Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là hai chỉ số cơ bản để đánh giá tình trạng sức khỏe của một người. Ở mỗi người, mỗi độ tuổi sẽ có chỉ số huyết áp và nhịp tim không giống nhau. Huyết áp và nhịp tim có thể tác động lẫn nhau theo những cách khác nhau.
Huyết áp và nhịp tim là hai dấu hiệu sinh tồn của cơ thể người
Huyết áp và nhịp tim luôn song hành trong suy nghĩ của mọi người. Đây là hai dấu hiệu sinh tồn thường được đo cùng lúc tại phòng khám. Huyết áp là thước đo áp lực của máu lên thành mạch máu. Mạch máu có thể giãn ra hoặc co lại để kiểm soát huyết áp. Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút và được quyết định bởi hệ thống điện dẫn truyền của tim.
Huyết áp và nhịp tim được kiểm soát riêng biệt. Tuy nhiên, chúng có thể tác động lẫn nhau và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Mối quan hệ giữa huyết áp và nhịp tim
Mặc dù đo huyết áp và nhịp tim đều liên quan đến hệ thống tim mạch, nhưng chúng lại đóng những vai trò khác nhau.
1. Yếu tố kết nối giữa huyết áp và nhịp tim
Nhịp tim và huyết áp có sự tác động qua lại lẫn nhau theo nhiều cách. Mối liên hệ giữa nhịp tim và huyết áp thường dễ nhận thấy nhất khi nhịp tim hoặc huyết áp ở mức rất cao hoặc rất thấp. Huyết áp và nhịp tim thường tăng giảm cùng nhau. Ví dụ, khi đối mặt với nguy hiểm, huyết áp và mạch có thể tăng vọt cùng lúc.
Tuy nhiên, nếu nhịp tim tăng, không đồng nghĩa với việc huyết áp cũng sẽ tăng, hoặc ngược lại nhịp tim giảm thì huyết áp có thể sẽ không giảm theo. (1)
2. Sự khác nhau giữa huyết áp và nhịp tim
Nhịp tim và huyết áp được kiểm soát riêng biệt. Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút. Khi đập, tim sẽ bơm máu giàu oxy đi khắp cơ thể và đưa máu nghèo oxy quay trở lại phổi. Cơ thể sẽ tự động kiểm soát nhịp tim để phù hợp với những chuyển động khác nhau và môi trường xung quanh tại mỗi thời điểm. Do đó, khi hoạt động mạnh hoặc sợ hãi, phấn khích, nhịp tim tăng nhanh hơn và giảm xuống khi nghỉ ngơi. Nhịp tim có thể thay đổi theo từng phút và khác nhau tùy vào từng độ tuổi. Ở người lớn, nhịp tim dao động từ 60-100 nhịp/phút.
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, được thể hiện bằng hai chỉ số:
- Huyết áp tâm thu: Là chỉ số ở phía trên, số lớn hơn, thể hiện áp lực của dòng máu lên lòng mạch ở thì tâm thu, phản ánh khả năng bơm máu của tim đi tới các hệ cơ quan trong cơ thể.
- Huyết áp tâm trương: Chỉ số ở phía dưới, số nhỏ hơn, là áp lực máu thấp nhất trong mạch máu xảy ra giữa các nhịp tim.
Giá trị của chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương cho biết tình trạng sức khỏe của hệ thống tim mạch và cung cấp thông tin về các tình trạng như huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Huyết áp có thể thay đổi do nhiều yếu tố tác động như: Hoạt động, nghỉ ngơi, tuổi tác, tâm lý, sử dụng thuốc, thói quen ăn uống, sinh hoạt…
Các yếu tố tác động đến chỉ số huyết áp và nhịp tim
Cả huyết áp và nhịp tim đều sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nếu những yếu tố tác động này khiến huyết áp và nhịp tim tăng quá cao hoặc quá thấp, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Do đó, cần hiểu rõ về những yếu tố này để có các giải pháp khắc phục hoặc phòng ngừa hiệu quả.
1. Những yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp
Huyết áp bị ảnh hưởng bởi hệ thần kinh, hormone, lượng máu lưu thông và tim. Các mạch máu có các thụ thể đặc biệt trên đó cho phép chúng giãn ra và co lại để đáp ứng với những thay đổi khác nhau. (2)
Huyết áp thấp
Các yếu tố gây huyết áp thấp bao gồm:
- Thời điểm hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh hơn như khi đang ngủ;
- Lượng máu thấp do chảy máu quá nhiều hoặc bị mất nước;
- Sốc nhiễm trùng, trong đó các mạch máu bị giãn do viêm, nhiễm trùng;
- Sốc tim;
- Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc tuyến tiền liệt, thuốc ức chế phosphodiesterase.
Huyết áp cao
Khoảng 90% các trường hợp huyết áp cao không xác định được nguyên nhân. Các yếu tố khác dễ đưa đến bệnh cao huyết áp bao gồm: tuổi tác, tiền sử gia đình, thói quen ăn mặn, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, béo phì, thừa cân, stress.
