Chỉ số huyết áp ở mỗi người không giống nhau, mức huyết áp có thể thấp với một người nhưng lại ổn định đối với người khác. Vậy ở từng độ tuổi, chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu? Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Huyết áp bình thường là gì?
Huyết áp bình thường là khi chỉ số huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu đo được nằm trong phạm vi khỏe mạnh, trong đó:
- Huyết áp tâm thu: Trong khoảng từ 90-139 mmHg, đây là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, thể hiện áp lực của dòng máu lên lòng mạch ở thì tâm thu, phản ánh khả năng bơm máu của tim đi tới các hệ cơ quan trong cơ thể.
- Huyết áp tâm trương: Trong khoảng từ 60-89 mmHg, là áp lực máu thấp nhất trong mạch máu xảy ra giữa các nhịp tim. Huyết áp tâm trương đo lường áp lực máu lên thành động mạch khi tim thả lỏng sau khi co bóp.
Huyết áp không phải lúc nào cũng đứng yên mà sẽ thay đổi theo hoạt động của bạn. Ví dụ như khi bạn tập thể dục, quá phấn khích, huyết áp sẽ tăng lên. Khi nằm nghỉ ngơi, huyết áp sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác cũng làm ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp liên quan đến các bệnh lý.
Chỉ số huyết áp bình thường trong giới hạn là bao nhiêu?
Theo Hướng dẫn của Trường Tim mạch Hoa Kỳ/Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Quản lý Huyết áp cao ở người lớn vào năm 2017, các mức chỉ số huyết áp như sau:
Bình thường Huyết áp tâm thu: < 130 mmHgHuyết áp tâm trương: < 85 mmHg
Bình thường cao Huyết áp tâm thu: 130-139 mmHgHuyết áp tâm trương: 85-89 mmHg
Tăng huyết áp Huyết áp tâm thu: ≥ 140 mmHgHuyết áp tâm trương: ≥ 90 mmHg
- Ở người trưởng thành, mức huyết áp lý tưởng là < 120/80mmHg. Nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ thấp hơn nhiều, nên duy trì lối sống khoa học giữ cho huyết áp trong phạm vi khỏe mạnh. (1)
- Huyết áp 90/60 mmHg hoặc thấp hơn: Đây là mức độ cho thấy bạn đang bị huyết áp thấp. Nếu không gây ra triệu chứng, thường không cần điều trị. Nhưng nếu huyết áp thấp kèm chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu hoặc các bất thường khác, cần được sơ cứu và cấp cứu kịp thời.
- Tiền cao huyết áp từ 130-139/ 85-89 mmHg: Đây không phải là huyết áp cao, nhưng nó cao hơn một chút so với bình thường. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp trong lối sống, bạn có thể tiếp tục bị tăng huyết áp.
- Từ 140/90 mmHg trở lên là điểm giới hạn để chẩn đoán huyết áp cao, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bảng huyết áp người bình thường chuẩn theo độ tuổi
Theo báo cáo từ trang thông tin chăm sóc sức khỏe MedicineNet (Mỹ) cho biết, huyết áp bình thường theo độ tuổi (từ 21-65 tuổi), được phân chia theo giới tính (2) như sau:
Ở tuổi trưởng thành, bảng huyết áp trung bình theo độ tuổi ở nam giới là:
Tuổi Huyết áp tâm thu (mmHg) Huyết áp tâm trương (mm Hg) 21-25 120.5 78.5 26-30 119.5 76.5 31-35 114.5 75.5 36-40 120.5 75.5 41-45 115.5 78.5 46-50 119.5 80.5 51-55 125.5 80.5 56-60 129.5 79.5 61-65 115.5 76.5Huyết áp trung bình theo độ tuổi ở nữ giới là:
Tuổi Huyết áp tâm thu (mmHg) Huyết áp tâm trương (mm Hg) 21-25 115.5 70.5 26-30 113.5 71.5 31-35 110.5 72.5 36-40 112.5 74.5 41-45 116.5 73.5 46-50 124 78.5 51-55 112.55 74.5 56-60 132.5 78.5 61-65 130.5 77.5Các yếu tố ảnh hưởng đến mức huyết áp bình thường
Chỉ số huyết áp có thể thay đổi do sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Một số yếu tố thường gặp ảnh hưởng đến mức huyết áp bình thường như:
1. Yếu tố sinh lý
Huyết áp thường tăng cao khi bạn hoạt động thể chất, tập luyện thể dục ở cường độ cao hoặc tâm trạng quá phấn khích. Ngược lại, lúc nghỉ ngơi hoặc ngủ, mức huyết áp sẽ giảm xuống. Huyết áp cũng có thể thay đổi do:
- Tuổi tác.
- Các loại thuốc đang dùng.
- Tâm lý quá hồi hộp, lo lắng, stress.
- Tư thế ngồi không chuẩn, đứng trong thời gian dài.
- Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ…
2. Các yếu tố liên quan bệnh lý
Những bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp bao gồm: cường tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, bệnh đái tháo đường, các bệnh lý viêm nhiễm như viêm dạ dày, viêm cầu thận, viêm tuyến giáp…
Khi nào chỉ số huyết áp được coi là bất thường?
