn nghiên cứu khoa học và chia sẻ chuyên môn, tôi đã học được từ thầy phong thái làm việc khoa học, chỉn chu. Hơn thế nữa, tôi rất ngưỡng mộ thầy ở phong cách sống tích cực, tinh thần yêu nghề, cũng như mong muốn phát triển ngành Miễn dịch - Dị ứng vẫn còn non trẻ để có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân hơn trong tương lai".