Huyết áp cao thứ phát chiếm khoảng 10% ca bệnh, thường là do: mắc bệnh thận, bệnh lý tuyến thượng thận, bệnh lý về nội tiết, hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc như corticoides, thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai… có thể khiến huyết áp tăng cao.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim bao gồm:
- Tuổi tác;
- Mức độ hoạt động thể chất;
- Mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao hoặc tiểu đường;
- Nhiệt độ: Khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, tim bơm máu nhiều hơn nên nhịp tim tăng, nhưng thường không qua 5-10 nhịp/phút;
- Vị trí cơ thể: Khi nghỉ ngơi, ngồi hoặc đứng, nhịp tim của bạn thường giống nhau;
- Cảm xúc: Khi căng thẳng, lo lắng hoặc quá phấn khích có thể làm nhịp tim tăng cao và khi ổn định tâm lý lại thì nhịp tim cũng sẽ dần ổn định;
- Béo phì, thừa cân;
- Sử dụng một số thuốc như thuốc trị hen suyễn, thuốc chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp có xu hướng làm tăng nhịp tim. Các loại thuốc bao gồm thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi và digoxin có thể làm chậm nhịp tim.
Bảng chỉ số huyết áp và nhịp tim bình thường chuẩn theo độ tuổi
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi. Huyết áp và nhịp tim chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả yếu tố bên trong và môi trường bên ngoài cơ thể. (3)
Tuổi Nhịp tim (Nhịp/phút) Huyết áp tâm thu (mmHg) Huyết áp tâm trương (mmHg) 0-3 tháng 100-150 65-85 45-55 3-6 tháng 90-120 70-90 50-65 6-12 tháng 80-120 80-100 55-65 1-3 tuổi 70-110 90-105 55-70 3-6 tuổi 65-110 95-110 60-75 6-12 tuổi 60-95 100-120 60-75 >12 tuổi 55-85 110-135 65-85Tham khảo bảng chỉ số huyết áp và nhịp tim bình thường theo độ tuổi được trích dẫn trong Sách giáo trình Nhi khoa Nelson, tái bản lần thứ 17, 2004.
Cách đo huyết áp và nhịp tim cùng lúc
Để đo huyết áp và nhịp tim cùng lúc, trước tiên cần ngồi nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát, sau đó thực hiện đo bằng máy đo huyết áp điện tử. Thời điểm tốt nhất là nên đo vào buổi sáng, thỉnh thoảng nên đo vào buổi tối. Không nên đo sau khi tập thể dục vì lúc này nhịp tim và huyết áp đang tăng cao. Lưu ý trong quá trình đo huyết áp và nhịp tim, ngồi đúng tư thế, không bắt chéo chân vì nó có thể làm tăng huyết áp tâm thu.
Xem thêm video hướng dẫn đo huyết áp đúng cách tại nhà.
Khi nào cần kiểm tra chỉ số huyết áp và nhịp tim?
Việc theo dõi và kiểm tra chỉ số huyết áp, nhịp tim nên được thực hiện thường xuyên tại nhà hoặc tại cơ sở y tế. Các chuyên gia y tế khuyên nên đo huyết áp và nhịp tim vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Không ăn sáng hoặc uống thuốc trước khi đo huyết áp và nhịp tim. Tránh caffeine, thuốc lá và rượu trong 30 phút trước khi đo để có kết quả chính xác.
Biện pháp để giữ cho chỉ số huyết áp và nhịp tim bình thường ổn định
Các mức độ an toàn của nhịp tim và huyết áp sẽ có sự khác nhau ở từng độ tuổi. Tuy nhiên, việc chăm sóc tốt cho sức khỏe tim mạch, duy trì nhịp tim và huyết áp ở vùng bình thường là điều rất cần thiết. Các biện pháp bạn nên áp dụng bao gồm:
- Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học: Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, các loại cá béo, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ nướng, thực phẩm được chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối;
- Dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động, tập luyện thể dục và nên duy trì đều đặn thói quen này;
- Ngưng hút thuốc lá, tránh sử dụng các sản phẩm có chứa chất kích thích như cà phê, rượu, bia, nước ngọt có ga…;
- Giảm bớt những căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống;
- Dành thời gian để thư giãn tinh thần;
- Thăm khám sức khỏe theo định kỳ.
Người có chỉ số đo huyết áp và nhịp tim bất thường nên thăm khám sớm
Nếu kết quả đo huyết áp và nhịp tim bất thường, người bệnh nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám, chẩn đoán bệnh lý và có phương pháp điều trị phù hợp. Hoặc khi người bệnh có các triệu chứng bất thường về huyết áp và nhịp tim như:
- Huyết áp cao: Người bệnh thường có biểu hiện như nhức đầu, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt…
- Huyết áp thấp: Thường kèm theo triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu;
- Rối loạn nhịp tim: Có thể gây ra các triệu chứng đánh trống ngực, đau ngực, choáng váng, chóng mặt, mệt mỏi, hụt hơi.
Người bệnh có chỉ số nhịp tim và huyết áp bất thường cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được kiểm tra và điều trị phù hợp.
Hiện nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được nhiều người lựa chọn thăm khám và điều trị các bệnh lý về tim mạch. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, tay nghề cao, hệ thống máy móc, trang thiết bị tiến tiến chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh lý về huyết áp và nhịp tim. Đồng thời, đội ngũ nhân viên y tế, chăm sóc khách hàng hỗ trợ tận tình, giúp người bệnh an tâm khi đến thăm khám tại bệnh viện.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Chỉ số đo huyết áp và nhịp tim là khác nhau, nhưng cả hai đều giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Việc theo dõi các chỉ số này và đọc hiểu chúng là rất cần thiết, giúp chúng ta phát hiện sớm các bất thường về nhịp tim và huyết áp, chủ động đi thăm khám để điều trị kịp thời.