Khi đo huyết áp cho thấy kết quả chỉ số huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg là bạn đang bị huyết áp thấp. Nếu huyết áp duy trì ở mức độ cao trong thời gian dài, có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như dẫn đến đau tim, đột quỵ, suy tim hoặc bệnh thận. Huyết áp quá thấp có thể gây tổn thương tim, não, suy giảm chức năng thận, thậm chí sốc, tử vong nếu không được cấp cứu nhanh chóng.
Trường hợp chỉ số đo huyết áp tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90mmHg được xác định là tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng huyết áp tâm thu từ 130-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 85-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80mmHg.
Cách để xác định mức huyết áp bình thường
Để kiểm tra mức huyết áp của bạn có đang ở trong phạm vi khỏe mạnh hay không, cách phổ biến nhất là đo huyết áp. Đo huyết áp có thể được thực hiện đúng cách bằng máy đo cơ hoặc máy đo huyết áp điện tử. Bạn có thể tự đo huyết áp tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế để đo, thăm khám sức khỏe. Trường hợp bác sĩ nhận thấy huyết áp bất thường, có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác bao gồm:
- Xét nghiệm máu: để xem bạn có bị thiếu máu hay không, xét nghiệm sinh hoá máu.
- Điện tâm đồ.
- Siêu âm tim.
- Siêu âm bụng tổng quát.
- Siêu âm mạch máu.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân: chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận…
Xem thêm video hướng dẫn đo huyết áp đúng cách tại nhà
Làm thế nào để duy trì ổn định chỉ số huyết áp bình thường theo độ tuổi?
Mức huyết áp bình thường sẽ khác nhau tùy theo từng độ tuổi. Do đó, việc duy trì chỉ số huyết áp bình thường ổn định cần có sự cân nhắc trong lối sống sinh hoạt hằng ngày. Các giải pháp giúp duy trì ổn định mức huyết áp bình thường bao gồm:
1. Ăn uống khoa học
- Tăng cường thực phẩm tươi, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Điều chỉnh lượng muối ăn phù hợp với mức huyết áp.
- Giảm rượu, bia, các đồ uống có chứa chất kích thích.
- Ưu tiên cách chế biến món ăn bằng luộc, hấp.
2. Chế độ tập luyện đều đặn
Tập thể dục thường xuyên giúp máu lưu thông tốt, tăng cường sức mạnh cho cơ tim. Tùy thuộc vào mỗi độ tuổi, nên lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng. Tuy nhiên, tốt nhất nên đảm bảo tập luyện đều đặn, ít nhất 5 ngày/tuần, với mỗi lần tập trong khoảng ít nhất 30 phút. Một số bài tập giúp duy trì mức huyết áp bình thường như: đi bộ, đạp xe, tập yoga, chạy bộ… Lưu ý không nên tập luyện quá gắng sức hoặc thực hiện các bài tập quá nặng với độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe.
3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Có sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi phù hợp sẽ giúp ổn định mức huyết áp bình thường. Do đó, bạn nên dành thời gian để ngủ đủ giấc mỗi đêm, tránh thức quá khuya. Đồng thời, duy trì tâm trạng tích cực sẽ rất tốt cho huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng khả năng miễn dịch.
4. Theo dõi huyết áp thường xuyên
Vì chỉ số huyết áp áp không giữ nguyên mà sẽ có sự thay đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, nên theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà kết hợp thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế.
5. Người có dấu hiệu bất thường về huyết áp nên thăm khám sớm
Nếu tự đo huyết áp tại nhà và các chỉ số huyết áp tâm thu hoặc huyết áp tâm trương thấp hoặc cao quá so với mức bình thường là 120/80mmHg, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.
Hoặc khi có triệu chứng bất thường như chóng mặt, da môi và tay tím tái, người ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, rối loạn nhịp tim, ngất xỉu… cần nhanh chóng cấp cứu. Trường hợp bạn không biết bản thân có phải bị huyết áp thấp hay tăng huyết áp không, vẫn nên đến bệnh viện để thăm khám.
Một số câu hỏi thường gặp về chỉ số huyết áp bình thường
1. Huyết áp và nhịp tim bình thường có liên quan nhau không?
Huyết áp và nhịp tim bình thường có liên quan đến trái tim, nhưng chúng là khác nhau. Huyết áp là mức độ máu di chuyển qua các mạch máu, còn nhịp tim là số lần tim đập trong một phút. Nhịp tim tăng không có nghĩa là huyết áp cũng tăng.
2. Bao lâu nên kiểm tra huyết áp một lần?
Với một người trưởng thành dưới 40 tuổi, chưa mắc huyết áp cao, nên kiểm tra ít nhất 3-5 năm/lần. Nếu bị béo phì, thừa cân, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, suy thận và trên 40 tuổi nên kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Đặc biệt, đối với người bị cao huyết áp, nên kiểm tra huyết áp tại nhà ít nhất 1 lần/ngày. (3)
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, trang bị hệ thống máy móc hiện đại giúp tầm soát và điều trị bệnh huyết áp hiệu quả. Đây là địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín được nhiều người tin tưởng lựa chọn.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin sau:
Kiểm soát mức huyết áp bình thường chính là chìa khóa quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch theo từng độ tuổi. Việc làm này cũng giúp chúng ta chủ động hơn trong việc đánh giá tình hình sức khỏe, có sự điều chỉnh phù hợp trong sinh hoạt và lối sống.